Nhiệt độ ngoài trời bao nhiêu thì tuyệt đối không đá bóng, chạy bộ, tập yoga?

N.Huyền, Theo Infonet 15:27 20/06/2022

Nếu không phải là VĐV chuyên nghiệp, được rèn luyện bài bản và đúng phương pháp, say nóng và sốc nhiệt có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, gây tử vong…

Theo dự báo, trong những ngày tới tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng với nhiệt độ cao tiếp tục kéo dài, có nơi lên trên 40 độ C. Nắng nóng trên diện rộng có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là đối với người già và trẻ em.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm, có khoảng 150.000 người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu như bệnh tim, hô hấp, tiêu chảy do nhiệt độ tăng quá cao.

Nhiệt độ ngoài trời bao nhiêu thì tuyệt đối không đá bóng, chạy bộ, tập yoga? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Trong đó, nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến nồng độ ozon và một số chất ô nhiễm khác trong không khí tăng cao, làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử.

Đặc biệt, tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da. Say nắng, kiệt sức, mất nước, chuột rút… cũng có thể xảy ra do thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn nhiều người chủ quan với thời tiết nắng nóng gay gắt này.

Trong đó, không ít các bạn trẻ, thanh niên vẫn đá bóng, đạp xe, tập yoga hay chạy bộ dưới trời nắng nóng.

Chia sẻ với phóng viên BS Đinh Thế Tiến (Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, đây là điều hết sức nguy hiểm dễ đối diện với nguy cơ say nắng và sốc nhiệt.

Theo BS, trước hết cần hiểu phân biệt giữa hai khái niệm: say nóng và sốc nhiệt. Đối với say nóng là tình trạng tăng thân nhiệt do nhiệt độ môi trường tăng cao và/ hoặc tăng hoạt động thể lực quá mức, vượt quá khả năng điều hòa của trung khu điều nhiệt, dẫn đến trung khu điều nhiệt bị rối loạn mất kiểm soát. Say nóng có thể phát triển thành sốc nhiệt.

Sốc nhiệt (heat troke) là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (>40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp. Sốc nhiệt thường được chia thành 2 thể:

Sốc nhiệt kinh điển xảy ra do nhiệt độ môi trường quá cao > 40 độ C, kèm theo hoặc không kèm theo nắng gắt kéo dài liên tục.

“Sốc nhiệt do gắng sức thường xảy ra ở người trẻ, khỏe mạnh, các vận động viên điền kinh gắng sức quá mức trong thi đấu và tập luyện”, BS Đinh Thế Tiến cho hay.

Theo đó, các dấu hiệu nhẹ ban đầu của say nắng, sốc nhiệt gồm: nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da (do cơ chế thải nhiệt - giãn mạch dưới da), có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Chú ý ở người già các dấu hiệu thường kín đáo và không đặc hiệu ở giai đoạn sớm.

Các biểu hiện nặng hơn nếu không được xử trí kịp thời: tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê.

Khi thân nhiệt tăng quá cao còn gây mất điện giải nặng, rối loạn thăng bằng nội môi, có thể xuất huyết (xuất huyết kết mạc, tiểu ra máu, đi ngoài ra máu) do rối loạn đông máu nặng, nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

“Đối với những người trẻ, thường gặp là chơi thể thao hoặc vận động quá mức dưới thời tiết nóng bức kéo dài. Nếu không phải là vận động viên chuyên nghiệp, được rèn luyện bài bản và đúng phương pháp, say nóng và sốc nhiệt có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và có thể gây tử vong”, BS Đinh Thế Tiến lưu ý.

Cụ thể, một số dấu hiệu say nóng và sốc nhiệt có thể gặp ở người trẻ tuổi hoặc luyện tập thể thao dưới thời tiết nắng nóng:

Co cứng cơ bắp do nóng. Chuột rút do nóng sẽ dẫn đến vã mồ hôi nhiều, mệt mỏi, khát nước và co cứng cơ. Các cơ bị ảnh hưởng là cơ ở dạ dày, cánh tay hoặc chân. Tình trạng này gặp phổ biến trong điều kiện thời tiết nóng, hoặc hoạt động thể chất trung bình đến nặng.

Thường có thể xử lý bằng cách bù nước và đồ uống thể thao chứa chất điện giải, nghỉ ngơi, và tránh nắng. Nếu đang tập chạy ngoài đường, hãy ngừng lại và đến nghỉ dưới bóng râm.

Kiệt sức vì nóng. Kiệt sức nhiệt xảy ra khi vẫn tiếp tục tập luyện ngay khi các cơ đã co cứng vì nóng. Các dấu hiệu và triệu chứng của kiệt sức bao gồm đau đầu, chóng mặt hoặc hoa mắt, buồn nôn, da cảm thấy mát và ẩm ướt, chuột rút cơ bắp.

Thông thường với kiệt sức, có thể xử trí bằng các biện pháp tương tự như xử trí chứng chuột rút do nóng, chẳng hạn như uống đồ uống mát không cồn, đi vào một khu vực râm mát.

Điều làm cho say nóng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng là cơ chế tự nhiên để đối phó với stress nhiệt, chẳng hạn như đổ mồ hôi và điều hoà thân nhiệt, là không đủ. Dấu hiệu chính của say nóng là nhiệt độ cơ thể nâng lên rõ rệt, kèm theo những biến đổi trong trạng thái tinh thần khác nhau, từ thay đổi tính cách như nhầm lẫn đến hôn mê. Da có thể nóng và khô - mặc dù nếu say nóng là do gắng sức, da có thể ẩm.

Để phòng tránh say nóng, sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng kéo dài, BS Đinh Thế Tiến cho rằng, khi phải ra ngoài những ngày nhiệt độ ngoài trời tăng cao, bạn cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.

Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể ống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.

Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm... Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò.

Vào mùa nắng nóng, chúng ta cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua... mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.

Đặc biệt đối với những người luyện tập thể thao không chuyên nghiệp, không nên tập luyện dưới thời tiết quá nóng bức, chuẩn bị sẵn các loại nước điện giải và biện pháp giảm nhiệt độ khi tập luyện. Dừng lại khi có các biểu hiện cảnh báo có thể bị tình trạng say nóng.

Người bị say nóng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức để ngăn ngừa tổn thương não, suy gan, tim, thận, hoặc tử vong.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày