Tuy nhiên, ngoài những áp lực về chuyên môn, sức khỏe khi số lượng bệnh nhân tăng cao và cơ sở y tế quá tải, nhân viên y tế ở nhiều nơi còn phải đối mặt với những sức ép về mặt tinh thần khi họ phải nhận những lời đe dọa, chỉ trích. Tại Pháp, tình trạng này phổ biến đến nỗi giới y tế tại đây đã phải thành lập một tập thể để tố cáo những mối đe dọa mà họ phải đối mặt.
Bác sĩ Jerome Marty, Chủ tịch Hiệp hội bác sĩ độc lập chống lại các mối đe dọa Pháp, chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên một tập thể các nhà khoa học và bác sĩ được thành lập để tố cáo những mối nguy mà họ phải đối mặt, những lời đe dọa tấn công. Đã nhiều tháng nay, một số người trong chúng ta thường xuyên nhận được những lời đe dọa, có thể là qua mạng xã hội, qua email, điện thoại, hay qua cả những bưu kiện gửi đến nhà".
Nhân viên y tế ở Pháp phải đối mặt với những lời đe dọa tấn công bằng nhiều hình thức (Ảnh: AP)
Theo ông Marty, các nhân viên y tế thường phổ biến những kiến thức khoa học và khuyên người dân giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và đi tiêm phòng. Nhiều người dân phản đối các biện pháp này đã phản ứng cực đoan và đe dọa các nhân viên y tế.
Điều đáng lo ngại hơn là những đối tượng đó không chỉ dừng lại với những lời đe dọa. Các nhân viên y tế lo sợ sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực. Nhiều bác sĩ Pháp cho biết, họ nhận được những lời đe dọa "vài lần một ngày" và phải thuê cả vệ sĩ.
Theo các bác sĩ Pháp, tôn trọng quyền tự do ngôn luận không có nghĩa là họ phải chấp nhận những lời nói bạo hành tinh thần và có nguy cơ đem đến cả bạo lực về thể chất.