Ứng dụng giành chiến thắng cuộc thi Technovation Challenge (tạm dịch Thách thức cải tiến công nghệ 2018) được công bố hôm 9-8 thuộc về nhóm nữ sinh Nigeria. Đó là ứng dụng FD-Detector, giúp người dùng nhận ra đâu là thuốc giả dựa vào mã vạch để xác minh tính xác thực và ngày hết hạn của thuốc. Cuộc thi do tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Iridescent tổ chức, thu hút các nữ sinh từ 10-18 tuổi tạo ra một ứng dụng giải quyết các vấn đề trong cộng đồng của họ.
Nhóm nữ sinh Nigeria đam mê công nghệ cùng nữ giáo viên hướng dẫn họ.
Những nữ sinh yêu công nghệ
Nhóm Save-A-Soul (Cứu rỗi linh hồn) của Nigeria gồm Nnalue, Jessica Osita, Nwabuaku Ossai, Adaeze Onuigbo và Vivian Okoye đã dành 5 tháng mày mò nghiên cứu và xây dựng ứng dụng với hy vọng nó có thể là một giải pháp ngăn chặn nạn bán thuốc giả ở Nigeria. Đối với Osita, 15 tuổi, cô bé còn có một lý do cá nhân. Đó là anh trai em đã qua đời sau khi bị tiêm phải thuốc giả sau một tai nạn. “Với ứng dụng này, chúng tôi sẽ giảm bớt gánh nặng. Tôi cảm thấy rất phấn khởi”, Osita, người có tham vọng trở thành dược sĩ cho biết.
Osita và 4 đồng đội khác đã đánh bại các đội đến từ Mỹ, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và Trung Quốc trong trận chung kết dành cho lứa tuổi thiếu niên. “Một số người nói với tôi rằng con gái sao lại đi theo ngành công nghệ làm gì. Lúc đầu cha mẹ tôi không hiểu tôi đang làm gì, nhưng gần đây họ mới thấy những gì tôi đang làm. Họ rất, rất tự hào”, Osita tâm sự.
Promise Nnalue, 14 tuổi, thành viên của nhóm kể: “Mọi người đang gọi chúng tôi là người nổi tiếng và chụp ảnh với chúng tôi. Tôi rất hạnh phúc. Chúng tôi không thể làm điều này nếu không có giáo viên cố vấn. Cô ấy thực sự tin tưởng và khuyến khích chúng tôi” - Nnalue nói và bày tỏ ước mơ sau này sẽ trở thành bác sĩ.
Truyền cảm hứng cho các cô gái trẻ
Nữ giáo viên cố vấn của họ là cô Uchenna Ugwu, người đã giúp các em làm quen với máy tính qua tổ chức Edufun Technik và dạy STEM (kết hợp 4 môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) cho những đứa trẻ bị thiệt thòi ở bang Anambra, Đông Nam Nigeria. Ugwu cho biết, tổ chức của cô đã dạy cho khoảng 4.800 học sinh từ năm 2014 - hơn 60% trong số đó là nữ sinh để thu hẹp khoảng cách giới tính trong mở rộng giáo dục STEM.
Vẫn chưa hết ngạc nhiên với chiến thắng bất ngờ, cô Uchenna Ugwu thừa nhận nỗ lực và niềm đam mê đã giúp cho cả nhóm giành chiến thắng. “Đó là một trải nghiệm tuyệt vời đối với họ. Họ đã bước vào cuộc chiến đấu đầu tiên. Các cô gái đã sợ hãi và choáng ngợp. Họ hỏi tôi làm thế nào có thể cạnh tranh với những nước đã sử dụng công nghệ từ rất lâu? Tôi bảo, điều đó không phụ thuộc vào việc bạn bắt đầu trước đó bao lâu mà bạn đã làm tốt như thế nào. Họ không phải là những học sinh tài năng nhất nhưng họ lại có quyết tâm nhất. Họ gắn bó với các lớp học trong khi nhiều bạn đã bỏ cuộc”.
Nigeria đã đấu tranh với nạn dược phẩm giả nhiều thập kỷ qua. Hồi tháng 6-2018, Cơ quan Quản lý và kiểm soát thực phẩm và dược phẩm quốc gia Nigeria (NAFDAC) đã tiêu hủy lượng thuốc giả trị giá lên tới gần 10 triệu USD. Ban tổ chức Technovation khẳng định, nhóm nữ sinh Nigeria sẽ trở thành đối tác của cơ quan quản lý thuốc của nước này. “Đó sẽ là cảm hứng để các cô gái trẻ trên toàn thế giới nỗ lực và quyết tâm hơn trong vấn đề giải quyết những thách thức lớn trong cộng đồng bằng các giải pháp thông minh”, người sáng lập Iridescent Tara Chklovski nhấn mạnh.
“Các cô gái đã thực sự gây ấn tượng với rất nhiều người. Họ đã vượt lên trong số hơn 2.000 ứng dụng được gửi đến cuộc thi. Năm tháng trước, họ còn chưa biết đến truy cập internet hay gửi thư điện tử. Họ không thể tin rằng họ có cơ hội chạm vào chiếc máy tính. Thật tuyệt vời. Họ là những người chiến thắng trong mọi phương diện” - Nữ giáo viên hướng dẫn Uchenna Ugwu.
(Theo CNN)