Hôm nay tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện về một nhân vật "tôi" khác và một cô gái nhỏ cùng với cuộc điện thoại kì diệu.
Câu chuyện bắt đầu:
"Tôi có một sạp báo, nho nhỏ thôi, việc buôn bán buổi sáng thường khá nhẹ nhàng. Ngày đó, tôi đang nhàm chán lật xem một tờ báo để giết thời gian.
"Chú ơi, cháu muốn gọi điện." Bỗng một giọng nói rất nhẹ truyền tới khiến tôi ngẩng đầu. Là một cô gái nhỏ gầy, khoảng chừng 16, 17 tuổi.
Tôi chỉ vào buồng điện thoại: "Tự cháu gọi đi, điện thoại đường dài thì gọi máy bên trái nhé."
Cô gái liếc xung quanh, rồi lo lắng nhìn tôi, dường như có chút căng thẳng, do dự một lúc, cuối cùng cô mới nhấc ống nghe lên. Tôi vừa thấy cảnh này là đã hiểu, hoặc đây là lần đầu tiên cô gái này sử dụng điện thoại, sợ mình làm trò hề, bị mọi người cười nhạo; hoặc là đang muốn tâm sự với người yêu, sợ người khác nghe được. Tôi đã gặp khá nhiều trường hợp giống vậy ở cái sạp báo tí hon của mình rồi.
Tôi biết điều quay sang chỗ khác, làm bộ như mình đang nghiêm túc đọc báo, không còn để ý gì đến cô gái nữa. Cô gái ấn một dãy số, vừa xong đã luống cuống buông ống nghe xuống, rồi lại lập tức cầm lên, một lần nữa hồi hộp ấn một dãy số khác... Cả quá trình tôi đều không liếc nhìn cô, mà cúi đầu tập trung vào tờ báo trên tay, vì tôi biết nếu tôi ngẩng đầu, cô gái nhỏ đó sẽ càng thêm bối rối.
"Mẹ ơi, mẹ, con với chị Linh Tử đến Thâm Quyến rồi. Con đang làm việc trong một nhà máy điện tử, lương cao lắm mẹ ạ. Cũng hay phải tăng ca, nhưng mà tiền tăng ca thì nhiều. Tháng vừa rồi con được tận 716 tệ, con gửi về để em trai đóng học phí, con còn mua phân bón cho bố, mua thuốc đưa ngoại nữa. Bữa ăn ở nhà máy bọn con thích cực, ngày nào cũng được ăn thịt lợn, có hôm còn có thịt gà nữa nhé! Con mua cho con một cái váy, màu đỏ, đẹp lắm, nhưng con không dám mặc, nhìn nổi quá! Tuần trước nhà máy tổ chức cho bọn con xem phim, chiếu phim ấy... chiếu... con không nhớ đâu, phim nước ngoài..."
Cô gái càng nói càng nhanh, nhưng sau đó, cô bắt đầu lau mắt và sụt sịt mũi, giọng nói cũng khàn khàn theo. "Mẹ ơi, con nhớ em trai, nhớ bố, con muốn về nhà, con nhớ mẹ, mẹ ơi, con nhớ mẹ, hu hu, con nhớ..." Giống như nã pháo hàng loạt, cô gái nói hết những lời cần nói chỉ bằng một hơi, sau đó buông ống nghe. Có lẽ vì quá căng thẳng, phải mất ba lần, cô mới đặt được ống nghe vào đúng chỗ. Cô gái ôm ngực, thở gấp, đợi bình tĩnh lại mới đưa đôi mắt đỏ hoe nhìn về phía tôi, rồi cúi đầu hỏi: "Chú ơi, của cháu mất bao nhiêu tiền ạ?" Nhìn dáng khẩn trương của cô gái, tôi có chút muốn cười, nhưng trong lòng cũng có chút xót xa.
Ngập ngừng một lúc, tôi mới mở miệng, thực ra ngay cả tôi cũng không biết rốt cuộc là tôi đang an ủi hay là thương hại cô gái ấy nữa: "Không cần căng thẳng thế đâu cháu gái, cứ bình tĩnh, thực ra cháu nói thêm chút nữa cũng không sao, chú lấy của cháu ít đi một chút tiền là được..." Tất nhiên là tôi đang cho rằng cô gái này lo nói dài quá nên mất nhiều tiền, bởi vậy mới nói một tràng không nghỉ chút nào như thế. Năm ấy, khi vừa rời khỏi cái thôn nhỏ trên núi của mình đến Thâm Quyến, lúc gọi điện về nhà, tôi cũng nhếch nhác như vậy.
Cô gái gật đầu: "Cảm ơn chú. Bao nhiêu ạ?" Tôi cúi đầu nhìn quầy, trời ơi, tôi phát hiện màn hình điện tử không hiện thông báo thu phí, điện thoại của cô gái hóa ra không gọi được! Tôi nghẹn lời, ngẩng đầu lên: "Xin lỗi cháu, cháu gọi lại đi, điện thoại vừa nãy không gọi được..."
Cô gái ngượng ngùng lau lau mắt: "Cháu biết mà, quê cháu không có sóng điện thoại đâu, cháu không còn mẹ, mẹ cháu, mẹ cháu mất 4 năm rồi... Nhưng cháu thật sự rất muốn, rất rất muốn được gọi điện thoại cho mẹ giống như những người khác..."
Tôi như chết lặng, cuối cùng mới bừng tỉnh. Kể từ đó, tôi hẹn với cô gái nhỏ cứ mỗi sáng thứ Bảy, cô gái có thể đến sạp báo của tôi để gọi điện thoại miễn phí. Đó là một cuộc điện thoại tới thiên đường, để cô gái ấy có thể kể hết mọi buồn vui cho người mẹ của mình."
Kết thúc câu chuyện, hình ảnh còn đọng lại rõ nhất trong tôi dĩ nhiên là cú điện thoại đường dài, rất dài ấy. Mẹ cô gái đang ở một nơi rất xa, cũng rất đẹp, đó là thiên đường. Nơi đó có sóng điện thoại hay không, tôi không rõ, nhưng tôi chắc rằng người mẹ nhất định đã nghe được những lời tâm sự của cô con gái, và bằng cách này hay cách khác, bà đã vỗ về, đã xoa dịu cô, khiến cô mạnh mẽ hơn.
Rồi sau đó tôi lại nghĩ, đã bao lâu tôi không chủ động gọi về cho bố mẹ rồi nhỉ, có thể là một tuần, hai tuần, một tháng, hai tháng... Tôi cũng không nhớ nữa. Bố mẹ thường gọi cho tôi trước, đều đặn một tuần 2 lần, đều đặn đến mức tôi coi nó là thói quen, coi nó là nghiễm nhiên, và rằng tôi chẳng cần gọi về nhà đâu, vì kiểu gì thì hai người cũng liên lạc với tôi thôi mà. Bằng cách ấy, vô hình chung, tôi đã khiến sợi dây liên kết gia đình tôi thêm phần mỏng manh. Tôi may mắn hơn bao người, khi bố mẹ tôi còn khỏe, còn có thể nhấc điện thoại lên và hỏi han đứa con vô tâm là tôi. Trong khi ngoài kia, rất nhiều người, giống như cô gái nhỏ trong câu chuyện, không còn lấy một ai thân thuộc để chia sẻ, phải dựa vào những "cuộc điện thoại đến thiên đường" để tìm kiếm hơi ấm tình thân. Vậy nên, các bạn ạ, cuộc sống dù có bộn bề đến đâu, cũng chẳng nhẫn tâm cướp của chúng ta đôi ba phút rảnh rang, hãy nhấc điện thoại lên và gọi về nhà đi thôi, có thể chẳng cần nói gì cao sang, tình cảm, chỉ vài câu trần thuật kể về cuộc sống của bạn thôi, cũng đã khiến bố mẹ rất vui rồi.
Đừng bao giờ để yêu thương đến quá muộn, bạn nhé!