UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn. Theo đó, TP giao UBND các quận huyện cập nhật thông tin và lập sổ quản lý về chó nuôi trên địa bàn, tổ chức ký cam kết thực hiện việc khai báo nuôi chó, mèo và chấp hành đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với bệnh dại.
TP cũng yêu cầu các quận huyện tuyên truyền về nguy cơ và tác hại mắc các bệnh truyền nhiễm (bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả...) khi sử dụng thịt chó, mèo để người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo. Việc kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo đã tạo ra những phản cảm đối với khách tham quan du lịch, du khách quốc tế sinh sống, làm việc tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của một Thủ đô văn minh, hiện đại.
Tuy mong muốn của UBND TP mới được đưa ra không lâu nhưng hiện đang nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Động thái này giúp những người yêu chó có thêm hy vọng về một tương lai loài thú cưng này sẽ không còn bị giết hại để lấy thịt.
Chúng ta đang đề cập tới việc "nên" hay "không nên" ăn thịt chó, và thắc mắc liệu có phải những ai ăn thịt loài động vật này đều là những kẻ vô văn hoá, dã man và không thực sự văn minh?
Để có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với nhà xã hội học, PGS.TS Trịnh Hoà Bình.
Nhà xã hội học, PGS.TS Trịnh Hoà Bình.
Theo PGS.TS được biết, thói quen ăn thịt chó của người Việt được hình thành từ bao giờ và vì sao đến nay nó vẫn là một món ăn khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt là khu vực phía Bắc?
Theo nhiều nghiên cứu, ăn thịt chó là thói quen "cố hữu", lâu năm của người dân, từ trước cả khi người Pháp chiếm Hà Nội. Thời bấy giờ, chợ Cửa Đông vốn nổi tiếng với việc bày bán nhiều thịt chó và người dân xem đây như món ăn khoái khẩu, thậm chí là thứ đặc sản nhiều giá trị. Đến năm 1973, việc ăn thịt chó bỗng bùng phát mạnh mẽ khi các quán bia hơi thi nhau mọc lên. Ở Hà Nội, có những "vùng đất thịt chó" nổi tiếng đến mức được định danh thương hiệu (một cách không chính thức), như "thịt chó Nhật Tân", "thịt chó Vân Đình".
Chúng ta có thể thấy, tập quán ăn thịt chó đã trở thành một thứ văn hoá ẩm thực của người Việt. Có nhiều người hài hước còn gọi đó là "giá trị Quốc gia" vì thói quen này đã ăn sâu vào trong máu của người dân. Và dường như có cả công nghệ để chế biến thịt chó thành nhiều món, không cứ ở Đồng bằng Bắc Bộ, mà ở cả trong Nam. Tuy nhiên văn hoá thịt chó ngoài Bắc có phần rõ hơn, mạnh hơn. Dẫu ít dẫu nhiều, có nhiều bằng chứng cho thấy, từ lâu thịt chó đã trở thành món ăn mang tính văn hoá, thành thử ra không phải mỗi tôi, nhiều người cho rằng đó là tục lệ không thể bỏ. Nếu nói đến văn hoá ẩm thực đặc biệt không thể thiếu thịt chó!
Thói quen ăn thịt chó của người Việt đã có từ rất lâu.
Những năm 90 của thế kỷ trước, Hà Nội có cả một liên hiệp các xí nghiệp thịt chó trên đường đến Nhật Tân. Thời hưng thịnh, nơi đây tập trung 50 nhà hàng lớn nhỏ, khách nhậu ngày đêm không ngớt. Cứ chiều xuống, phố Nhật Tân lại chìm trong làn khói mờ ảo mang theo mùi thơm quyến rũ từ những xiên chả chó nướng như muốn níu chân mọi người. Và đúng như nhiều người chỉ ra, thịt chó ở đây được thu mua theo nhiều cách khác nhau.
Nhiều người cho rằng ăn thịt chó, mèo là dã man vì họ xem chúng như những người bạn giữ nhà; ăn thịt chúng là thiếu văn minh. TS nghĩ như thế nào về quan điểm này?
Trước hết, tôi không ăn thịt chó và tôi cũng chả ăn thịt mèo. Nhưng tôi không bênh vực những người ăn thịt chó. Thử ngẫm mà xem, từ xưa chúng ta đã coi đó là thứ tập quán văn hoá, và sau này trở thành đặc sản. Rồi ngày ngày chúng ta mời nhau đĩa thịt chó, vui cũng mời mà buồn lại càng mời để giải đen.
Việc các nhà hàng bán thịt chó mọc lên như nấm, có chăng là xuất phát từ lợi nhuận, động cơ lợi ích chứ không phải cứ ăn thịt chó là dã man. Điều đáng bàn ở đây là cách chúng ta tiếp cận, cách chúng ta hành hạ con vật, cách chúng ta giết thịt chó trước khi biến nó thành một mâm thức ăn đủ món.
Tôi nghĩ, nếu chúng ta cố tình nói không ăn thịt chó là thể hiện trình độ, thái độ văn minh thì có lẽ chúng ta đã sai. Đã nói tới văn hoá thì không có chuyện thấp - cao, cũng không thể hiện trình độ phát triển. Thật khó có thể nói ăn thịt chó là dã man, đấy là do cách nhìn chứ có phải cứ ăn loại thực phẩm đó là thấp hèn đâu.
Ông Bình chia sẻ quan điểm không phải cứ ăn thịt chó là thiếu văn minh.
Thực lòng mà nói, chúng ta đang tiếp cận vụ việc này ở cái nhìn thương xót khi chó bị giết hại dã man tại lò mổ. Chó là con vật trung thành của con người, phải chăng chúng ta thiếu tinh thần nhân văn trong xử lý chó?
Từ những bình diện ấy có thể cho rằng, sẽ rất dại dột nếu ai đó nói ăn thịt chó là dã man. Và bằng chứng là những nền văn hoá vẫn sừng sững tồn tại, người Hàn Quốc vẫn rất "đam mê" ăn thịt chó. Dù thịt chó trước đó được xem là quốc thịt, thì người ta vẫn có cách xử lý được thay vì đánh vật chúng ra để chúng giãy giụa rồi la hét.
Chính quyền Hà Nội chỉ "vận động" và "khuyến cáo" nhưng nhiều người nghĩ rằng trong tương lai rất có thể sẽ có một điều luật được ban hành bởi việc kinh doanh, buôn bán thịt chó tại Việt Nam đang không được kiểm soát. Theo TS, liệu chúng ta sẽ có một điều luật về việc cấm ăn thịt chó trong tương lai?
Tôi xin khẳng định, rất khó để người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó nếu chỉ dựa vào "lời khuyên" từ phía chính quyền Hà Nội. Và càng không thể nâng văn bản đó thành điều luật, bởi vì không có cơ sở nào để nói rằng, ăn thịt chó là thể hiện văn minh thấp, sự dã man, sự thiếu văn hoá hay cái gì đó xấu xí, đe doạ sự phát triển của cộng đồng, của con người.
Có lẽ khi nó hội tụ đủ các tiêu chí như vậy, chính quyền mới dám xây dựng, sửa chữa lời khuyến cáo thành một văn bản luật.
Luật pháp vốn là công cụ, là thiết chế quan trọng. Nó được phát sinh để điều chỉnh hành vi, hoạt động sống của con người trong xã hội. Mỗi khi có một văn bản pháp luật, hay thậm chí một văn bản có tính chất luật, thì cũng không ai dám đưa vào cụm từ "cấm ăn thịt chó". Thực chất việc xây dựng đạo luật không hề khó khăn và sự chấp nhận của cộng đồng có thể cũng không quá gian nan, cái quan trọng là chúng ta không đủ cơ sở để đưa vào luật. Cái này xuất phát từ sự mong muốn, khuyến cáo, kêu gọi.
Con chó gắn với hình ảnh người bạn gần gũi với con người. Ăn thịt chó không phải là sự xâm phạm, không phải đến khi thấy hết giá trị con chó chúng ta mới cấm ăn nó. Khốn nỗi, chúng ta đã xem thịt chó là một món khoái khẩu trước khi ai đó cám cảnh thấy thịt chó là tội nghiệp, là xâm phạm giá trị thiêng liêng.
Và có lẽ ở một chừng mực nhất định nào đó, khi đưa ra văn bản vận động đã vô tình "phảng phất" một cái ý chí cho rằng, người không ăn thịt chó là văn minh hơn, các quốc gia không ăn thịt chó phát triển hơn. Xuất phát từ đó với những hình ảnh đối xử tàn bạo với chó nên mới dấy lên làn sóng phản đối.
Cộng tất cả các lý do trên, tôi thấy không đủ sức thuyết phục để người dân cam tâm từ bỏ thói quen ăn thịt chó.
Nếu UBND TP Hà Nội ra lệnh cấm, trên thực tế là thịt chó sẽ đắt đỏ thêm, chứ không cấm được mong muốn của người dân. Xuất phát điểm từ văn bản khuyến cáo "nghèo" tính khả thi, thậm chí là không có tính khả thi, thì dù có 3 năm, 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa thì chẳng có gì đảm bảo là nó được thông qua.
Nếu xem sự vận động của xã hội, sự phát triển của truyền thông mới có sức mạnh "vũ bão" thì chúng ta biết rằng, tác động thay đổi thói quen vẫn rất khó khăn. Bởi lẽ cả cộng đồng đã mặc nhiên việc ăn thịt chó là văn hoá. Chừng nào nhận thức xã hội được thông suốt, hay hài hước hơn, thịt chó không còn gì hấp dẫn để mời gọi người dân thì may ra họ mới "ngán" thứ thực phẩm đó.
TS có nghĩ rằng, cùng là một loại thịt nhưng chó, mèo và lợn, gà... vốn không hề bình đẳng trong suy nghĩ của nhiều người? Vì sao họ xem việc ăn thịt chó tàn nhẫn hơn tất cả các loài thịt động vật khác?
Quả thực nhiều người thắc mắc khi những con vật khác được "hoá kiếp" để làm thức ăn, người ta không phản ứng. Tuy nhiên với chó lại khác. Có lẽ họ gắn nhiều lý do cho lập luận này, rằng chó là con vật nuôi trung thành, gắn bó và gần gũi. Người ta sẽ thấy chạnh lòng nếu con vật mình yêu thương bị giết để làm thịt.
Có một số người khác lại hả hê khi nhìn thấy cảnh tượng chó bị giết hại trước mắt mình. Hiển nhiên đó là thú vui của sự tàn bạo trong cuộc sống. Nhưng số còn lại đồng cảm, xót thương. Họ không chấp nhận việc gia đình bán chó cho đồ tể, thậm chí khóc lóc sướt mướt khi thú cưng bị "cẩu tặc" bắt mất.
Vậy đối với những người yêu chó nhưng vẫn thích ăn thịt chó, phải chăng họ là những con người sống khá ích kỷ. Họ chấp nhận việc làm thịt một con chó bất kỳ, miễn không phải là thú cưng của họ?
Tôi tạm gọi đây là những người có tư duy lôgic rất mạnh và theo khuynh hướng hiện đại. Sự khác nhau ở 2 khái niệm "yêu chó" và "ăn thịt chó" nằm ở chỗ, người ta sẽ không hành hạ con chó, không tự mình đập chết con chó, nhưng vẫn thấy thịt chó là món khoái khẩu. Vậy thì nếu ai đó làm hộ họ việc thịt con chó hay họ tự mua thịt chó ở các quầy hàng, các nhà hàng chuyên cung cấp thịt chó thì đương nhiên họ vẫn ăn.
Người khác ăn thì họ cũng có quyền ăn, hai chuyện "yêu" và "ăn" tách bạch nhau. Cũng giống như ở Australia, họ coi Kangaroo là biểu tượng của đất nước nhưng nhiều người vẫn ăn thịt con vật này. Chỉ có điều họ không có kiểu đạp chết Kangaroo rùng rợn như chúng ta đập chết con chó để nó phải kêu khống thiết. Họ giết Kangaroo bằng cách chích điện. Đó là một biện pháp hạ sát văn minh, chuyên nghiệp trong các lò mổ. Không ai có thể nói họ là những người tàn bạo, là những kẻ không biết chủ nghĩa nhân văn là gì.
Rõ ràng con người dẫu thế nào đi chăng nữa vẫn đầy rẫy thói ích kỉ đối với đồng loại, thậm chí đối với động vật. Chúng ta nghĩ khi lên án, phê phán xung quanh câu chuyện này là chúng ta đúng. Nhưng không hẳn là vậy đâu. Yêu chó và ăn thịt chó là 2 chuyện khác nhau.
Theo khảo sát, mỗi năm tại Việt Nam có 5 triệu con chó bị giết chết, và hầu hết chúng bị làm thịt bằng những cách man rợ. Con số này nói lên điều gì thưa ông?
Con số 5 triệu này minh hoạ cho một thực tại khá rõ ràng, chừng nào còn có cầu thì còn có cung và ngược lại. Chừng nào còn có nhu cầu ăn thịt chó mà chúng ta kiểm soát xã hội chưa thật tốt thì vẫn còn những kẻ cẩu tặc săn lùng chó. Bọn họ đứng trên tình thần lợi ích vị kỉ và không thèm quan tâm việc giãy giụa chống cự của con chó.
Nhu cầu ăn thịt chó đã "ngấm" vào máu, trở thành tập quán đối với một bộ phận người Việt. Và tập quán này không đến xâm phạm các giá trị đạo đức và không thể nói đó là hành vi dã man. Bởi thế chúng ta không xoá được nhu cầu đấy.
Nếu như công nghiệp thịt chó tại Hàn quốc được kiểm dịch, hình thành những trang trại, những lò mổ hiện đại để không còn những tiếng kêu thảm thiết, dã man, thì tại Việt Nam, chúng ta hoàn toàn chưa có những sự hiện đại đó. Cho đến bây giờ sau từng ấy năm bước chân vào thế kỷ 21, bóng dáng văn minh nông nghiệp vẫn hiển diện trong xã hội chúng ta, dù chúng ta mơ tới một nền công nghiệp. Trong khi đó, Hàn Quốc vốn dĩ đã là xã hội công nghiệp rồi.
Trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 5 triệu con chó. Ảnh: Tứ Quý.
Nếu như tục lệ ăn thịt chó đã trở thành thói quen khó bỏ với người thế hệ trước, vậy phải chăng mọi sự đổi mới nên xuất phát từ lớp người trẻ?
Nếu muốn thay đổi cái gì đó chắc chắn sẽ thay đổi từ hệ sau này, nhưng nên nhớ rằng, ăn thịt chó nào chỉ có đám già, giờ lẽ trẻ ăn cũng hung. Tại những miền quê, đám giỗ cũng làm thịt chó, tôi dám chắc đám cưới cũng thế.
Chúng ta thực sự cần quan tâm cách tiếp cận, thái độ ứng xử, phong cách thể hiện khi tiếp cận với thịt chó như thế nào, nhiều hơn là câu chuyện có ăn nó hay không. Dẫu sao thì cả tôi và các bạn, chúng ta vẫn chưa đủ lý lẽ để bàn tới việc người Việt "nên" hay "không nên" ăn thịt chó.
Xin cảm ơn PGS.TS Trịnh Hoà Bình về buổi trò chuyện ngày hôm nay!