Thu nhập 30 triệu tháng, dự phòng = 0
Chị Trần Thị Hiền (28 tuổi, quê Thái Bình) và chồng (28 tuổi, quê ở Thái Nguyên) đã sinh sống và làm việc ở Hà Nội gần chục năm nay. Họ kết hôn được hơn 2 năm và có một bé trai hơn 9 tháng tuổi. Chồng chị Hiền làm cho một công ty công nghệ, lương tháng gần 20 triệu, còn chị làm việc tại công ty truyền thông lương 10 triệu/tháng.
Mức lương hai vợ chồng chị cộng lại được 30 triệu/tháng. Theo các chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, hiện nay thu nhập phần lớn vợ chồng trẻ thường ở mức 15-30 triệu đồng/tháng. Như vậy có thể thấy, thu nhập của vợ chồng chị Hiền không thấp nhưng gia đình họ khoảng 1 năm nay đã không có bất cứ khoản dự phòng nào.
Chị Hiền là nhân viên văn phòng tại Hà Nội, hiện đang nuôi con nhỏ hơn 9 tháng tuổi
Kể từ ngày bầu bí, có con nhỏ, vợ chồng chị Hiền luôn phải chật vật với việc duy trì và cân đối chi tiêu để không vượt quá con số 30 triệu đồng.
Cụ thể việc chi tiêu hàng tháng của gia đình chị như sau:
- Đồ ăn sáng, đi chợ bổ sung cho gia đình: 5 triệu đồng
- Thuê căn hộ: 5 triệu (có 2 phòng ngủ, 1 phòng cho cả gia đình, 1 phòng dành cho người giúp việc).
- Thuê giúp việc chăm con: 6 triệu đồng
- Hiếu hỷ: 2 triệu đồng
- Điện nước: 1,5 triệu đồng
- Tiền mạng: 270 nghìn đồng
- Các khoản chi phí cho con (quần áo, sữa, đồ ăn dặm, tiêm phòng, thuốc bổ,...): 4 triệu đồng
- Xăng xe, bảo dưỡng: 1 triệu đồng
- Biếu bố mẹ 2 bên: 2 triệu đồng
- Bạn bè tụ tập: 1 triệu đồng
- Các khoản phát sinh khác: 2 triệu đồng
Nhờ có bố mẹ gửi đồ ăn "trợ cấp" đều đặn nên gia đình chị Hiền tiết kiệm được khá nhiều trong chi phí ăn uống.
Chị Hiền nhấn mạnh: "5 triệu đồng tiền mình đi chợ nói chung đã được giảm đi được khá nhiều nhờ ông bà nội ở quê có chăn nuôi, trồng rau nên gửi thực phẩm sạch lên đều đặn. Vì có con nhỏ nên chi phí điện nước khá cao. Ngoài ra, tiền xăng xe của hai vợ chồng mình cũng không ít vì giờ làm việc không thuận lại khác tuyến đường nên mỗi người sử dụng 1 xe máy".
Loay hoay không biết cắt giảm khoản nào
"Mình đã nhiều lần thử tìm cách cắt giảm chi phí ở một số khoản nhưng thực sự rất khó vì đó là những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Còn việc bạn bè tụ tập cũng đã được tiết kiệm hơn khi gia đình mình có con nhỏ. Song mình nghĩ nó thực sự cần thiết để giữ gìn các mối quan hệ và cũng là một cách tái tạo năng lượng", bà mẹ trẻ bày tỏ.
Bà mẹ trẻ cho rằng, con số 30 triệu cho việc chi tiêu nghe qua thì lớn nhưng thực tế với gia đình chị, chi phí dành cho con nhỏ và giúp việc chăm con là 10 triệu/tháng đã chiếm 1/3 tổng chi. Chưa kể, việc từ khi có em bé, gia đình chị cũng cần chuyển đến thuê căn hộ rộng rãi hơn để có thêm phòng ngủ cho người giúp việc và không gian chơi cho con.
Chị Hiền "đau đầu" mỗi lần đi chợ để đảm bảo bữa ăn vừa đủ chất, vừa tiết kiệm cho gia đình.
"Thú thực 1 năm nay, vợ chồng mình chưa để dành được một khoản tiết kiệm nào. Chưa kể, khi có việc lớn phát sinh thì bọn mình cũng phải loay hoay đi vay để giải quyết vấn đề trước mắt. Lương thì không tăng nhưng lạm phá nên chi tiêu đang có xu hướng tiếp tục tăng lên. Nếu như vậy có lẽ về già, vợ chồng mình cũng không có nổi 1 xu tiết kiệm", chị Hiền bày tỏ.
Bà mẹ này tiết lộ, kể từ khi có con nhỏ, chị cũng hạn chế cách chi tiêu bằng cách cắt hẳn quỹ du lịch. Tuy nhiên khi con lớn hơn, mẹ trẻ dự định cũng sẽ để cố gắng cân đối chi tiêu, trích một phần thu nhập cho việc giải trí, vui chơi để con được học hỏi, khám phá nhiều hơn.
Ảnh: NVCC