Mã Vị Đô, một người sành đồ cổ có tiếng ở Trung Quốc, từng nói rằng vào những năm 1980 - 1990 thế kỷ trước, chỉ cần nắm vững một chút công nghệ nhận dạng di tích văn hóa, việc sưu tầm đồ cổ sẽ không khó.
Bản thân ông cũng từng bỏ qua rất nhiều di tích văn hóa quý giá. Ngày nay, thị trường đồ cổ đã khác xưa, việc tìm kiếm và kinh doanh mặt hàng này cũng khó như mò kim đáy bể, may mắn cũng chỉ nhặt được những di vật văn hóa còn sót lại chỉ từ mấy chục năm trước!
Chiếc bình cổ này đã được công nhận là di tích văn hóa hạng nhất cấp quốc gia, cấm mang đi triển lãm ở nước ngoài (Ảnh: China News)
Trong Bảo tàng đồ đồng Bảo Kê, Thiểm Tây, Trung Quốc có một bộ sưu tập đồ đồng từ thời Tây Chu, trong đó có một chiếc bình rượu quý. Vì quá quý giá nên chiếc bình này hiện là "vật không thể bán", thuộc một trong những bảo vật của thị trấn cũng như của Bảo tàng Đồ đồng Bảo Kê. Bảo vật quốc gia này có tên nổi tiếng là "Hà Tôn".
Nhưng ít ai biết rằng, trước khi được xác định là di vật văn hóa quý đến mức bị cấm mang đi trưng bày ở nước ngoài, "Hà Tôn" lại trải qua một quá trình thăng trầm, suýt nữa đã bị người ta ném vào lò đốt phế liệu. Vậy chính xác thì "Hà Tôn" đã xuất hiện như thế nào?
Trong thời kỳ những năm 1960, nhiều ngôi mộ và di tích văn hóa đã được khai quật ở Trung Quốc, chiếc bình "Hà Tôn" cũng đã được phát hiện trong thời kỳ này.
Người phát hiện ra cổ vật là người dân có tên Trần Đôi ở thị trấn nhỏ thuộc huyện Bảo Kê, thành phố Bảo Kê. Sau khi mưa tầm tã mấy ngày liên tiếp, Trần Đôi thấy gò đất nhỏ ở sân sau nhà mình hình như bị sập, nên đi kiểm tra tình hình, khi đi ngang qua thì đột nhiên có một luồng sáng chói lòa chiếu ra trông rất thần bí.
Cái ông nhìn thấy lúc bấy giờ chỉ là một món đồ bằng đồng được bao phủ bởi bùn đất sau cơn mưa. Tất nhiên, lúc đó Trần Đôi không biết đó là đồ cổ mà chỉ nghĩ là một đống sắt vụn không hơn không kém. Ông dùng cuốc xúc nó ra rồi rửa sạch, đến lúc đó mới lộ ra trên đó được chạm khắc rất nhiều hoa văn tinh xảo.
Một năm sau, anh trai của Trần Đôi đã đem chiếc bình này đến bán cho người thu mua phế liệu và kiếm được 30 NDT (106 nghìn VND) - một số tiền không quá nhỏ khi đó.
Tống Tài Phương là một nhân viên của Bảo tàng Bảo Kê. Một hôm anh tình cờ đi ngang qua trạm phế liệu này và "trời xui đất khiến" thế nào anh lại nhìn thấy chiếc bình. Tài Phương tin rằng nó có thể là một di vật văn hóa, dù không đủ chuyên môn. Anh nhiệt tình tới mức, chạy ngay về bảo tàng để tìm chuyên gia thẩm định.
Thật may, Tống Tài Phương cùng các chuyên gia đến kịp thời để giải cứu chiếc bình, khi mà ông chủ trạm phế liệu đang chuẩn bị ném "Hà Tôn" này vào lò luyện chế.
Cuối cùng, chuyên gia đã mua lại "Hà Tôn" đúng với giá 30 NDT.
Hai chữ "Trung Quốc" xuất hiện sớm nhất trên di sản văn hóa lịch sử cổ đại (Ảnh: Hues)
Theo sử sách và các giả thuyết nghiên cứu có liên quan, những chi tiết tinh xảo được chạm khắc trên thân bình hóa ra là những ký hiệu của ngôn ngữ cổ đại. Chúng đã ghi lại việc thành lập thủ đô ở Thành Châu (nay là Lạc Dương, Hà Nam) vào năm Thành Vương thứ năm.
Chúng có nội dung như một lời tuyên bố: "Ta đã chiếm được Trung Quốc và cai trị dân chúng nơi này."
Bối cảnh giai thoại này được cho rằng sau khi vua Ngô chinh phục được kinh đô nhà Thương, ông đã tổ chức một buổi lễ lớn để báo cáo với trời rằng: "Nay ta chiếm Trung Hoa, ta sẽ coi đó là nhà của mình và ta cai trị dân chúng ở đó".
Về sau, qua nhiều lần được nhiều chuyên gia thẩm định, "Hà Tôn" được chắc chắn là một siêu bảo vật quốc gia thời Tây Chu.
Đặc biệt nhất là, trên thân bình còn được khắc hai chữ "Trung Quốc", đây là chữ "Trung Quốc" sớm nhất từng xuất hiện trong tất cả các di vật văn hóa lịch sử từng được tìm thấy.
Hiện nay giá trị của "Hà Tôn" thật đáng kinh ngạc, các chuyên gia thẩm định cho rằng chiếc bình đáng giá ít nhất 3 tỷ NDT.
Bài viết tham khảo từ Hues