Khi nhắc đến phim Việt Nam, một số khán giả trẻ sẽ bị ấn tượng của nền điện ảnh sau năm 2000 ảnh hưởng. Chính vì thế, họ có thể sẽ nhắc đến những cái thiếu, cái yếu kém của điện ảnh Việt mà quên đi những gì điện ảnh Việt Nam đã tạo dựng được trước đó. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin được điểm qua một số bộ phim kinh điển của thế kỉ trước, giống như một bài "nhập môn" khi bạn đến với điện ảnh Việt Nam.
1. Phạm Công Cúc Hoa (1990)
Nếu là khán giả miền Nam thì hẳn bạn không còn lạ gì vở cải lương Phạm Công Cúc Hoa. Nội dung kể về mối lương duyên đầy trắc trở của chàng học sĩ Phạm Công và vợ chàng là nàng Cúc Hoa. Vẫn khai thác cốt truyện từ một tác phẩm một truyện thơ viết bằng chữ Nôm, phiên bản điện ảnh đã thể hiện trọn vẹn những quan niệm đạo đức cổ truyền của Việt Nam như lòng hiếu thảo (Phạm Công ăn xin nuôi mẹ), quy luật nhân quả (Tào Thị vợ sau của Phạm Công vì độc ác mà bị trời phạt).
Bù đắp cho hạn chế về kinh phí bị thể hiện qua những bộ trang phục đơn giản, hay chất lượng hình ảnh kém chính là diễn xuất của dàn diễn viên gạo cội: Lý Hùng, Diễm Hương, Thoại Mĩ v.v... Nhờ đó mà các nhân vật không những hiện ra thật sống động mà còn thổi hồn vào những cảnh kì ảo như Địa Ngục, nơi Phạm Công tìm thấy Cúc Hoa và được Diêm Vương cho hồi sinh.
2. Làng Vũ Đại ngày ấy (1982)
Nếu nói vui theo ngôn ngữ thịnh hành thời nay, thì Làng Vũ Đại ngày ấy là một bộ phim cross-over (tổng hợp nhiều nhân vật) trong Nam Cao vũ trụ điện ảnh dựa trên tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Đạo diễn Phạm Văn Khoa đã phát huy thế mạnh của điện ảnh miền Bắc, đó là chuyên khai thác các chủ đề tâm lí, phản ánh thực trạng xã hội để làm một bộ phim có chứa đựng 3 nhân vật điển hình của nhà văn Nam Cao.
Như: Chí Phèo, hình tượng của người nông dân bị bần cùng và tha hóa. Lão Hạc, hình tượng của những người nghèo nhưng luôn khao khát giữ được lương tri. Giáo Thứ, hình tượng của người tri thức bất lực trước thực tại xã hội.
Bên cạnh những diễn viên tên tuổi như: Bùi Cường, Đức Lưu, Nguyễn Hữu Mười, bộ phim còn có sự góp mặt của nhà văn Kim Lân trong vai Lão Hạc. Với diễn xuất theo lối tả thực, các nhân vật trong phim đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem. Nhắc đến Chí Phèo, khán giả cao tuổi hẳn không ai không nhớ đến vết sẹo chạy dài khắp khuôn mặt của nghệ sĩ ưu tú Bùi Cường.
Chân dung nghệ sĩ Bùi Cường trong Làng Vũ Đại ngày ấy, Biệt động Sài Gòn, và trong đời thực
Phim Làng Vũ Đại ngày ấy
3. Cánh đồng hoang (1979)
Năm 2017, người hâm mộ được chứng kiến một bộ phim chiến tranh của đạo diễn Christopher Nolan: Dunkirk.
Để diễn tả sự căng thẳng khi phải chạy đua với thời gian, đạo diễn Nolan đã dùng thủ pháp khai thác tuyến truyện ở ba môi trường khác nhau: bầu trời, đại dương, bờ biển.
Còn điện ảnh Việt, bộ phim Cánh đồng hoang sản xuất vào năm 1979 cũng dùng một thủ pháp tương tự: trong bối cảnh là cánh đồng hoang nơi hai vợ chồng Ba Đô (do nghệ sĩ Lâm Tới) và Sáu Xoa (nghệ sĩ Thúy An) cắm chốt, đạo diễn Nguyễn Hồng Sến đã khai thác hai môi trường: trên không với chiếc trực thăng của Trung tá Mistcher (cố diễn viên Robert Hải) và cánh đồng nơi diễn ra sinh hoạt hằng ngày của hai vợ chồng.
Tình tiết cuối phim khi Trung tá Mistcher bị bắn chết và để rơi tấm hình vợ con anh ta là một chi tiết từng gây tranh cãi khi sản xuất phim. Và cuối cùng, tình tiết đó đã được giữ lại nhằm thể hiện tinh thần nhân đạo khi xem một lính Mĩ như một con người bình thường, có gia đình và có người thân chứ không chỉ là kẻ thù bên kia chiến tuyến.
Phim Cánh đồng hoang
4. Ván bài lật ngửa (phim nhựa nhiều tập từ 1982-1987)
Có lẽ đây là một trong những bộ phim "quen tai" với khán giả trẻ. Vì không ít thì nhiều họ cũng từng nghe cha mẹ mình nhắc về nó như một bộ phim hay nhất của điện ảnh Việt Nam thế kỉ trước.
Thực vậy, Ván bài lật ngửa có đủ các yếu tố hút khán giả thời bấy giờ: sự li kì của hoạt động tình báo (phim dựa trên cuộc đời nhà tình báo Phạm Xuân Thảo), diễn xuất tài ba của Nguyễn Chánh Tín, Thanh Lan, Thúy An… Ngoài ra, góp phần không nhỏ tạo nên độ thăng hoa của bộ phim là những vai phụ như Thiếu tá Vọng, Gã đầu bạc, Bảy Cầu Muối... và những diễn viên không chuyên như vai Lý Kai (của diễn viên quần chúng Cai Văn Mỹ), Ngô Đình Nhu (của Lâm Bình Chi), giám mục Ngô Đình Thục (của Đỗ Văn Nghiêm)...
Nguyễn Chánh Tín kể lại: "Có người trong số họ là dân bán áo quần cũ trong chợ Soái Kình Lâm, cũng như chuyên đạp xe đi mua đồ lạc xoong. Nhưng đến khi họ nhập vai thì chính tôi cũng khiếp!". Bộ phim thành công đến nỗi năm 1986, kịch bản phim đã được chuyển thể ngược thành tiểu thuyết cùng tên và được tái bản nhiều lần.
Nếu hỏi các bậc trung niên về những bộ phim trên đây, bạn sẽ được nghe những nhận xét tích cực, hoặc những điểm ấn tượng khó phai dù đã qua hàng chục năm. Có thể thấy, khi nghiêm túc xây dựng kịch bản và chọn lựa diễn viên, thì điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có thể tạo nên sức hút riêng.
Nhưng cũng xin nhớ rằng chúng ta không phải đang ăn mày quá khứ. Bài viết đơn giản chỉ là để nhắc nhở, giới thiệu cho những người quan tâm điện ảnh Việt biết rằng chúng ta đã có những thành tựu từ rất sớm. Bây giờ thời đại đổi mới, tiếp cận nhiều nền văn hoá hơn, tư tưởng nhiều thứ cũng được đổi mới nên cơ hội để chúng ta có nhiều bộ phim hay cũng nhiều hơn. Quan trọng nhất vẫn là thái đội làm nghề mà những bộ phim trên đây là ví dụ rất đáng tham khảo.