Một mùa trung thu nữa lại về, ngoài đường, người người kéo nhau lên trung tâm để xem các chương trình văn nghệ, có chị Hằng, chú Cuội và đoàn lân sư rồng biểu diễn trong tiếng kèn trống tưng bừng phố phường.
Phố lồng đèn Lương Nhữ Học ở quận 5 giờ này dòng người vẫn chưa ngớt, bởi ai cũng biết đây là đêm cuối cùng để vui Tết Trung thu, người ta chen chúc nhau để cố chụp một kiểu ảnh, những đứa trẻ gục đầu lên vai bố, những em bé ngủ thiếp đi trong tay mẹ khi xung quanh tiếng còi xe inh ỏi vẫn đều đặn vang lên trên những tuyến đường chật cứng phương tiện đang cố nhích từng chút, từng chút một...
Tôi đi ngược ra ngoại thành, về thăm xóm nhà lá An Phú ở quận 2, nơi được người dân sống lâu năm gọi là xóm trọ Vườn Ổi. Bởi trước khi hàng trăm cư dân miền Tây dắt díu lên đây mưu sinh, nơi đây từng là một vườn ổi um tùm cây trái. Từng gia đình lao động nghèo lên đây lập nghiệp, họ dựng nên những mái nhà tạm bợ và ở đây, sinh con đẻ cái, dần dà tạo thành một xóm nhà lá, cả trăm đứa trẻ lớn lên bên bờ kênh con nước, có đứa được đến trường, có đứa vẫn chưa biết mặt chữ...
Nhìn lũ trẻ thích thú bên những chiếc lồng đèn đủ màu và chạy nhảy giữa đồng không mông quạnh ở xóm không đèn, và nhận ra mình cũng đã đủ lớn để mong bé lại... - Thực hiện: Quỳnh Trân.
Đêm trung thu của những đứa trẻ ở khu bờ kênh con nước, còn được gọi là Xóm nhà lá.
Nằm tách biệt và lọt thỏm bên dưới những cao ốc tráng lệ của khu đô thị mới An Phú, nhưng cuộc sống của xóm nhà lá vẫn thanh bình trôi qua từng ngày, những đứa trẻ không bao giờ cảm thấy cô đơn bởi các em có hẳn một vùng trời để tung tẩy cùng chúng bạn, dù đó chỉ là những cánh đồng cỏ dại lúc nào cũng reng réc tiếng dế kêu, đó chỉ là một con kênh nước đen và chiếc cầu gỗ mục nát nối 2 bên bờ vừa đủ một người đi, nhưng có lẽ bạn cũng nhận ra: Tuổi thơ của chúng ta từng có những khoảng trời rất đỗi quen thuộc và yên bình như thế đó.
Mỗi em một chiếc lồng đèn được tặng, và như mọi năm, các em rủ nhau đốt nến cùng đi rước đèn.
Không cần đến phố lồng đèn, phố đi bộ, đối với những đứa bé ở xóm nhà lá, chỉ cần có anh em bè bạn và lồng đèn trong tay là đủ cho một đêm Trung thu ấm áp.
Trở về thăm khu xóm sau một năm, mọi thứ vẫn không có gì thay đổi, những đứa trẻ vẫn vô tư và nghịch phá bên những mái nhà lợp tôn phủ lá, con đường mòn dẫn vào xóm nay cỏ đã mọc um tùm hai bên, sau trận mưa tầm tã những ngày trước đó, lớp đất bùn nhão ra và khó đi hơn mọi lần. Năm nay, đoàn phường An Phú đã tổ chức một Đêm hội trăng rằm và tặng mỗi em một chiếc lồng đèn giấy xếp để vui Tết Trung thu.
Các em đều được phát áo mới và lồng đèn trung thu.
Ánh mắt thích thú khi được cầm lồng đèn trong tay.
Cây cầu độc đạo dẫn vào khu xóm trọ, mỗi lần có xe máy đi qua, các em lại phải chạy về phía bên kia cầu.
Lớn lên ở Sài Gòn ồn ào phồn hoa, đến đêm Trung thu tôi và lũ trẻ trong xóm phải nhờ mọi người tắt đèn trong nhà để đốt nến, ngắm trăng và bắt đầu đi loanh quanh rước đèn. Lớn lên một chút, những đứa bạn không còn thích rước đèn trong khói bụi còi xe, đứa thì ở nhà gặm miếng bánh rồi chơi game, đứa thì theo ba mẹ đi phố lồng đèn, nhiều lần tôi ước mong con hẻm trước nhà rộng ra thêm... vài trăm mét, để tha hồ cầm chiếc đèn lồng của mình chạy nhảy khắp xóm và ca hát thỏa thích bài "Rước đèn ông sao".
Một đêm tối đầy sao và yên tĩnh, đêm vui Trung thu chỉ cần như thế!
Nhiều em nhỏ rất thích đêm Trung thu vì đó là lúc các em cảm nhận được những ánh nến trong đêm lung linh đến nhường nào.
Lê Minh Nhí, cậu bé ngoan hiền nhưng lanh lợi nhất xóm, rất thích học và hiện em đang được một lớp học tình thương mang tên Vườn Ổi nhận dạy với học phí 200 nghìn/tháng.
Các em có thể men theo đường mòn để ra quốc lộ, nơi có nhiều ánh đèn đường để vui chơi nhưng các em vẫn chọn ở lại khu xóm nhà lá của mình vì "Rước đèn, càng tối càng vui!"
Và có lẽ đó cũng là đặc quyền của những đứa trẻ ở xóm không đèn này: Chúng được ban tặng một không gian yên bình cho tuổi thơ đúng nghĩa để vui trung thu, và có lẽ những ký ức này sẽ theo các bé đến mai sau khôn lớn.