Hai ngày qua, đoạn clip ghi lại hình ảnh "cô gái trẻ lấy nước rửa chân pha trà đá cho khách" tại quán trà vỉa hè Hà Nội đang là tâm điểm chú ý của dư luận. Sau khi bức xúc trước hành động dùng nước trong xô rửa chân để pha trà cho khách hàng thì người ta lại phẫn nộ khi biết rằng cô gái và những vị khách trong clip chỉ là nhân viên salon tóc, đang dàn dựng clip để câu like.
Đoạn clip được chủ salon tóc đăng lên mạng xã hội và còn kêu gọi mọi người chia sẻ.
Tưởng như chỉ là một trò đùa vui của nhóm nam nữ nên cô bán trà đá Phạm Thị Lại khi ấy vẫn không có động thái la mắng gì. Cho đến hôm sau, cô Lại cho biết "trò đùa" của nhóm nhân viên salon tóc đã khiến cô khốn khổ đủ đường.
"Tôi không nghĩ sự việc đi quá xa như vậy, cứ nghĩ bọn trẻ quay phim, chụp ảnh đùa nhau thôi ai ngờ chúng lại đi dàn dựng sự việc như vậy. Tôi không bao giờ bán nước bẩn và làm những việc thất đức như thế. Bằng này tuổi đầu rồi mà tôi còn bị bọn trẻ nó lừa, đây cũng là bài học cho tôi khi quá tin người", cô chủ quán trà đá chia sẻ.
Đoạn đính chính của tài khoản A.D.A - người được cho là chủ salon tóc
Sau sự việc ồn ào trên, tài khoản A.D.A - người được cho là chủ salon tóc trên đã đăng đính chính trên trang facebook cá nhân. Theo nội dung của đoạn chia sẻ thì nhân viên tại salon tóc này đang cho rằng mình làm đúng chứ không hề sai. Đoạn clip này được sắp xếp, dàn dựng hoàn toàn là để giúp bà Lại (chủ hàng trà đá) có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình.
Tuy nhiên, ngau sau đó, đoạn status trên đã bị xoá bởi nó nhận được khá nhiều bình luận phẫn nộ của cư dân mạng.
Bà Lại lo lắng sau khi đoạn clip được đăng tải lên mạng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bản thân.
Đến thời điểm hiện tại, trên fanpage của salon này vẫn liên tục nhận những bình luận chỉ trích của cộng đồng mạng.
"Nếu đã dám làm thì mấy nhân vật trong clip hãy lên tiếng một lần đi, chỉ vì câu like gây sự chú ý, vì lợi ích cá nhân mà gây ảnh hưởng đến quán trà vỉa hè của vợ chồng già thì thật xấu hổ", tài khoản D.G. chia sẻ.
"Dù là trò đùa vui hay cố tình dàn dựng câu like đi chăng nữa thì hành động cho chân vào thùng nước pha trà như vậy không thể chấp nhận được. Sự việc này không chỉ gây ảnh hưởng đến quàn trà đá mà chính salon của các bạn cũng bị ảnh hưởng. Hi vọng các bạn sẽ đứng ra nhận trách nhiệm vệ sự việc này", một bạn khác chia sẻ.
Bên cạnh đó, đoạn clip dàn dựng trên còn được nhiều trang mạng nước ngoài chia sẻ lại cùng những bình luận khá gay gắt, tạo ảnh hưởng tiêu cực cho hình ảnh hàng quán vỉa hè ở Việt Nam.
Chỉ vì một clip câu like, hành động gây chú ý của một nhóm nam nữ thanh niên mà quán trà vỉa hè của vợ chồng già mưu sinh bao nhiêu năm qua đang bình yên bỗng bị cộng đồng mạng hiểu lầm, chỉ trích trên mạng xã hội.
Chiều ngày 13/7, sau những ồn ào trên mạng xã hội quán trà đá đã bị dẹp bỏ, bà Phạm Thị Lại - chủ quán trà đá được cơ quan chức năng phường Quan Hoa mời lên trụ sở làm việc.
Hình ảnh cô gái tên Tr. cho chân vào xô nước rồi lấy nước đó pha trà cho khách thực chất chỉ là clip dàn dựng câu like nhưng ảnh hưởng lớn đến hàng trà đá của bà Lại. Ảnh: Facebook
Nhóm người dàn dựng clip "cô gái dùng nước rửa chân để pha trà" có thể bị phạt tới 20 triệu đồng
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với chúng tôi, luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quan điểm của anh, việc dàn dựng clip cô gái dùng nước rửa chân để pha trà cho người khác uống và đưa clip lên mạng xã hội đã xâm phạm đến uy tín, danh dự của những người lao động làm công việc bán trà, nước giải khát.
Luật sư Giang Hồng Thanh.
"Hành vi này có thể bị xử phạt theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, cụ thể như sau:
"Điều 66. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;", luật sư Thanh lý giải.
Hình ảnh quán trà đá bị dẹp bỏ chiều ngày 13/7.
Luật sư Giang Hồng Thanh cũng cho rằng, điều đáng lên án hơn chính là mục đích dàn dựng clip này. "Theo nhiều thông tin, nhân viên cửa hàng làm tóc gần đó đã thực hiện clip để thu hút sự chú ý của mọi người vào địa điểm làm tóc. Điều này đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ, bởi lẽ chỉ vì muốn mọi người chú ý hơn đến hoạt động kinh doanh làm tóc của mình mà chủ cửa hàng bôi nhọ hình thức lao động của người khác.
Rõ ràng là không chỉ có quán trà được mượn để dàn dựng clip trở thành nạn nhân của trò câu like, mà còn rất nhiều quán trà khác đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng bởi hành vi xấu đó và điều này sẽ kéo theo sự khó khăn đến với cuộc sống của những người, những gia đình chỉ biết trông chờ vào vài đồng tiền lẻ cóp nhặt từ hoạt động bán hàng này. Khi xem xong clip, tôi tin rằng không ít người có thái độ nghi ngờ rằng các quán nước mà họ thường ngồi cũng mất vệ sinh như vậy và từ bỏ thói quen uống nước ở đây", luật sư Thanh thẳng thắn cho hay.
Luật sư Thanh cũng cho biết thêm: "Thật ra đây không phải là lần đầu tiên các sự việc tương tự như thế này xuất hiện. Tuy nhiên, phải chăng vì hiếm có người nào bị áp dụng các chế tài xử lý hoặc biện pháp xử lý chưa được mạnh mẽ nên những hành vi đó vẫn không thể chấm dứt? Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay, quyết liệt hơn để những người thực hiện các hành vi phản cảm tương tự hiểu được rằng những hành vi như vậy không được phép tồn tại trong xã hội, trong cộng đồng".