Nhìn "gương tày liếp" của Ấn Độ, chuyên gia lo Thái Lan làm chưa đủ trước làn sóng COVID-19 hung hãn

Hồng Anh, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 12:18 27/04/2021
Chia sẻ

Hiện tại, việc đeo khẩu trang là bắt buộc tại nơi công cộng ở 49 tỉnh và thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha mới đây đã bị phạt tiền vì không đeo khẩu trang trong một cuộc họp ngày 26/4, sau khi chính quyền của ông ban hành các quy định chống dịch mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan nghiêm trọng, theo hãng thông tấn AFP.

Một số địa phương ủng hộ mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định chống dịch lên đến 20.000 baht (640 USD).

Sau khi hình ảnh Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha dự cuộc họp và không đeo khẩu trang xuất hiện trên mạng xã hội hôm 26/4 vừa qua, Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang cho biết ông đã đệ đơn khiếu nại, và Thủ tướng đã chấp nhận nộp phạt hành chính 6.000 baht (190 USD).

Sau đó, bức ảnh nói trên đã được gỡ bỏ.

Thái Lan hôm 26/4 ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm COVID-19 mới, và chỉ một ngày trước đó, nước này đã ghi nhận số ca tử vong do dịch bệnh cao kỷ lục - 11 người.

Để đối phó với làn sóng dịch bệnh mới nhất, Thái Lan đã ban hành các biện pháp hạn chế đi lại, truy vết và cách ly các ca nhiễm. Ngoài ra, chính quyền cũng yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đóng cửa hàng loạt các cơ sở dịch vụ và giải trí như rạp chiếu phim, công viên, phòng gym, bể bơi, spa, quán bar...

Tuy nhiên, việc chậm triển khai chương trình tiêm phòng vaccine đang khiến Thái Lan tụt hậu so với những quốc gia khác trong khu vực.

Pranee Namrat, một người bán hải sản, nói với AFP rằng cô lo sợ tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.

"Nếu tôi nhiễm bệnh... Tôi e là mình sẽ không có nơi để điều trị", cô nói.

Nhìn gương tày liếp của Ấn Độ, chuyên gia lo Thái Lan làm chưa đủ trước làn sóng COVID-19 hung hãn - Ảnh 1.

Ảnh: AP

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại ở Ấn Độ, hôm 26/4 vừa qua chính phủ Thái Lan đã áp đặt các biện pháp việc hạn chế đi lại từ Ấn Độ do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, ngoại trừ các địa điểm giải trí, bar như đã nói ở trên, thì các nhà hàng vẫn được phép hoạt động với giờ đóng cửa sớm hơn.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Thira Woratanarat đến từ khoa Y học xã hội và phòng ngừa của Đại học Chulalongkorn, việc Thái Lan đóng cửa một phần các cơ sở dịch vụ và giải trí là không đủ.

Trong một bài đăng trên Facebook, ông này cảnh báo rằng vẫn còn nhiều khu vực khác như các công ty, nhà máy, nhà hàng và phương tiện giao thông công cộng dễ trở thành ổ dịch.

Đợt bùng phát dịch mới nhất đã gia tăng số ca nhiễm và ca tử vong do COVID-19 của Thái Lan lên gần 58.000 chỉ trong vòng chưa đầy 30 ngày.

Ungkana Kesornphud, chủ một cơ sở massage ở thủ đô Bangkok, cho biết: "Họ không nên đợi đến khi dịch bệnh bùng phát mới đưa ra các quy định."

Chủ tịch Hiệp hội về các bệnh Lồng ngực Thái Lan, ông Nithiphat Chiarakun, cũng hối thúc chính phủ thực hiện "các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn việc di chuyển của người dân càng sớm càng tốt".

Tình hình tại Campuchia, Lào

Hai quốc gia láng giềng sát vách của Thái Lan là Campuchia và Lào cũng đang chật vật trước làn sóng mới của đại dịch.

Đặc biệt, tại Campuchia không chỉ khó khăn vì dịch bệnh, mà nước này còn lâm vào khủng hoảng an ninh lương thực.

Tuần trước, chính quyền Campuchia đã yêu cầu tất cả các chợ truyền thống trong thành phố đóng cửa trong vòng hai tuần.

Hôm thứ Hai, Thủ tướng Hun Sen đã kêu gọi các nước "không tích trữ vaccine nhiều hơn mức cần thiết, và không sử dụng vaccine như một công cụ chính trị".

Nước láng giềng Lào cũng đang chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt trong chưa đầy một tuần, khiến chính quyền nước này quyết định phong tỏa thủ đô Vientianne và yêu cầu người dân ra ngoài nếu không có việc cần thiết như mua nhu yếu phẩm và đến bệnh viện.

Theo AFP, Reuters

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày