Người phụ nữ khâu vá "kỷ niệm" cuối cùng ở Hà Nội đón Tết lặng lