1. "Siêu nhân" Nguyễn Thị Oanh: Sức mạnh phi thường trong hình dáng nhỏ bé
Nguyễn Thị Oanh nổi danh khắp cả nước và trở thành biểu tượng của các VĐV Việt Nam tham dự SEA Games 32 với màn trình diễn vô cùng ấn tượng, chạy đâu giành HCV ở đó. Cô tham dự 4 nội dung khá vất vả ở đại hội năm nay gồm 5.000m, 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật và 10.000m nữ và đều giành huy chương vàng. Oanh đã làm nên thành tích "vô tiền khoáng hậu" khi là VĐV điền kinh Việt Nam giành tới 4 HCV cá nhân chỉ trong một kì SEA Games.
Nguyễn Thị oanh giành 2 HCV điền kinh chỉ trong 20 phút (Ảnh: Nhân Văn)
Không chỉ sở hữu thành tích khủng, cô gái với chiều cao 1m50 khiến người ta nể phục bởi nỗ lực và sự kiên cường. Ở ngày thi 9/5, BTC đột ngột đổi lịch thi đấu khiến hai nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật nữ chỉ cách nhau 20 phút. Oanh đã chấp nhận đương đầu thử thách, mạnh mẽ chinh phục cả hai nội dung với vị trí đầu tiên và còn về trước đối thủ khá nhiều. Sức mạnh, nghị lực vượt khó của cô gái "bé hạt tiêu" quê Bắc Giang khiến người ta mến mộ và tin yêu.
Nguyễn Thị Oanh xứng danh nữ hoàng điền kinh Việt Nam tại đại hội năm nay (Ảnh: Nhân Văn)
2. Trương Twins - Vượt qua nỗi đau mất người thân để cùng ĐT bóng rổ nữ Việt Nam làm nên lịch sử
Những ngày SEA Games diễn ra, bà ngoại của cặp VĐV Việt kiều song sinh Trương Thảo My - Trương Thảo Vy không may qua đời. Cả hai đã nén nỗi đau buồn để ở Campuchia cùng ĐT nữ Việt Nam nuôi giấc mơ đổi màu huy chương. SEA Games 31 trên sân nhà Việt Nam năm ngoái, các cô gái đã giành HCB lịch sử khi lần đầu đạt được thành tích cao đến thế tại một kì đại hội. Và năm nay, các cô gái vàng đã thực hiện hoá giấc mơ, trở thành nhà vô địch ở nội dung bóng rổ 3x3 nữ.
Lịch sử bóng rổ Việt Nam gọi tên Trương Thảo My - Trương Thảo Vy - Huỳnh Ngoan và Tiểu Duy (Ảnh: Thanh Xuân)
Không chỉ Thảo Vy, Thảo My mà cả Huỳnh Ngoan, Tiểu Duy cũng xứng đáng được nhắc tên ở hành trình lịch sử này. Bốn cô gái dẫu có lúc đau đớn vì chấn thương, có những phút giây nằm dài tại nhà thi đấu chườm đá lạnh giải nóng, vượt qua khó khăn và áp lực, đã lần đầu tiên đưa bóng rổ Việt Nam lên đỉnh khu vực.
Huỳnh Ngoan ôm thảo Vy khóc vừa là niềm hạnh phúc vừa là niềm sẻ chia với nỗi mất mát của người đồng đội (Ảnh: Thanh Xuân)
3. ĐT bóng đá nữ Việt Nam lập kỉ lục giữ ngôi hậu SEA Games 32 liên tiếp trong 4 kì
Đây là thành tích chưa đội bóng nữ nào trong khu vực làm được. ĐT nữ Việt Nam dự giải trong thời điểm đội đang trẻ hoá, một số trụ cột lại dính chấn thương. Ngôi vô địch SEA Games 32 không phải điều dễ dàng mà là những trăn trở, lo lắng của HLV Mai Đức Chung và sự nỗ lực, cố gắng của các cô gái kim cương.
Trước ĐT nữ Việt Nam, chưa ĐT nữ nào vô địch SEA Games 4 lần liên tiếp (Ảnh: Thanh Xuân)
Trong đó những cái tên nổi bật như đội trưởng Huỳnh Như, Bích Thuỳ, Thuỳ Trang hay Thanh Nhã. Cầu thủ trẻ Nguyễn Thị Thanh Nhã đã có sự tiến bộ nhanh chóng và vượt bậc khiến HLV Mai Đức Chung hài lòng. Nữ tuyển thủ với gương mặt xinh đẹp chính là người có pha bứt tốc xuất thần và cú sút xa như đại bác xé lưới ĐT nữ Myanmar trong trận chung kết hôm 15/5.
Sự kết hợp của thế hệ đầy kinh nghiệm và thế hệ đầy sức trẻ làm nên thành công của ĐT nữ Việt Nam (Ảnh: Thanh Xuân)
4. Nguyễn Văn Tùng - ĐT bóng đá nam U22 Việt Nam
Có thể nói Văn Tùng chính là điểm sáng lớn nhất của U22 Việt Nam trong hành trình SEA Games 32. Bước vào giải với vị thế của đương kim vô địch nhưng thầy trò HLV Philippe Troussier đã gặp vô cùng nhiều khó khăn. Mỗi trận đấu Văn Tùng được tham gia, anh đều ghi bàn thắng đầy cảm xúc khiến người hâm mộ vỡ oà. Ở trận tranh huy chương đồng, Văn Tùng tái phát chấn thương nên không thể ra sân.
Văn Tùng là tiền đạo số 1 của U22 Việt Nam (Ảnh: Thanh Xuân)
Chung cuộc, Văn Tùng cùng U22 Việt Nam giành Huy chương đồng, một kết quả có lẽ vẫn chưa thể khiến đông đảo người hâm mộ hài lòng nhưng các cầu thủ trẻ cũng đã nỗ lực hết sức. Văn Tùng ghi được 5 bàn thắng, bằng với 2 cầu thủ Indonesia vừa vô địch SEA Games. Cả ba đồng danh hiệu Vua phá lưới bóng đá nam năm nay.
5. Và rất nhiều con người làm nên kỉ lục, lịch sử, thành công vang dội cho đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games năm nay
Ở SEA Games 32, lần đầu tiên Golf Việt Nam giành được HCV. Người làm được điều lịch sử ấy là "thần đồng" 15 tuổi Lê Khánh Hưng (Ảnh: Tam Ninh)
Bộ đôi Đinh Anh Hoàng và Trần Mai Ngọc giành HCV cho bóng bàn Việt Nam ở nội dung đôi nam nữ sau 26 năm chờ đợi (Ảnh: Thanh Xuân)
Kình ngư Phạm Thanh Bảo (22 tuổi) đã phá kỷ lục 100m ếch với thời gian 1 phút 0 giây 97, vượt kỉ lục cũ do chính anh thiết lập ở kì trước. Thanh Bảo còn xuất sắc khi là nam VĐV bơi lội đầu tiên của Việt nam vô địch nội dung 200m ếch (Ảnh: Nhân Văn)
Hot boy Đinh Phương Thành nổi bật khi là VĐV đầu tiên của thể dục dụng cụ Việt Nam giành HC vàng cá nhân năm kỳ SEA Games liên tiếp. Tổng số HCV mà Đinh Phương Thành đã có là 13 chiếc, sau các kì SEA Games (Ảnh: Thanh Xuân)
13 HCV cũng là con số kỉ lục mà VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền đang nắm giữ. Với 3 HCV ở đại hội năm nay, chân chạy Nam Định tiếp tục là người dẫn đầu về số HCV mà một VĐV điền kinh Việt Nam đạt được qua các kì SEA Games (Ảnh: Thanh Xuân)
Đô cử 19 tuổi Trần Minh Trí mới phá kỉ lục SEA Games ở nội dung cử đẩy. Đô cử Nguyễn Quốc Toàn phá liên tiếp 3 kỉ lục SEA Games. Và còn nhiều VĐV đã nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo, dẫu có huy chương vàng, bạc, đồng hay chưa thể có thành tích như mong đợi, cũng đáng được tôn trọng và cổ vũ, đồng hành.