Cứ mỗi mùa tuyển sinh đến, không chỉ có những sĩ tử phổ thông mới ráo riết ôn tập cho kỳ thi THPT Quốc gia cũng như xét tuyển đại học mà ngay cả phụ huynh cũng nơm nớp để tìm trường, chọn trường cho con khi con bước vào lớp 1 hay chuẩn bị lên lớp 6. Những tưởng, với những cấp học này thì chẳng bao giờ xảy ra chuyện chạy trường, chạy điểm ấy vậy mà suốt nhiều năm qua, không ít ngôi trường nổi tiếng ở các thành phố lớn đưa ra các điều kiện tuyển sinh khắt khe để chọn lọc ra những học sinh "ưu tú" nhất về mặt thành tích.
Điều này đặt ra những băn khoăn lớn về việc tại sao con trẻ cứ phải mải chạy theo điểm số, tìm đến các lò luyện thi từ khi còn bé. Việc dựa vào điểm số để đánh giá năng lực của học sinh là đúng nhưng để đưa ra những tiêu chí như phải có bảng điểm đẹp toàn 10 thì liệu có thực sự phù hợp khi các cơ sở giáo dục muốn học sinh của mình phải hoàn hảo ngay ở lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới?
Mới đây, chị Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với cái tên Mẹ Xu Sim, một nhà báo từng cho ra đời nhiều đầu sách về nuôi dạy con nổi tiếng đã chia sẻ quan điểm của mình trên trang cá nhân của mình và nhận được nhiều sự quan tâm. Theo những lời tâm sự, sau khi chuẩn bị hồ sơ để đăng ký cho con vào một trường tư có tiếng tại Hà Nội, chị đã phải vội rút lui vì loạt quy định tuyển sinh trên trời để rồi sau đó, chị quyết định đưa con đến một ngôi trường khác.
Trích lược đoạn chia sẻ như sau:
Giờ này 2 năm trước mình cũng dự tính cho Xu Sim thi vào 1 trường tư được khen là rất rất tốt.
Vòng chuẩn bị hồ sơ dự thi đã phiền, vì bất kỳ giấy tờ gì họ cũng yêu cầu công chứng. Mình có nói: Vài tuần nữa nếu bé đậu thì cũng cần phải nộp bản gốc cơ mà, hay là hôm nay tôi mang luôn bản chính tới có được không? Không, quy định là phải công chứng chị ạ!
Tới khi nhìn quy định tuyển sinh càng hậm hực hơn. Yêu cầu học bạ phải khá giỏi trở lên, điểm tổng kết lớp 4 và 5 tối thiểu phải là 36 điểm 2 môn toán, và ai 40 điểm sẽ được xét trước. Có bằng thi học sinh giỏi tiểu học cấp TP, cấp quốc gia sẽ được cộng 10 điểm, có bằng tiếng Anh được cộng 7,5 điểm.
Ôi, nhìn vào quy định, mình hiểu ra một cách sáng rõ. Lâu nay mình luôn tự tin "đừng chạy theo điểm số", "điểm số không quan trọng, quan trọng là thái độ và tính cách"… chỉ vì con mình chưa dự thi tuyển vào trung học!
Bệnh thành tích ở đâu mà ra? Lạm phát điểm 10, lạm phát học sinh giỏi ở đâu mà ra? Nạn trẻ tiểu học bị nhồi nhét học và nhồi nhét thi ở đâu mà ra? Ép học sinh tiểu học học thêm tới 9-10h đêm ở đâu mà ra?
Dạ, ở những quy định đầu vào của những trường mệnh danh là lá cờ đầu của ngành giáo dục này đó ạ!
Vì những quy định này, nên bắt đầu bước chân vào lớp 1 là cả ba mẹ con cái đã bắt đầu lo chạy theo điểm. Phụ huynh nào chẳng muốn con học trường tốt, đó là ước mơ chính đáng.
Và áp lực đó, như ở Mỹ, là đổ lên đầu phụ huynh, Phụ huynh phải làm ra nhiều tiền để mua nhà giá cao hơn ở những khu dân cư có trường tốt.
Ở Israel, là ba mẹ phải tìm được đam mê riêng của con và cho con cơ hội để theo đuổi những dự án riêng, bồi dưỡng đạo đức, cách cư xử cho con.
Còn ở Việt Nam, thì áp lực đó chủ yếu đổ lên đầu tụi nhỏ: phải cày luyện và thi để đạt học bạ đẹp. Thi trong trường chưa đủ, thì cổ vũ thi thêm các cuộc thi ngoài!
Từ lớp 1, suốt 5 năm trời, cả một hệ thống khổng lồ, trải dài nhiều tỉnh thành, nhiều gia đình, nhiều đứa trẻ, nhiều năm... để "con được luỵện trong lò". Mà được lò học thêm bởi chính cô giáo chủ nhiệm thì càng dễ được điểm cao nhất.
Vì 10 điểm nghĩa là ngoài đúng đáp số, thì từng bước trình bày cũng phải đúng ý cô, giải mấy bước, trình bày xuống dòng lùi vào 1 ô hay 2 ô, cũng đúng ý cô.
Mình vốn anti các kỳ thi, nên sau 5 năm tiểu học Xu Sim chả có bằng cấp giải thưởng nào, ngoài mấy cái cup vui vui.
Nhưng, mình cứ nghĩ hoài, Xu Sim có 2 người bạn trai, rất dễ thương, tinh tế, năng động, hiểu biết, tự lập, tự đi học bằng xe bus công cộng, hoặc xe đạp, 2 cậu biết nấu nướng, đi chợ, biết chăm sóc ba mẹ ông bà, rất ga lăng với Xu Sim, ngồi xem phim bằng tiếng Anh, cậu ấy còn giảng giải cho Xu Sim những tầng nghĩa khác của những câu thoại tiếng Anh, dù chưa học thêm buổi nào, chứng tỏ ba mẹ cậu ấy đã rèn dạy rất kỹ càng.
Nhưng theo cái tiêu chuẩn thi của trường này, 2 anh ấy đều rớt từ vòng gửi xe!
Vậy thì, những trường đòi tuyển bảng điểm toàn 9,10 là đang tuyển những đứa bé nghe lời, chăm đi thi, biết làm đúng ba rem của giáo viên, những đứa bé ghi nhớ tốt và nạp được nhiều sách giáo khoa vào đầu…
***Đầu vào và đầu ra của giáo dục mà cứ như thế, thì tới thời đại trí tuệ nhân tạo này, làm sao con có thể cạnh tranh nổi với robot?
***Và chính các thầy cô còn không chấp nhận cho trẻ nhỏ được quyền nhầm lẫn, sai sót lặt vặt, thì làm sao các em có thể chấp nhận mình không hoàn hảo, chấp nhận ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu, còn đâu cơ hội để các con teamwork, sáng tạo, phản biện, tự lập, tự do, tự tìm lối đi riêng?
Năm đó, mẹ Hà đi công chứng 1 đống học bạ giấy tờ, mà càng nghĩ càng nản. Và tới ngày thi, mình cho Xu bỏ thi để đi Nhật Bản chơi 11 ngày, còn Sim thì quên luôn giờ thi.
Có đôi lần mình tự hỏi, có phải mình đã bướng bỉnh quá không? Có phải Xu Sim đã bị lỡ 1 môi trường tốt hay không?
Nhưng giờ, sau 2 năm Xu Sim vui vẻ học ở 1 trường tư khác, mình đã thấy rằng không phải cả thành phố chỉ có 1 trường tốt. Không phải chỉ có ép con chui vào đó thì trẻ con mới trưởng thành. Không phải phụ huynh chỉ có 1 sự lựa chọn.
Bố mẹ vẫn có thể nói "Không"với nhồi nhét học, nhồi nhét thi, mà con mình vẫn an toàn!
Có thể thấy, đề tài về những cuộc đua chọn trường cho con chưa bao giờ hết hot. Ước muốn tìm cho con một môi trường giáo dục tốt là chính đáng, thế nhưng vì điều này mà vô tình phụ huynh tạo ra những áp lực lớn dành cho những đứa trẻ. Câu chuyện về trường chuyên, lớp chọn có lẽ vẫn sẽ được bàn đi bàn lại cho đến khi các trường học thay đổi phương hướng tuyển sinh, phụ huynh dám gỡ bỏ áp lực cho con cái và điểm số không phải là tất cả để đánh giá năng lực của cá nhân.