Người trẻ trên hành trình trồng cây bảo vệ đất và người

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 19:30 25/02/2021

Tôi từng nghĩ, trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam trong vòng 5 năm theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ là điều bất khả thi. Nhưng nhờ chuyến đi Tết An Bình 2021 tại Quảng Nam hồi tháng 1, tôi đã thay đổi suy nghĩ…

Người trẻ trên hành trình trồng cây bảo vệ đất và người - Ảnh 1.

Chuyến xe chở Tết An Bình đến với vùng đất Quảng Nam

Đến với vùng đất rừng bị thiên tai tàn phá

Cùng với đoàn tình nguyện của chương trình Tết An Bình 2021: "Xanh An Bình - Xanh Việt Nam", tôi đến với huyện miền núi nghèo Tây Giang - Quảng Nam với 95% dân số là đồng bào Cơ Tu. Là nơi chịu thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 5 vào tháng 9/2020, các công trình hạ tầng tại đây gần như bị quét sạch, đường sá sạt lở, hàng ngàn hộ dân mất nhà. Trong đó, nhiều xã bị cô lập hoàn toàn, mất điện, thiếu nước sạch sinh hoạt…

Chuyến đi này nhằm trao tặng cây giống cho bà con huyện Tây Giang để tái thiết những mảng rừng mới, cải tạo đất, chống xói mòn, sạt lở. Đồng thời, trao quà Tết cho các gia đình khó khăn tại 3 xã A Vương, Lăng và Ch’Ơm.

Người trẻ trên hành trình trồng cây bảo vệ đất và người - Ảnh 2.

Đường đi đến Ch’Ơm và A Vương chỉ toàn là bùn đất, nhiều chỗ sạt, lún…

Quãng đường di chuyển đến các xã rất khó khăn và mất nhiều thời gian do đường trơn trượt, đứt gãy, sạt lở nghiêm trọng sau cơn bão lũ. Có những thôn chỉ có thể tiếp cận bằng xe máy của người dân. Đoàn đến thăm gia đình chị Trần Thị Arin (thôn Aréc, xã A Vương) tại một căn nhà tạm chỉ vỏn vẹn vài mét vuông. Hỏi chuyện, chị cười vô tư bảo Tết cũng chẳng khác gì ngày thường, chỉ ăn cơm sắn, không có gì hết. Rồi nhắc tới hoàn cảnh gia đình sau cơn bão, chị rơi nước mắt: "Gia đình em làm rẫy, chồng tàn tật, con nhỏ năm nay mới vào lớp 1. Vậy mà đợt lũ vừa rồi bị mất nhà, phải xin ở nhờ các nhà trong thôn…".

Bên bếp lửa bập bùng, nhìn những giọt nước mắt của chị khiến chúng tôi trăn trở, chỉ mong chút tình cảm mà mình đem tới sẽ phần nào khiến Tết năm nay của chị "khác" hơn mọi năm…

Người trẻ trên hành trình trồng cây bảo vệ đất và người - Ảnh 3.

Chị Arin rơi nước mắt khi nhắc tới hoàn cảnh nhà mình bị ảnh hưởng bởi bão lũ

Những mầm cây mang hi vọng bình yên

Chuyến đi lần này, chúng tôi mang tới huyện Tây Giang 11.200 cây giống, gồm 7.700 cây keo tai tượng, 3.300 cây lim xanh và 200 cây quế. Đây là những loại cây có giá trị cao trong công tác phòng hộ rừng, chống xói mòn, sạt lở đất; ngoài ra cây quế còn mang lại giá trị kinh tế cao. Số cây này được bàn giao cho 10 hộ dân khó khăn bị ảnh hưởng sau thiên tai, nhưng có đủ năng lực trồng, quản lý, chăm sóc và diện tích đất trồng cây.

Người trẻ trên hành trình trồng cây bảo vệ đất và người - Ảnh 4.

Đoàn mang cây đến bàn giao cho bà con huyện Tây Giang

"Cơn bão số 5 đã cuốn trôi hết trâu bò nhà tôi, keo cũng gãy hết, nhà tôi bị thiệt hại nặng lắm. Vốn để gây dựng lại và trang trải cuộc sống cũng không có. Bây giờ chỉ biết đi vay thôi chứ không biết làm thế nào…" - Anh Pơ Loong Thái Ngọc (xã Lăng, huyện Tây Giang) chia sẻ. Gia đình anh trước đây có rừng trồng keo, nhưng sau cơn bão chỉ còn là bãi đất. Nhà ở cũng bị cuốn trôi, phải dựng căn lều ở tạm, không đủ kín để ngăn gió đông lùa vào.

Trực tiếp đến những căn nhà tạm đó, mới thấy sự tàn khốc của thiên tai với cuộc sống của người dân nơi đây. Cứ ngỡ, những người trải qua mất mát, đau thương thường mang vẻ sầu bi, lam lũ trên gương mặt. Nhưng ở đây, mọi người đều rất tích cực và lạc quan. Người Tây Giang cởi mở với người lạ, thích trò chuyện và vô tư biểu lộ niềm vui. Các chị, các cô ở xã Lăng phấn khởi nhận cây trồng và cặn kẽ hỏi các chuyên gia theo đoàn về cách chăm sóc, rồi cùng chúng tôi trồng cây. Họ tự tin, giống cây tốt, thổ nhưỡng phù hợp, lại trồng đúng vào mùa mưa ẩm, nên sẽ lớn rất nhanh. Cả đoàn trồng cây mà tiếng cười nói ríu rít. Ai cũng phấn chấn, cảm nhận đúng là Tết đang về!

Người trẻ trên hành trình trồng cây bảo vệ đất và người - Ảnh 5.

Anh Ngọc cũng như bà con ở đây nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi cách trồng cây sao cho đúng

Tiếng cười giòn tan, tiếng nói khúc khích bên tai khiến tôi cảm thấy: Thì ra những mầm cây nhỏ cũng có thể mang đến nhiều niềm vui như vậy - với người được nhận, với người đi trao, và với tất cả mọi người khi nghĩ về những cánh rừng xanh mai này…

Tạm biệt Tây Giang trong tiếng cười và lời chào của người dân, tôi nhận ra, đi trồng cây không phải chỉ là lao động tay chân, mà còn giúp ta có thêm nhiều trải nghiệm, vì "Sẻ chia là nhân lên niềm hạnh phúc".

Người trẻ trên hành trình trồng cây bảo vệ đất và người - Ảnh 6.

Mỗi mầm cây sẽ là một hy vọng cho tương lai an bình

Trở lại câu hỏi liệu có thể trồng 1 tỷ cây xanh trong vòng 5 năm - Tại sao không? Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cùng chung tay thì chúng ta thực sự sẽ làm được. Việt Nam - một màu xanh an bình!

Cùng theo dõi hành trình Tết An Bình 2021: "Xanh An Bình - Xanh Việt Nam" tại đây: 

Đồng hành cùng "Tết An Bình 2021: Xanh An Bình - Xanh Việt Nam"

Tết An Bình 2021: "Xanh An Bình - Xanh Việt Nam" là dự án thiện nguyện được Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) phối hợp cùng Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào tháng 1/2021.

Được phát động từ năm 2010, Tết An Bình được ABBANK tổ chức thường niên với mục đích mang Tết cho đồng bào khó khăn khắp cả nước. Năm 2021, trước những thiệt hại mà thiên tai đã gây ra trong năm 2020, ABBANK đồng hành cùng dự án trồng cây phòng hộ, mong muốn chung tay mang lại một tương lai bình an cho người dân, kết nối xã hội, nâng cao ý thức bảo vệ rừng và cuộc sống của con người.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày