Thua keo này, ta bày keo khác
Trận bán kết SEA Games 32, U22 Việt Nam đã để thua Indonesia 2-3 dù được chơi hơn người trong khoảng 30 phút cuối trận. Thất bại của thầy trò HLV Troussier vấp phải sự chỉ trích của người hâm mộ và giới chuyên môn. Phần lớn cho rằng các cầu thủ trẻ thiếu bản lĩnh trong những thời khắc quan trọng, kỹ thuật cơ bản yếu kém và tài năng không bằng các đàn anh dưới thời HLV Park Hang-seo.
Người ta nhắc đến "bản lĩnh trận mạc" của các cầu thủ Việt Nam dưới thời chiến lược gia người Hàn Quốc mà quên không nhắc tới điều gì tạo nên bản lĩnh ấy. Đó chính là những thất bại. Một trung vệ "thép" như Quế Ngọc Hải từng khóc như một đứa trẻ khi để thua Myanmar trong trận bán kết SEA Games 28. Tiếp tục là anh khóc, với thất bại cay đắng trước Indonesia ở bán kết AFF Cup 2016.
Quế Ngọc Hải từng khóc như một đứa trẻ khi để thua Myanmar trong trận bán kết SEA Games 28
Hay thế hệ U23 Việt Nam của những Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh hay Văn Hậu thậm chí còn bị loại từ vòng bảng SEA Games 29 sau trận thua bạc nhược trước Thái Lan. Nỗi buồn thua cuộc, những chỉ trích, những giọt nước mắt dường như đã kết tủa, lắng xuống thành thứ gọi là bản lĩnh, để phát tiết đúng lúc để mở ra thời kỳ thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Hãy nhìn vào U22 Indonesia, đội bóng vừa giành HCV SEA Games sau 32 năm chờ đợi. Trước khi lên ngôi thêm một lần nữa kể từ năm 1991, các đội bóng Indonesia đã để thua 4 trận chung kết SEA Games và 6 trận chung kết AFF Cup. Những thất bại đó không khiến họ chùn bước mà buộc họ phải thay đổi, tìm mọi cách để phát triển bóng đá. Một thế hệ cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản và xây dựng trên nền tảng rút kinh nghiệm từ những thất bại như U22 Indonesia xứng đáng với vị trí cao nhất.
Thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 32 không phải dấu chấm hết, mà là ngã rẽ
Nói như vậy để thấy, thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 32 không phải dấu chấm hết, mà là ngã rẽ. "Thất bại là mẹ thành công" nhưng điều đó chỉ xảy ra nếu các cầu thủ tiếp tục cố gắng không ngừng nghỉ. Từ thất bại này, họ sẽ phải trưởng thành, trui rèn bản lĩnh để tiếp tục sự nghiệp đỉnh cao.
Trên hành trình ấy, họ rất cần những lời phê bình và động viên đúng và trúng. Người viết đã rất xúc động khi xem một đoạn video sau trận bán kết gặp Indonesia. Trong đoạn video ấy, một vài người hâm mộ Việt Nam trên sân đã ôm lấy các cầu thủ trẻ như ôm người em, người cháu với những lời dặn dò thân tình. Vì "Ai chiến thắng mà không hề chiến bại/Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?".
Vẻ đẹp của những thất bại
Trên đường chạy 5.000 m SEA Games 32, VĐV Việt Nam Nguyễn Thị Oanh đã thi đấu xuất sắc để bảo vệ thành công tấm HCV. Nhưng khi những lời tán dương Nguyễn Thị Oanh vơi đi, mọi sự chú ý dồn vào một cô gái bé nhỏ của Campuchia. Cô là Bou Samnang - VĐV về đích cuối cùng ở nội dung này. Dưới cơn mưa tầm tã, Bou Samnang vừa chạy vừa khóc, tưởng chừng có thể ngã quỵ bất cứ khi nào. Nhưng cô vẫn không dừng lại, cố gắng về đích và tự hào giơ cao lá cờ Campuchia.
Hình ảnh ấy đã đánh động trái tim của người dân Campuchia và người hâm mộ Đông Nam Á. Bou Samnang là biểu hiện cho tinh thần không bỏ cuộc của thể thao, và sự thành thật. Cô không ngại ngùng khi về chót, vì cô hiểu rõ khả năng của mình đến đâu. Một nền thể thao muốn phát triển phải dựa trên những sự thành thật như thế, chứ không phải những "chiêu trò" mang về những tấm huy chương ảo.
Bou Samnang về đích chậm hơn gần 6 phút so với Nguyễn Thị Oanh nhưng cô mới 20 tuổi, còn rất nhiều thời gian để phát triển, để mơ về tấm HCV lịch sử như người đàn anh Chhun Bunthon đã làm được ở cự ly 800m.
Ai rồi cũng phải thất bại. Quan trọng là, chúng ta làm gì sau mỗi thất bại mà thôi. Mỗi VĐV phải có câu trả lời cho riêng mình. Vì thể thao đỉnh cao chỉ dành cho những người giỏi nhất. Người ta sẽ không thể mãi ca ngợi một VĐV đứng chót, Bou Samnang hay U22 Việt Nam có lẽ hiểu điều này.