Trong "Diên Hi Công Lược" - bộ phim truyền hình cung đấu đang được yêu thích nhất ở thời điểm hiện tại, ngoài những màn đấu đá căng thẳng của các phi tần chốn hậu cung, có một nhân vật còn được chú ý hơn cả Hoàng Đế Càn Long trong Tử Cấm Thành. Đó chính là ngự tiền thị vệ Phú Sát Phó Hằng. Chàng là em ruột của Phú Sát Hoàng Hậu, đồng thời là cận thần được vua coi trọng. Vì vậy, các khán giả cũng bắt đầu tò mò về các vị thị vệ nội cung thực sự trong lịch sử Trung Quốc vốn dĩ là những người như thế nào?
Hoàng cung Đại Thanh khi lựa chọn người vào cung làm thị vệ chú trọng nhất vào 3 điểm: Thứ nhất, là xuất thân con cháu Bát kỳ, họ là một tổ chức quân sự đặc sắc của người Mãn Châu và cũng là đội quân hùng mạnh trong lịch sử Trung Hoa, đã đóng góp công lao to lớn trong cuộc chinh chiến giữa nhà Thanh và nhà Minh. Vì vậy, đây là những người được hưởng đặc quyền của triều đình, họ sẽ không làm những chuyện có hại đến Hoàng đế.
Hai, là sự trung thành. Thị vệ phải có một lòng trung thành hết mực với bậc quân vương thì khi đó Hoàng thượng mới có cảm giác an toàn, bởi người ngồi ở trên vị trí cao mới chính là người luôn phải sống trong nguy hiểm nhất.
Ba, võ công phải cao cường để bảo vệ sự an toàn tuyệt đối của vua.
Giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong cung cấm cùng yêu cầu tuyển chọn khắt khe như vậy, xung quanh những thị vệ này còn có những bí mật gì mà người đời vẫn chưa được biết đến?
1. Thầy dạy võ cho thị vệ lại là tên trộm chuyên "trèo tường khoét vách"
Năm Càn Long thứ 12, Sa La Bôn - quan thổ ti ở huyện Kim Xuyên (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) tạo phản. Đối mặt với những chòi canh cao vút và kiên cố ở nơi này, quân binh nhà Thanh rơi vào thế bí, đánh lâu ngày nhưng vẫn không tiêu diệt được quân địch. Hoàng đế Càn Long bèn hạ lệnh thành lập một đội quân có tên là Kiện Duệ Doanh (hay còn gọi là Vân Thê Doanh) ở Hương Sơn, chuyên huấn luyện một nhóm binh lính có thân thủ nhanh nhẹn. Họ sẽ luyện tập leo lên các chòi canh cao bằng thang, mục đích để chuẩn bị tập kích quân phản loạn ở Kim Xuyên.
Kiện Duệ Doanh ở Hương Sơn (Bắc Kinh).
Tuy nhiên sau khi Kiện Duệ Doanh thành lập, vua vẫn không thể tìm được người dạy võ công cho họ. Càn Long liền ra lệnh cho Tổng quản thị vệ trong đại nội nghĩ cách. Tuy nhiên, những thị vệ trong đại nội điều kiêng kị nhất chính là biết khinh công, giỏi leo trèo. Vì thế, chuyện này lại lâm vào bế tắc thêm một lần nữa. Vì sự tình quá cấp bách, quốc gia đang lâm nguy, cuối cùng vị Tổng quản thị vệ đành tiến cử với vua một vị sư thúc, vốn là một tên trộm giỏi khinh công đang bị giam trong ngục. Sau khi được vua Càn Long hạ lệnh đưa ra khỏi ngục, với võ công cao cường của mình, người này đã giúp triều đình huấn luyện nên một đội thị vệ tinh nhuệ, giành được chiến thắng trong trận Kim Xuyên.
Bởi vì việc mời một đạo tặc dạy võ cho các thị vệ là điều không lấy gì làm vẻ vang, nên nó không được đưa vào Sử sách mà chỉ được truyền lại qua lời kể của những người trong cung cấm.
2. Mặc thử long bào của Hoàng đế
Những trang phục mà Hoàng đế triều Thanh thường mặc, không phải tất cả đều được gọi là "long bào". Chỉ có những bộ quần áo được vua mặc vào buổi lễ chúc mừng mới có cái tên như vậy. Còn những bộ đồ mặc khi ra ngoài đi săn hay đi vi hành, thị sát sẽ được gọi là "hành phục"; đồ mặc khi dự lễ long trọng, tiếp khách nước ngoài thì gọi là "triều phục".
Long bào của Hoàng đế nhà Thanh.
