Tấm băng rôn in hình ảnh, tên tuổi cụ thể người được cho là xả rác bừa bãi. Ảnh Facebook trên báo Người lao động
Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một tấm băng rôn căng trên tường, có ảnh, tên tuổi của một phụ nữ lớn tuổi và một nữ sinh bị cho là đã lén vứt rác bừa bãi.
Chỉ sau một thời gian ngắn được đăng tải, hình ảnh trên đã thu hút hàng ngàn lượt bình luận và chia sẻ.
Ngày 20/6, ông Phạm Tân, Chủ tịch UBND phường Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) xác nhận với báo Người lao động, sự việc trên xảy ra tại đường Săm Brăm, phường Ea Tam.
Anh Bùi Quang Bình - một người dân phường này thừa nhận trên báo Đất Việt đã làm ra tấm băng rôn nói trên.
Anh Bình cho hay, dù đã dùng rất nhiều biện pháp nhưng tình trạng xả rác bừa bãi tại nơi anh sinh sống vẫn diễn ra. Vì vậy, khi có hình ảnh, bằng chứng, anh quyết in làm băng rôn.
Theo người này, mục đích của anh chỉ đơn thuần là nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường chứ không muốn bôi xấu, hạ thấp danh dự của mọi người. Anh Bình khẳng định không đăng tải hình ảnh nói trên lên mạng xã hội.
"Ban đầu tôi sợ bị phản đối, nhưng nhận được rất nhiều sự ủng hộ, đồng tình của người dân, cộng đồng khu phố...
Chúng tôi không muốn lan truyền rộng trên mạng xã hội, cũng không muốn chia sẻ rộng rãi mà chỉ là phạm vi cộng đồng dân cư, bán kính 200m", tác giả của tấm băng rôn nói.
Cũng theo anh này, ngay khi băng rôn được treo lên một ngày, những người bị bêu tên đã đến tháo xuống.
Ông Phạm Tân, Chủ tịch UBND phường Ea Tam nhận định trên báo Người lao động, hành động của anh Bình là chưa phù hợp.
Theo Chủ tịch UBND phường Ea Tam, thay vì dán băng rôn bêu tên người xả rác, người dân có thể trao đổi, tổ chức họp góp ý công khai để tìm cách giải quyết.
Tuy nhiên, anh Bình nói với báo Đất Việt, anh đã nhiều lần lên công an phường báo cáo về việc này, nhưng không được quan tâm. Thậm chí, khi anh cung cấp hình ảnh chứng minh đối tượng nào đã xả rác chính quyền địa phương vẫn không xử lý.
Trên báo Lao động, luật sư Tạ Quang Tòng – Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk cho hay, theo quy định, trong các trường hợp sử dụng hình ảnh công dân phải được người đó đồng ý.
Nếu sử dụng hình ảnh mà không được người trong cuộc đồng ý thì đó là hành vi xâm phạm đời tư, sử dụng hình ảnh cá nhân không đúng quy định pháp luật.
Theo ông Tòng, nếu chính quyền địa phương, hội đồng nhân dân ra nghị quyết hoặc có chủ trương tuyên truyền làm sạch vệ sinh môi trường… thì việc công khai danh tính, hình ảnh cũng phải được địa phương thực hiện chứ không phải là một cá nhân nào.
Tổng hợp