Từ ít nhất là 6.000 năm trước, những người Sherpa đã sinh sống ở khu vực cao nguyên của dãy Himalaya, ở độ cao gần 4.500 m so với mực nước biển. Ngày nay, họ nổi tiếng là một trong những nhóm người leo núi giỏi nhất hành tinh, và giữ nhiều kỷ lục về leo núi. Người Sherpa cũng là những người buộc dây an toàn trên các tuyến đường leo núi, và hướng dẫn những người phương Tây muốn leo lên đỉnh Everest.
Nhưng đó là câu chuyện của hiện tại. Trước những năm 1920, người Sherpa kiếm sống bằng nghề nông trên vùng núi cao, họ chăn thả gia súc và kéo sợi len. Những người Sherpa đã đi ngang qua các đỉnh của dãy Himalaya nhưng không leo lên chúng, vì họ tin rằng chúng là nhà của các vị thần.
Khi người Anh bắt đầu lên kế hoạch cho những chuyến thám hiểm, leo núi đến dãy Himalaya, họ đã thuê những người Sherpa làm khuân vác. Kể từ đó, leo núi trở thành một phần quan trọng của văn hóa của người Sherpa. Do sự sẵn lòng hướng dẫn những người leo núi phương Tây, và khả năng leo lên những đỉnh núi cao nhất, sự giúp đỡ của những người Sherpa đã đóng góp rất nhiều vào các nỗ lực thám hiểm dãy Himalaya.
Nhiều người Sherpa được thuê làm dịch vụ khuân vác hành lý cho những người leo núi lên đỉnh Everest. Mặc dù phải chấp nhận leo núi như một nghề kiếm sống, nhưng người Sherpa không cố mở rộng quy mô các ngọn núi có thể leo lên, với đức tin đó là "Nhà của Thần linh" mà họ rất tôn trọng.
Thành tựu đầu tiên được ghi nhận vào năm 1953 khi một người leo núi đến từ New Zealand, Edmund Hillary, và một trong những người Sherpa nổi tiếng nhất, Tenzing Norgay, đã trở thành những người đầu tiên leo lên độ cao 29.028 foot (8.848 mét) của đỉnh Everest vào ngày 29 tháng 5 cùng năm.
Sau nỗ lực thành công của Hillary và Norgay, các nhà leo núi nước ngoài đã đổ xô đến quê hương của người Sherpa, với mục đích lặp lại thành tích leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới. Khi mối quan tâm đến việc leo núi tăng dần trong những năm sau đó, số lượng hướng dẫn viên người Sherpa được thuê cũng theo đó mà tăng thêm.
Tenzing Norgay (phải) và Edmund Hillary (trái) sau khi hoàn thành lần đầu tiên leo lên đỉnh Everest vào ngày 29 tháng 5 năm 1953.
Mặc dù ngành công nghiệp leo núi đã đưa họ trở thành một trong những dân tộc giàu có nhất ở Nepal, tuy nhiên, những thành tích leo núi của họ thường ít được cộng đồng leo núi và giới truyền thông phương Tây thừa nhận.
Bên cạnh Tenzing Norgay, những người Sherpa nổi tiếng khác bao gồm hướng dẫn viên leo núi Kami Rita Sherpa, người giữ kỷ lục thế giới về số lần leo lên đỉnh Everest thành công, với 25 lần; Pasang Lhamu Sherpa, người phụ nữ Nepal đầu tiên lên đến đỉnh Everest, truyền cảm hứng cho một thế hệ phụ nữ ở Nepal; Pasang Lhamu Sherpa Akita, Maya Sherpa, và Dawa Yangzum Sherpa, người đã trở thành những phụ nữ Nepal đầu tiên leo lên K2, ngọn núi nguy hiểm nhất thế giới...
Những người leo núi Sherpa (từ trái qua phải) Umesh Shrestha, Nurbu Sherpa, Mangale Sherestha, Rinjee Sherpa, Pasang Gombu Sherpa, trên đường leo Baruntse.
Từ lâu, các nhà khoa học đã quan tâm đến việc làm thế nào mà những người Sherpa có thể đối phó với khí quyển ở độ cao lớn, nơi lượng oxy khan hiếm hơn nhiều so với mức bình thường. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng có sự khác biệt giữa người Sherpa và người miền xuôi.
Khi chúng ta leo núi, hormone erythropoietin (EPO) thúc đẩy quá trình sản xuất thêm hồng cầu, sau đó hồng cầu chở nhiều oxy tới cho các cơ. Nhưng các tế bào sinh ra thêm cũng làm máu đặc hơn, tạo thêm áp lực lên trái tim để bơm máu, và có thể gây ra hội chứng say độ cao. Còn người Sherpa thì khác, cơ thể họ cũng tăng số lượng tế bào hồng cầu khi ở trên cao, nhưng không nhiều như ở người đến từ miền xuôi.
Để tìm cụ thể khả năng leo núi siêu phàm của những người Sherpa, trong khuôn khổ dự án Xtreme Everest, một nhóm các nhà nghiên cứu (chủ yếu là các nhà nghiên cứu châu Âu) đã theo dõi một nhóm 15 người Sherpa khi họ đi lên Everest Base Camp, và so sánh phản ứng của họ đối với độ cao.
Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu từ máu và sinh thiết cơ của những "người miền xuôi"; đầu tiên là ở London, sau đó một lần nữa khi đến Base Camp, và lần cuối cùng sau hai tháng sau khi đến Base Camp. Các mẫu này sau đó được so sánh với các mẫu của người Sherpa. Điều quan trọng cần lưu ý là những người Sherpa tham gia nghiên cứu không phải là những nhà leo núi chuyên nghiệp và sống ở các khu vực thấp hơn của dãy Himalaya. Các phép đo cơ bản của họ được thực hiện tại thủ đô Kathmandu của Nepal.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, cho thấy ngay cả ở các phép đo ban đầu, cơ thể của người Sherpa sản xuất ATP, phân tử mang năng lượng, có chức năng vận chuyển năng lượng đến các nơi cần thiết để tế bào sử dụng cho cơ thể. Họ cũng đã tìm thấy mức độ oxy hóa chất béo thấp hơn ở người Sherpa, có nghĩa là các mô của họ có thể sử dụng oxy tốt hơn nhiều và tạo ra năng lượng hiệu quả hơn so với những người bình thường.
Khả năng leo núi kỳ diệu của người Sherpa, theo suy đoán của giới chuyên môn, có thể một phần nhờ kết quả của sự thích nghi di truyền với cuộc sống ở độ cao lớn, không khí rất loãng. Trong đó bao gồm cả khả năng liên kết hemoglobin duy nhất và sản sinh gấp đôi nitric oxide.
Điều thú vị là nồng độ phosphocreatine ở người miền xuôi đã giảm sau 2 tháng, trong khi mức độ của người Sherpa trên thực tế lại tăng lên. Những phát hiện này cho thấy những người Sherpa được sinh ra với một đột biến gen thuận lợi hơn đã mang lại cho họ một khả năng trao đổi chất độc đáo để có thể leo lên những vùng núi cao và khắc nghiệt.