Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 với hơn 1 triệu học sinh dự thi đã kết thúc yên bình, góp phần đánh dấu sự trở lại trạng thái bình thường của cả nước sau 2 năm đại dịch liên tiếp. Kỳ thi khép lại nhưng nhiều cánh cửa mở ra cho học sinh lựa chọn.
92% thí sinh xét tuyển ĐH
ĐH vẫn là lựa chọn tuyệt đại đa số của học sinh sau kỳ thi khi có đến gần 92% đăng ký dự thi tốt nghiệp năm nay cho biết sẽ tiếp tục xét tuyển vào các trường ĐH hoặc CĐ sư phạm. Như vậy sẽ có hơn 920.000 thí sinh sẽ tranh nhau khoảng gần 550.000 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH và CĐ sư phạm. Các trường ĐH hiện có nhiều phương thức xét tuyển cũng tạo điều kiện cho thí sinh chọn phương thức xét tuyển thuận lợi nhất cho mình. Thực tế những năm qua cho thấy tuyển sinh vào các trường ĐH chỉ là cuộc đua của khoảng 400.000 học sinh có kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp hoặc các kỳ thi đánh giá năng lực vào khoảng 100 trường ĐH. Đa phần học sinh còn lại sẽ xét tuyển theo phương thức học bạ THPT hoặc các phương thức khác vào những trường ít cạnh tranh hơn (khoảng 140 trường, phần lớn là các trường ĐH tư thục, nhiều trường ĐH địa phương và những ngành khó tuyển).
Năm nay việc đăng ký xét tuyển (ĐKXT) thay đổi nhiều so với những năm trước:
(1) Thí sinh sẽ ĐKXT sau khi thi tốt nghiệp trên hệ thống ĐKXT chung (từ 22-7 đến 20-8) và chỉ bằng phương thức trực tuyến. Các thí sinh đã ĐKXT theo các phương thức trực tiếp hoặc trực tuyến tại trường ĐH trước đó vẫn phải ĐKXT lại trên hệ thống ĐKXT chung trong thời gian trên. (2) Dù được ĐKXT không giới hạn số lượng nguyện vọng và phương thức xét tuyển nhưng khi xét tuyển lọc ảo chung tất cả các phương thức trên hệ thống xét tuyển chung, thí sinh chỉ được xét trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất theo thứ tự ưu tiên trong đợt xét tuyển đầu tiên (từ 1 đến 15-9).
Do vậy, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thủ tục ĐKXT trong thời gian tới để có thể có cơ hội được xét trúng tuyển đúng nguyện vọng mình mong muốn.
Các thí sinh TP HCM hoàn tất môn thi cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trong chiều 8-7. Ảnh: TẤN THẠNH
Giáo dục nghề nghiệp rộng mở
Theo Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ về phân luồng học sinh, đến năm 2025 có ít nhất 45% học sinh sau THPT sẽ chuyển sang học theo hệ thống giáo dục nghề nghiệp (các trường CĐ và các trường trung cấp). Như vậy, ứng với quy định này, năm 2022 chỉ có khoảng 550.000 thí sinh được tuyển vào ĐH như trên chúng ta đã thấy, còn lại khoảng 450.000 học sinh nếu muốn học tập tiếp thì phải chuyển sang hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Hơn thế nữa, theo Luật Giáo dục 2019, học sinh học hết lớp 12 mà không dự thi tốt nghiệp THPT (thậm chí có dự thi tốt nghiệp nhưng không đạt) sẽ được hiệu trưởng trường THPT cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để theo học giáo dục nghề nghiệp.
Hiện nay, các trường CĐ và trung cấp đều xét tuyển học sinh (rất ít trường xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp) trực tiếp hoặc trực tuyến tại trường nên đây là điều kiện rất thuận lợi cho các thí sinh muốn chuyển hướng sang học theo hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Sau khi tốt nghiệp trung cấp hoặc CĐ, người học có nhiều cơ hội được tiếp tục học liên thông lên bậc cao hơn.
Du học "hot" trở lại sau đại dịch
Trước đại dịch Covid-19, hằng năm có khoảng 20.000 học sinh đi du học và có tổng cộng khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài tính đến thời điểm đầu năm 2021. Các nước Úc, Mỹ, Canada, Anh, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc... là chọn lựa hàng đầu của du học sinh Việt Nam.
Trong thời gian dịch Covid-19, một số du học sinh Việt Nam đã phải quay về học tiếp các chương trình trong nước. Hiện nay khi tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới đã ổn định, việc du học đang dần trở lại bình thường như trước đây. Hầu hết các nước nằm trong xu hướng chọn lựa du học của học sinh Việt Nam cũng đã thông báo các điều kiện cấp visa du học được nới lỏng như trước đại dịch. Học phí của các trường ĐH quốc tế danh tiếng hiện cũng nằm trong tầm với của nhiều gia đình học sinh nên du học sẽ là một xu hướng lựa chọn của nhiều học sinh khi thời điểm tuyển sinh của các trường ĐH nước ngoài bắt đầu từ tháng 8 năm nay.