Những cái chết bí ẩn chốn ngục tù giữa đại dịch: Tù nhân nằm kẹt cứng chồng chất lên nhau, 45.000 người mới có 1 bác sĩ

J.D, Theo Trí Thức Trẻ 02:42 13/05/2020
Chia sẻ

45.000 tù nhân nhưng chỉ có 1 bác sĩ chịu trách nhiệm - đây là chuyện có thật xảy ra trong các nhà tù tại Philippines hiện nay.

Khắp mọi nơi tại châu Á và toàn thế giới nói chung, lời khuyên chung dành cho tất cả mọi người là phải giữ khoảng cách và duy trì chuẩn vệ sinh cá nhân thật tốt, để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm Covid-19.

Nhưng đó là chuyện của thế giới bình thường. Nếu thế giới ấy là một nhà tù vốn được thiết kế để chứa được khoảng 100 tù nhân nhưng đang có tới gấp 5 lần con số ấy bên trong, mọi quy chuẩn lúc đó sẽ trở thành vô nghĩa.

Việc quá tải đã là chuyện bình thường ở hệ thống nhà giam tại nhiều quốc gia đang phát triển. Nhưng tại Philippines, câu chuyện ấy trở nên kinh khủng hơn bao giờ hết. Như ở Nhà tù Thành phố Manila - một trong số khoảng 933 cơ sở giam giữ của đất nước, tù nhân nằm chen chúc trong mỗi phòng giam, mồ hôi nhễ nhại, toilet và cầu thang cáu bẩn, trong khi hệ thống thông khí thì cực kém. Họ cố gắng đưa mình vào giấc ngủ để chống lại cái nóng. Một số người phải chia ca ngủ luân phiên, vì không gian chật đến mức chẳng thể nằm cùng nhau.

Những cái chết bí ẩn chốn ngục tù giữa đại dịch: Tù nhân kẹt cứng như cá hộp, nằm chồng lên nhau và khiến những quy chuẩn an toàn trở nên vô nghĩa - Ảnh 1.

Hình ảnh thường thấy trong nhà tù Quezon (Manila, Philippines)

Những nơi có điều kiện sống nghèo nàn - như nhà lồng cho người nghèo của Hong Kong, các khu ổ chuột thiếu nước sạch của Ấn Độ, hay các khu nhà tập thể cho dân nhập cư tại Đông Nam Á vốn môi trường hết sức hoàn hảo để dịch bệnh xuất hiện. Nhưng đối với những hệ thống nhà tù lớn nhất châu Á, các chuyên gia nhận định dịch bệnh nếu xuất hiện sẽ trở nên cực kỳ chết chóc.

Hơn nữa, nhiều nhà tù đã buộc phải cấm người thân vào thăm để ngăn chặn sự lây lan của virus, và điều này khiến tù nhân càng trở nên kiệt quệ về mặt tinh thần.

Những cái chết bí ẩn

"Tình hình đang rất khó khăn. Các nhà tù (tại Đông Nam Á) đang bị ngó lơ, và đông đúc đến mức gần như không thể thực hiện bất kỳ giải pháp gì để ngăn chặn nếu Covid-19 thực sự xuất hiện," - trích lời Clarke Jones, chuyên gia tội phạm học tại ĐH Quốc gia Úc.

Đáng chú ý là theo Jones, số liệu về những ca tử vong trong các nhà tù đã không được minh bạch. "Có nhiều người chết nhưng được giữ kín, không lưu vào dữ liệu, và thi thể được thiêu hủy ngay sau sự vụ," - Jones chia sẻ. "Chúng ta sẽ không thể biết chính xác nguyên nhân, cũng như tỷ lệ tử vong là bao nhiêu."

Những cái chết bí ẩn chốn ngục tù giữa đại dịch: Tù nhân kẹt cứng như cá hộp, nằm chồng lên nhau và khiến những quy chuẩn an toàn trở nên vô nghĩa - Ảnh 2.

Tù nhân trong trại giam Quezon (2016)

Vấn đề quá tải trong các nhà tù thực chất còn đến từ sự thiếu hụt ở 2 yếu tố: nguồn lực và kinh phí. Chẳng hạn như 47 trại giam tại Manila (Philippines) thì "chỉ có 1 bác sĩ chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho... 45.000 tù nhân," - theo báo cáo của Tobias Brandner, một giáo sĩ nhà tù và là giáo sư ĐH Hong Kong vào năm 2019.

"Ngân quỹ y tế mỗi năm chỉ rơi vào khoảng 550HKD/tù nhân (tương đương 71 USD, hay hơn 1,63 triệu đồng). Chia trung bình, mỗi người có khoảng 1,29USD/ngày."

"Đó cũng là lý do tại sao người thân khi đến thăm tù tại trại giam thành phố Manila luôn mang theo những bọc đồ ăn khổng lồ," - Brander chia sẻ thêm.

Thực phẩm nghèo nàn cũng là lý do khiến các tù nhân trở nên dễ bị tổn thương hơn trong đại dịch, bởi hệ miễn dịch của họ vốn cũng không được củng cố. Ziad Tohme - cựu bác sĩ của hội Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cho biết: "Hầu hết các tù nhân tại châu Á còn trẻ, khoảng 15 - 30 tuổi. Nhưng thông khí kém, thiếu hụt thức ăn, chất lượng nước tệ cùng sự căng thẳng do quá chật chội khiến họ trở nên dễ tổn thương."

Olivia Rope - giám đốc chính sách của tổ chức phi chính phủ Cải cách hình sự quốc tế (Penal Reform International) thì quan ngại về tình trạng của các tù nhân lớn tuổi ở châu Á. Theo bà, có rất nhiều người đang mắc bệnh nghiêm trọng như bệnh tim, tiểu đường, ung thư... đặc biệt là tại các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhồi nhét kinh khủng

Số liệu chính thức cho thấy hệ thống tù giam tại Philippines đang làm việc với 500% công suất vốn có. Tháng 3/2020, có khoảng 134.748 người bị giam giữ - con số tăng vọt trong những năm gần đây do chính sách triệt hạ ma túy cực kỳ quyết liệt từ chính phủ. Tổng cộng có hơn 300 tù nhân trên cả nước được xác nhận dương tính với Covid-19 - hầu hết đến từ nhà giam trên đảo Cebu. Ít nhất 4 người đã chết.

Tuy nhiên theo số liệu từ tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, tỉ lệ tử vong của tù nhân trên thực tế là cao hơn rất nhiều. Phó giám đốc khu vực châu Á Phil Robertson nhận định "những cái chết không được ghi nhận cho thấy cần phải minh bạch hơn về khả năng lây lan của Covid-19 trong những trại giam đang chật kín."

Những cái chết bí ẩn chốn ngục tù giữa đại dịch: Tù nhân kẹt cứng như cá hộp, nằm chồng lên nhau và khiến những quy chuẩn an toàn trở nên vô nghĩa - Ảnh 3.

1 bác sĩ phải chịu trách nhiệm cho... 45.000 tù nhân

Để đối phó với đại dịch, nhà chức trách Philippines gần đây đã trả tự do cho 10.000 tù nhân, bao gồm những người đang thụ án dưới 6 tháng, những người bị tạm giam do không đủ tiền trả phí tại ngoại, và nhóm tù nhân cao tuổi, đang đau ốm.

Harry Tubangi, quản lý chương trình sức khỏe cho tù nhân tại ICRC ở Philippines lưu ý, các nhà tù có lẽ là cơn khủng hoảng chưa được chính phủ nhìn ra. Ông cho biết, tổ chức đã giúp thành lập 5 trung tâm cách ly Covid-19 cho tù nhân, với tổng cộng 500 giường bệnh. Nhưng với hàng dài những người đang chờ kết quả xét nghiệm (nhiều đến mức có thể phải chờ đến 2 tuần) cho thấy tình hình ngày càng khó khăn.

"Đầu tiên là xác định ca nghi nhiễm rồi cách ly, sau đó mới có thể xét nghiệm và xác nhận tính nghiêm trọng," - ông chia sẻ. "Ngoài ra còn phải lọc người nhiễm Covid-19 ra khỏi những căn bệnh truyền nhiễm khác, như bệnh lao." Ước tính mỗi năm, số tù nhân được cho là tử vong vì bệnh truyền nhiễm tại Philippines có thể lên tới hàng ngàn.

Ở thời điểm hiện tại, toàn Philippines ghi nhận hơn 10.000 ca dương tính và trên 650 người tử vong. Những con số này được dự tính sẽ còn tăng lên, do khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh tại đây.

Những cái chết bí ẩn chốn ngục tù giữa đại dịch: Tù nhân kẹt cứng như cá hộp, nằm chồng lên nhau và khiến những quy chuẩn an toàn trở nên vô nghĩa - Ảnh 4.

Thời gian xét nghiệm quá lâu cũng là một vấn đề nan giải

Điều đáng nói, Philippines không phải quốc gia duy nhất gặp vấn đề với các nhà tù trong thời điểm đại dịch. Tại Pakistan - nơi hiện đang có 22.000 ca nhiễm, đã có 100 tù nhân được xác nhận dương tính vào ngày 21/4. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chỉ làm xét nghiệm với những người có triệu chứng - theo lời Ali Haider Habib từ tổ chức Justice Project Pakistan.

Habib cho biết dù đã ngăn cản người thân thăm nuôi, nhưng mỗi ngày các nhà tù vẫn phải đối mặt với một lượng lớn người mới bị giam giữ. Một số cơ sở thậm chí còn tăng hơn 500 tù nhân trong 1 ngày.

Tương tự như Philippines, các tù nhân của Pakistan cũng phải chịu rất nhiều rủi ro, với nhiều người đã cao tuổi và có tiền sử bệnh nền. Trong đó, 2.400 tù nhân có bệnh truyền nhiễm như HIV, 600 có bệnh tâm lý. Họ cũng "thiếu hiểu biết và không thường duy trì được thói quen giữ vệ sinh, dẫn đến rủi ro rất cao," - Habib nhận định.

Những cái chết bí ẩn chốn ngục tù giữa đại dịch: Tù nhân kẹt cứng như cá hộp, nằm chồng lên nhau và khiến những quy chuẩn an toàn trở nên vô nghĩa - Ảnh 5.

Nhà chức trách Pakistan chỉ xét nghiệm cho tù nhân có triệu chứng

Chuyện tương tự cũng xảy ra với Ấn Độ, khi chính phủ buộc phải thả hàng ngàn người bị tạm giam sau khi phát hiện virus lây lan trong các cơ sở giam giữ. Không có số liệu rõ ràng về việc có bao nhiêu tù nhân đã nhiễm Covid-19, nhưng ít nhất 19 người tại trại giam trung tâm Indore, và 77 trường hợp khác của nhà tù Arthur Road (Mumbai) được xác nhận dương tính trong tuần qua.

"Tình hình thực sự khủng khiếp," - Madhurima Dhanuka, luật sư và là giám đốc Chương trình cải cách tù nhân của tổ chức Commonwealth Human Rights Initiative chia sẻ.

Đơn giản là quá đông

Tháng 4/2020, Indonesia thông báo sẽ phải trả tự do cho 30.000 tù nhân để ngăn cản sự lây lan của virus. Myanmar cũng có động thái tương tự, với 25.000 người sẽ được thả. Iran cho biết sẽ tạm thời thả 85.000 tù nhân, yêu cầu tất cả chờ đợi chỉ đạo tiếp theo. Còn tại Thái Lan, án tù giam được tạm hoãn thi hành với ít nhất 8000 người.

Kittipong Kittiyarak - giám đốc điều hành Viện Tư pháp Thái Lan cho rằng nhà chức trách cần có một giải pháp giam giữ khác, đồng thời cần ra lệnh tạm tha, hoặc sớm trả tự do cho nhóm tội nhân có rủi ro cao và những người phạm tội không liên quan đến bạo lực. Tuy nhiên, ông nhận định như vậy vẫn là chưa đủ để tránh "một hậu quả thảm khốc" nếu đại dịch bùng lên - không chỉ Covid-19 mà bất kỳ dịch bệnh nào khác trong tương lai.

Tại Úc, một nhóm gồm 370 luật sư, học giả và các nhà hoạt động đã cùng ký vào một lá thư đề nghị nhà chức trách trả tự do cho các tù nhân, hoặc ít nhất là cân nhắc thực hiện nó. Như tiểu bang New South Wales đã sớm thông qua đạo luật khẩn cấp, cho phép chính quyền sớm thả một số lượng tù nhân "có chọn lọc" - theo lời giáo sư tội phạm học Lorana Bartels từ ĐH Quốc gia Úc. Nhưng rốt cục, vẫn chưa có ai được trả tự do, mà thay vào đó là hướng đến giải pháp gia tăng quy chuẩn vệ sinh, cách ly và giữ khoảng cách trong tù.

Những cái chết bí ẩn chốn ngục tù giữa đại dịch: Tù nhân kẹt cứng như cá hộp, nằm chồng lên nhau và khiến những quy chuẩn an toàn trở nên vô nghĩa - Ảnh 6.

Đại dịch đã gây ra bạo động tại nhiều nơi nhà tù trên thế giới

Bartels cảnh báo, áp lực đối với hệ thống nhà tù của Úc đang có xu hướng gia tăng, bởi đạo luật không cho phép các tội phạm nguy hiểm được tại ngoại, bất kể đại dịch có nổ ra hay không. Bà cũng tỏ ra khá thất vọng vì có quá ít động thái từ chính phủ hướng đến vấn đề này.

Theo thông báo mới nhất từ Tổ chức Cải cách hình sự Quốc tế, đa số tù nhân trên thế giới có gia cảnh hết sức ngặt nghèo, với quá khứ bị lạm dụng hoặc bỏ rơi. Điều này làm dấy lên một mối lo khác, về việc số lượng tù nhân có thể tăng nhanh không kiểm soát vì không đủ tiền tại ngoại. Như tại Philippines, Brandner cho rằng hệ thống luật pháp cần phải được cải cách, nhằm tránh tình trạng quá tải xảy ra.

"Nhiều người bị tạm giam trong thời gian rất dài trước khi chính thức bị kết án. Trong khi đó, nhiều người dù bị kết án nhưng vẫn có thể sống bình thường trong cộng đồng, không bị tống giam."

Clarke Jones - nhà tội phạm học cũng tỏ ra đồng tình, nhưng đồng thời cũng cho rằng rất khó để cải thiện các hệ thống này, bởi hiện tượng tham nhũng. "Vì tham nhũng, khoản tiền dành cho cải tạo và hệ thống chăm sóc y tế bị các cá nhân chiếm đoạt," - ông nhận định. Một số trường hợp, tù nhân thậm chí phải tự chăm sóc cho nhau trong khả năng của mình.

Và đừng cho rằng đây không phải là việc của mình. "Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị giam giữ, dù vì bất kỳ lý do gì, như tai nạn giao thông."

Nguồn: SCMP
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày