Tiếp đến là vụ tai nạn khi 2 máy bay va chạm và cháy rụi ở sân bay Haneda, thủ đô Tokyo.
Chính quyền và người dân lại một lần phải chạy đua với thời gian để cứu trợ khẩn cấp, song song đó là suy tính, chuẩn bị tái thiết và phục hồi nhịp sống bình thường của xã hội.
Thế giới bên ngoài một mặt bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ cũng như sẵn sàng trợ giúp, mặt khác không khỏi khâm phục và ngưỡng mộ Nhật Bản khi công cuộc cứu trợ lẫn xử lý tai nạn khẩn cấp trong cả 2 thảm họa được tiến hành rất nhanh chóng và kịp thời, bài bản và hiệu quả.
Vì sao Nhật Bản lại ứng phó thành công đến vậy? Không quá khó để tìm ra câu trả lời! Bí quyết đầu tiên bắt nguồn từ vị trí địa lý và quá trình lịch sử ở Nhật Bản. Động đất, sóng thần cũng như bão tố thường xuyên xảy ra với đảo quốc này, trong số ấy không ít lần lập kỷ lục về mức độ tàn phá và tác hại.
Theo thời gian, người dân Nhật Bản dần hình thành tâm thế chung sống với thảm họa và thiên tai, luôn trù liệu trước nguy cơ và luôn sẵn sàng ứng phó.
Cảnh sát tham gia tìm kiếm cứu nạn ở TP Wajima, tỉnh Ishikawa ngày 6-1 Ảnh: KYODO
Tiếp đến là nhận thức của chính quyền - thời nào cũng xác định việc phòng ngừa và ứng phó thiên tai, thảm họa (đặc biệt là cứu trợ khẩn cấp) là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Cũng có thể coi đấy là một truyền thống chính sách ở Nhật Bản. Thời thế và chính quyền thay đổi nhưng bản chất cốt lõi vẫn luôn là chính quyền phải làm gì và người dân phải làm gì trước thảm họa và thiên tai. Chính quyền biết hành động cụ thể của chính quyền được người dân tán đồng và người dân tin tưởng không bị chính quyền bỏ rơi!
Một trong những biểu hiện đặc trưng và điển hình nhất là ngay từ năm 1960, Nhật Bản đã chính thức coi ngày 1-9 hằng năm là ngày Phòng chống thiên tai và thảm họa. Từ trẻ nhỏ đến người già đều được hướng dẫn những tri thức và kỹ năng cần thiết.
Tinh thần thép trước thảm họa của người Nhật Bản
Việc này được đưa vào giáo dục trong nhà trường các cấp, được huấn luyện cho người dân và được diễn tập thường xuyên hằng năm. Vì thế, đất nước Nhật Bản không rơi vào hỗn loạn mỗi khi xảy ra biến cố, nội bộ xã hội không bị bất an và bất ổn.
Bên cạnh đó, chính quyền có những quy định luật pháp về xây dựng, quy hoạch đô thị và khu dân cư, kiến trúc và cơ sở hạ tầng để giúp giảm thiểu tác động của thảm họa và thiên tai, giúp cho công tác cứu trợ khẩn cấp nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả hơn.
Đặc biệt, hệ thống cảnh báo ở Nhật Bản rất phát triển và hiện đại. Tâm thế thích hợp và chủ động ứng phó là chìa khóa quyết định. Bài học kinh nghiệm này ở Nhật Bản thật sự rất giá trị và đáng được học hỏi ở những nơi khác trên thế giới.
Số người thiệt mạng trong trận động đất mạnh làm rung chuyển bán đảo Noto và miền Trung Nhật Bản vào ngày 1-1 đã lên đến 126 người, ngoài ra còn hơn 200 người mất tích tại tỉnh Ishikawa (tính tới ngày 6-1), theo đài truyền hình NHK. Đây là trận động đất gây tử vong lớn nhất ở nước này trong gần 8 năm qua.
Giới chức Ishikawa cho biết động đất gây nhiều thiệt hại và hỏa hoạn tại khu vực ven biển của tỉnh. Địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất là TP Wajima, với khoảng 100 địa điểm có thể vẫn còn người mắc kẹt.
Lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua để tìm người sống sót bên dưới đống đổ nát, bất chấp mưa lớn và tuyết trút xuống khu vực đến hết ngày 7-1, theo hãng tin Kyodo. Trong cuộc họp chính phủ hôm 6-1, Thủ tướng Fumio Kishida quả quyết sẽ "tiến hành cứu hộ tới cùng để cứu được càng nhiều người càng tốt".
Chính quyền cũng đang cố gắng vận chuyển hàng cứu trợ qua những cung đường bị hư hại ở Ishikawa, bao gồm sử dụng trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để tới được các khu vực hẻo lánh. Tại Ishikawa còn hơn 31.000 người trú ngụ tại hơn 350 điểm sơ tán. Cũng tính tới ngày 6-1, dư chấn vẫn xảy ra ở Noto, bao gồm một dư chấn 5,3 độ theo thang đo Nhật Bản.
Hải Ngọc