Phàm là những vị vua có đức tính tiết kiệm thì một bộ long bào có thể được họ mặc đi mặc lại đến mấy năm. Tuy nhiên, Hoàng đế Càn Long lại là người nổi tiếng "có mới nới cũ", một năm phải may rất nhiều loại áo bào khác nhau. Vì là vua một nước, bận trăm công ngàn việc, nên ông thường chỉ định một thị vệ chuyên việc thử y phục cho mình. Người này yêu cầu phải có chiều cao và vóc người tương đương với vua.
Trong khi những thị vệ khác phải đứng gác không quản nắng mưa thì thị vệ thử y phục chỉ việc ngồi trên ghế uống trà. Nhưng nếu người này muốn giữ công việc của mình lâu dài thì phải luôn luôn chú ý giữ được dáng người giống với Hoàng đế. Nếu như Càn Long bị bệnh, gầy đi thì đồng nghĩa với việc thị vệ cũng phải cố gắng giảm cân; khi vua khỏe mạnh ăn ngon, ngủ tốt thì thị vệ cũng phải điều chỉnh để mình tăng cân lên. Có thể nói, đây là một công việc không dễ dàng gì hơn so với việc canh gác trong Tử Cấm Thành.
3. Đội thị vệ 18 người chuyên trợ giúp vua khi đi săn
Nhà Mãn Thanh luôn được biết đến là triều đại giành được thiên hạ trên lưng ngựa, vì vậy Hoàng đế nhà Thanh cũng thường chú trọng rèn luyện việc cưỡi ngựa, bắn cung thông qua việc đi săn. Hàng năm, vào mùa thu, các vị vua đều phải đến bãi săn Mộc Lan (thuộc phía đông bắc tỉnh Hà Bắc) để săn bắn.
Khu vực bãi săn Mộc Lan.
Trong bãi săn Mộc Lan không chỉ có hươu, nai thỏ; mà còn có những động vật hung dữ hơn như: hổ và báo. Các loại động vật này nếu bắn một mũi tên không trúng chỗ hiểm thì sẽ không chết ngay, mà còn trở nên hung hãn gấp bội phần. Vì vậy, khi chúng bắt đầu lao về phía vua, sẽ có một đội thị vệ thân thủ cao cường khoảng 18 người bắt đầu vào thế phòng bị để yểm trợ.
Đầu tiên, 6 người sẽ liên tục bắn tên về phía con hổ, nếu nó vẫn chưa chết thì 6 người tiếp theo sẽ giăng dây thừng ngáng chân con hổ. Lúc này, 6 thị vệ cuối cùng sẽ lao ra dùng gậy săn và đao kiếm đâm chết con vật to lớn.
4. Kho vũ khí của đội thị vệ
Thị vệ trong đại nội tổng cộng có khoảng 995 người. Phía sau khu ở của Tổng quản thị vệ đại nội có một gian phòng không được đặt tên chính thức, được mọi người truyền miệng là "kho vũ khí". Người sống ở trong kho này chính là mười mấy lão thị về có kinh nghiệm lâu năm trong cung. Nhiệm vụ của họ rất đặc biệt, đó chính là tìm trong giang hồ những loại ám khí lạ và có tẩm độc, sau đó nghiên cứu cách phá giải nó. Bởi vì những thứ này rất có thể sẽ được người bên ngoài sử dụng trong việc hành thích Hoàng đế. Họ còn tạo ra những loại áo giáp chắc chắn, nhằm giúp cho các thị vệ không bị thương khi chiến đấu.
Về sau, khi súng đạn bắt đầu thịnh hành, các lão thị vệ trong "kho vũ khí" này sẽ bắt đầu thiết kế súng kíp đuôi hổ, một loại vũ khí thô sơ thời kì đầu. Đây là loại súng có uy lực lớn, lực bắn nhanh và dễ dàng nhét các loại thuốc nổ vào bên trong.
5. Ám hiệu khi đi tuần đêm của các thị vệ trong đại nội
Các thị vệ trong đại nội khi đi tuần đêm có một quy định là không thể hô to khẩu lệnh khi gặp nhau, bởi vì như vậy sẽ quấy rầy giấc ngủ của Hoàng đế. Vì vậy, họ có 2 ám hiệu quan trọng để giao tiếp và liên lạc trong công việc tuần đêm. Một là, khi giao thẻ bài, tay trái phải cầm trên đỉnh, tay phải đặt ở phía dưới tấm lệnh bài này và chuyển cho người kia. Người nhận cũng phải có quy củ, sẽ đưa cả hai tay ra cầm phía giữa của thẻ bài.
Thẻ bài bằng đồng của các thị vệ đại nội.
Hai là, trên ngực của thị vệ cũng đeo một thẻ bài làm bằng đồng được đặt trong một túi nhỏ làm bằng da trâu. Da trâu và đồng sau một thời gian cọ xát sẽ xảy ra hiện tượng tĩnh điện. Khi thị vệ mang thẻ bài này chuyển cho người, người nhận sẽ cảm thấy bị giật một chút, mang ý nghĩa như một loại ám hiệu thông báo với nhau.
(Theo Baijiahao)