"Nhịn ăn" cho con học trường tư, bà mẹ ở TP.HCM hứng chịu sự kỳ thị của gia đình chồng: Cái kết đầy suy ngẫm

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ mới 18:56 20/08/2024
Chia sẻ

"Mình thấy mủi lòng, đắn đo!", chị than thở.

Với tiêu chí ưu tiên lớp ít bé, hoạt động phong phú, ăn uống đa dạng và an toàn... ngay từ đầu khi chọn trường mầm non cho con, chị Huyền Mai (tên nhân vật đã thay đổi - PV), một bà mẹ ở TP.HCM đã quyết tâm cho con (hiện 4 tuổi) theo học trường tư thục. Vì những chào mời đầy hấp dẫn như "lớp ít, chăm kỹ, không ăn thì đút, không để con đói khát, ngủ máy lạnh, sân lót êm, thực đơn ngon, học từ múa, hát, bơi, tiếng Anh đến đàn, kỹ năng..." nên chị Mai quyết định: Thà nhịn đói cũng để con được chăm sóc tốt nhất!

Thế nhưng sau 1 năm con học trường tư với học phí tầm 4 - 5 triệu đồng mỗi tháng, chị Mai vô cùng thất vọng. Con chẳng mấy tiến bộ. Cả năm không được dạy các màu, đếm số. Báo bài chỉ ghi nội dung học là kể chuyện, đọc thơ, hát, múa, aerobic, tiếng Anh, kỹ năng xâu hạt, kỹ năng gấp đồ, nhận biết quả, vượt vật cản...

Trong khi đó, từ đầu năm học, con của anh chồng chị chọn trường công để tiết kiệm tiền. Chị đối mặt với sự so sánh của nhà nội: Bên học ít tiền, tháng có 1,8 triệu, mà trung thu được phát lồng đèn, bánh kẹo, dịp lễ nào cũng đem quà về, biết hát hò múa may đủ thứ. Bên học nhiều tiền nhưng không có gì, lâu lâu phát sinh những khoản thêm, kêu gọi phụ huynh mua bánh trái tới trường; đếm số không biết, màu sắc không biết, chữ không học, chủ yếu dạy nhặt rau, lột vỏ trứng và chơi đồ chơi.

"Nhịn ăn" cho con học trường tư, bà mẹ ở TP.HCM hứng chịu sự kỳ thị của gia đình chồng: Cái kết đầy suy ngẫm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

"Cháu bên kia tổng kết đem về bình uống nước, gối, 1 đống vở tập tô màu cả chục cuốn trong năm học qua, tập viết, sổ bé ngoan,... Con mình đóng 1,8 triệu cơ sở vật chất, mà hết năm không đem về được gì. Cháu kia cầm về 1 xấp giấy khen, bé khỏe bé ngoan cấp trường, cấp quận, chứng chỉ tiếng Anh mầm non, chứng chỉ kỹ năng sống, thưởng balo. Con chị không có gì ngoài giấy báo học phí. Nghỉ hè 1 tuần, vẫn đóng full tháng tiền học... Mình thấy mủi lòng, đắn đo!", chị than thở.

Bên cạnh đó, chị phải đối mặt những câu so sánh ác ý như: Sao con được học tiếng Anh 7 tiết/tuần mà không nói được chữ nào, trong khi cháu chồng đã hát được Happy Birthday, Jingle Bells ầm ầm; sao người lớn giơ ngón tay ra mà không biết đếm?

Hiện bà mẹ này đang phân vân năm tới nên cho con học tiếp ở trường tư hay trường công để tiết kiệm chi phí như lời khuyên của mọi người. Chị cho biết, bản thân không quan trọng thành tích, không cần giấy khen, thậm chí khi con lớn hơn chị cũng không ép con rèn chữ kiểu cách làm gì.

Con học mầm non, điều quan trọng nhất không phải là thành tích

Trên thực tế, chi phí giáo dục là khoản đầu tư quan trọng nhất của đời người, mà sự lựa chọn đúng - sai đôi khi dẫn đến những hệ quả khó lòng sửa chữa được. Vậy nên, cũng không quá khó hiểu khi mỗi khi con gần đến giai đoạn chuyển cấp là các bậc phụ huynh lại đau đầu không biết chọn trường cho con theo hướng nào.

Với trường hợp bà mẹ nói trên, nhiều người cho rằng, nguyên nhân chính là chị đã không tìm hiểu kĩ phương pháp giáo dục của trường, nơi đăng ký cho con theo học. Phụ huynh này cũng đang xem trọng những thứ vật chất (như quà tặng, giấy khen) và thành tích hơn là con cảm thấy như thế nào. Vì vậy nên chị cảm thấy tiếc tiền vì những gì mình nghĩ sẽ nhận được không giống như mong đợi.

Với một đứa trẻ 3 tuổi, việc không dạy số và màu là rất tốt cho bé. Vì giai đoạn này con nên phát triển trí tưởng tượng và kĩ năng giải quyết tình huống hơn là số và màu sắc. Dạy con những thứ xung quanh đời sống hàng ngày như cây gì, con gì; những điều cần tránh như vợt muỗi cầm đâu thì được - cầm đâu bị giật đau, nóng thì sẽ bị bỏng, lạnh quá thì tê tay; dây điện, bô xe phải tránh ra, rác thì phải bỏ vào đâu, khi chơi xong đồ chơi phải cất nơi nào; khi ăn phải làm những gì; khi hỏi tắm bé đồng ý sẽ tự đi vào toilet, phối hợp cởi quần áo...

Bé nhớ được đường từ trường và công viên về nhà (nơi bé đi nhiều nhất); phải đi gọn vào trong vỉa hè để tránh xe...

"Mình thấy mẹ chọn trường công hay tư gì cũng được, bên nào cũng có ưu nhược điểm riêng, miễn môi trường tốt, văn minh, cô giáo nhiệt tình, thân thiện, có chuyên môn. Mỗi lần hỏi đi học nhé bé đều vui vẻ gật đầu, buổi tối đón về bé cũng vẫn đang chơi vui là cha mẹ cảm thấy hài lòng.

Và quan trọng, cha mẹ phải xác định được rằng: Giáo dục gia đình chiếm 70% trong việc định hình nhân cách và kỹ năng cho trẻ. Gửi con cho trường nhưng mình vẫn phải gần gũi, giáo dục và định hướng cho con. Không cần nhiều đâu, hãy dành cho con mỗi ngày 1 tiếng thật chất lượng, cho con cơ hội được thực hành những điều con đã tiếp thu và cùng con thực hiện chúng", một bà mẹ góp ý.

Nhiều người khuyên chị nên bỏ ngoài tai các lời so sánh với "con nhà người ta". Vì đơn giản là mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, cách nuôi dạy con cũng không ai giống ai.

Giáo dục sớm chỉ là lãng phí thời gian nếu bỏ qua điều này

Trong giáo dục trẻ em hiện nay, cha mẹ luôn phải đối mặt với sự so sánh. Tuy nhiên, khi so sánh khả năng đọc, viết của trẻ, họ bỏ qua một điểm quan trọng: Biết chữ hay biết số không phải là một kỹ năng đặc biệt.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, trước 4 tuổi, trẻ ở giai đoạn tư duy hình ảnh, chủ yếu sử dụng não phải. Chữ viết, các con số khi đó là những biểu tượng trừu tượng. Vì thế, việc nhận biết chữ, số quá sớm không những không giúp trẻ hiểu biết thêm, mà còn phá hủy tư duy sáng tạo, trí tưởng tượng của trẻ.

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng càng dạy sớm, trẻ càng hiểu biết sớm. Nhưng sự thật lại không phải vậy. Tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ Arnold Gesell - người sáng lập ra Viện Phát triển Trẻ em Gesell, trực thuộc Đại học Yale đã chỉ ra: Từ góc độ dài hạn, trẻ em 2 tuổi, 3 tuổi, 4 tuổi, hay 5, 6 hoặc thậm chí là 7 tuổi bắt đầu nhận biết mặt chữ, hay số, thì cũng không có sự khác biệt trong tương lai. Khi sự phát triển thể chất lẫn tư duy của trẻ không đạt tới một mức độ nhất định, tất cả những sự giáo dục sớm chỉ là lãng phí thời gian.

Thứ chúng ta cần giúp con chính là xây dựng cho con sự yêu thích, say mê học tập, khám phá thế giới, thấu hiểu bản thân thông qua quá trình tìm tòi, khám phá và học hỏi... Để mỗi ngày trôi qua con hiểu hơn con là ai, con thích làm gì, con muốn trở thành người như thế nào, con muốn mang lại giá trị gì để phục vụ cho xã hội...

Được biết, bà mẹ này sau đó đã quyết định ra trường công mua bộ hồ sơ cho con vào học nhưng người chồng không đồng ý. "Anh bảo con mình nó biếng ăn, giờ ăn lớp đông ai mà chờ nó ăn. Dám cho học 4 - 5 triệu/tháng thì những thứ quà bánh linh tinh tự mua cho con được, không cần trường phát. Giấy khen của mầm non, tiểu học chỉ cho vui, miễn con an toàn và vui vẻ, không nhất thiết phải giỏi giang. Vậy là lại quyết định học trường tư", chị nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày