Những màn quảng cáo bằng người mẫu bikini khiến dư luận dậy sóng
Thời gian gần đây, việc dùng người mẫu mặc bikini, nội y để quảng cáo cho các nhãn hàng hoặc chạy những chiến dịch khuyến mại (promotion) trở nên khá phổ biến ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Hình ảnh các nữ PG ăn mặc khêu gợi, xuất hiện ngay nơi công cộng, gây "náo loạn" đường phố đã không còn hiếm gặp.
Hẳn mọi người vẫn chưa quên vụ việc một siêu thị điện máy tại Hà Nội đã dùng người mẫu mặc đồ 2 mảnh để quảng cáo điều hòa gây ra phản ứng dữ dội từ phía người tiêu dùng. Đa số mọi người đều cho rằng, môi trường siêu thị, nơi có cả phụ nữ, trẻ nhỏ và người già lui tới, hoàn toàn không thích hợp cho người mẫu mặc bikini đứng bán hàng.
Việc siêu thị dùng dàn người mẫu mặc bikini đứng ở cửa, quảng cáo điều hòa được nhiều người tiêu dùng cho là phản cảm vì không phù hợp.
Dư luận không ngớt ồn ào cho đến khi lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội vào cuộc, khẳng định đây là hoạt động phản cảm và xử phạt 40 triệu đồng.
Mới đây, người dân Sài Gòn cũng được dịp xôn xao khi bắt gặp cô gái trẻ mặc bikini, uốn éo trên xe mui trần, di chuyển qua phố đi bộ Nguyễn Huệ, tay liên tục giơ cao tấm biển quảng cáo của một bệnh viện thẩm mĩ. Những cô PG này sau đó còn xuống đường phát tờ rơi dọc 2 bên đường và hàng quán. Chiêu quảng cáo này lại một lần nữa khiến nhiều người khó chịu.
Một nhà hàng tại Hà Nội cho nhân viên mặc bikini phục vụ khách.
Hoặc trong một lần khác, một nhà hàng nọ tại Hà Nội cũng dùng tiếp viên mặc đồ mát mẻ để bưng bê đồ ăn khiến rất nhiều chị em bức xúc, hùng hổ tuyên bố cấm chồng/bạn trai đến đây dùng bữa.
Vậy, những "cú nổ" bằng bikini, nội y liệu có phải là một cách làm hay? Vì sao biết là phản cảm và gây tác dụng ngược nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn áp dụng những "chiêu trò" này?
Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Ngọc, chủ tịch công ty Truyền thông NBN.
Quảng cáo bằng bikini không xấu nhưng phải cẩn trọng và khôn khéo
Theo ông Ngọc, quảng cáo bằng người mẫu mặc bikini, nội y thực ra rất bình thường. Nó cũng như nhiều lựa chọn khác khi tiến hành một chiến dịch quảng cáo. "Nghĩa là trước một chiến dịch quảng cáo, tiếp thị có những mục tiêu, đối tượng cụ thể, các công ty có quyền chọn lựa các phương án thích hợp và sao cho chiến dịch đạt hiệu quả cao nhất".
Ông Ngọc phân tích, dùng mẫu bikini để quảng cáo thực ra không phải là trò PR rẻ tiền. "Vì thực tế là không có chiêu quảng cáo rẻ tiền, chỉ có cách làm cho chiêu đó trở nên rẻ tiền hay không". Vị chuyên gia phân tích, nếu cùng dùng cách quảng cáo bằng mẫu bikini nhưng doanh nghiệp A có thể may bộ đồ thật đẹp, tuyển người mẫu đẹp, mức độ trình diễn vừa phải thì mỹ cảm đem lại cho người xem chắc chắn sẽ khác so với doanh nghiệp B dùng mẫu đồ quá nhỏ, đeo thêm phụ kiện kiểu tất đăng ten... và người mẫu có cách diễn khêu gợi.
Tuy nhiên, quảng cáo có sử dụng các nhân tố gợi cảm như các cô gái trẻ, bikini... thường chỉ thích hợp với một số sản phẩm có liên quan trực tiếp như bao cao su, thuốc tăng cường sinh lực, quần áo tắm... hay những sản phẩm mà chắc chắn chỉ có đối tượng chính là đàn ông như bia, rượu, xe hơi...
"Các sản phẩm khác thường không sử dụng hoặc sử dụng với liều lượng vô cùng cẩn trọng, bởi quảng cáo kiểu này lan truyền mạnh song thường có những liên tưởng không tốt và làm khách hàng thiếu tin tưởng vào chất lượng sản phẩm", ông Ngọc nói thêm.
Quảng cáo gợi cảm không phải lúc nào cũng gây phản cảm. Tại các triển lãm ô tô, người ta đã quá quen với sự xuất hiện của các chân dài sexy. Ảnh: Zing.vn
Ông Ngọc lấy dẫn chứng như vụ việc siêu thị điện máy dùng người mẫu bikini để tiếp thị sản phẩm đã gây ra rất nhiều ý kiến trái chiều. Tất nhiên, siêu thị này cũng chỉ mong thu hút khách mua bằng chiêu marketing mới lạ so với đối thủ. Tuy nhiên, cách làm của họ lại không ổn lắm.
Lý do theo ông Ngọc là tại Việt Nam, siêu thị điện máy cũng như trung tâm thương mại ngoài chức năng mua sắm còn là nơi giải trí của gia đình gồm phụ nữ, trẻ em, người già... nên chiêu này bị phản ứng dữ là dễ hiểu. Ông Ngọc chỉ ra một giải pháp khác hay hơn và đã được một số siêu thị khác áp dụng thành công. Đó là chiêu chụp hình bikini + lộ hình đúng lúc, đúng chỗ.
Văn hóa Việt Nam thực ra rất... thoáng?
Theo ông Ngọc, tiếp thị dùng bikini hay trang phục "thông thoáng" là khá phù hợp với đối tượng người mua là đàn ông trưởng thành. Bên cạnh đó, thông lệ quốc tế thường dùng cách tiếp thị này nên nhiều người sẽ không thấy phản cảm.
"Nếu xem rộng ra có thể thấy như tôi biết và tôi có tham khảo thêm một số đồng nghiệp đi nhiều biết rộng thì cũng chưa thấy nước nào đưa việc cấm dùng bikini hay các hình thức tương tự vào quảng cáo cả", ông Ngọc khẳng định.
Ông phân tích, tại Anh quốc hoặc một số nước khác, họ không cấm quảng cáo gợi cảm và dùng bikini. Tuy nhiên, các nước này quy định chặt chẽ việc này nếu dính đến tôn giáo và sắc tộc. Luật cũng điều chỉnh về khung giờ phát sao cho phù hợp.
"Có một thực tế tôi nhận thấy là các công ty nước ngoài, nhất là các tập đoàn lớn sở hữu các thương hiệu danh tiếng thường cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng trước khi đưa ra một lựa chọn cho chiến dịch quảng cáo của mình. Trong nghề, chúng tôi thấy nhiều khi luật lệ nội bộ của chính tập đoàn đó còn chặt chẽ và khắc nghiệt hơn cả luật pháp của đất nước nơi họ kinh doanh.
Ở nhiều nước, các doanh nghiệp đôi khi còn chịu ràng buộc bởi các hiệp hội hoặc bị chi phối bởi các luật khác như việc sử dụng không gian công cộng, phạt về các hình thức quấy rối tình dục nơi công cộng... Họ có thể quy ước rõ hở đến đâu, cụ thể các bộ phận nào ở không gian nào thì sẽ bị coi là quấy rối và phạt tiền hay phạt tù".
Ông Ngọc cho rằng chuẩn mực thuần phong mỹ tục là một giá trị rất khó định lượng. Cụ thể, từ hàng nghìn năm trước hình ảnh các đôi nam nữ "trần trụi" đã xuất hiện trên các tác phẩm điêu khắc trên thạp đồng như thế này. Ảnh: Phapluatso
Tuy nhiên, luật pháp của Việt Nam hiện nay có một số khái niệm quá rộng và không rõ như kiểu "vi phạm thuần phong mỹ tục" thì hơi khó để phạt mà người ta tâm phục khẩu phục. "Như thế rất nhiều người sẽ phải thắc mắc thế nào là thuần phong mỹ tục? Nên nhớ là trên thạp đồng Đào Thịnh còn bày trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có 4 cặp quai là 4 đôi nam nữ đang "hành sự", trên một số đình làng Bắc Bộ có cảnh bán nude và lả lơi, trong ca dao, tục ngữ, tranh dân gian... đều có các hình ảnh nhạy cảm khá phổ biến", ông Ngọc chia sẻ.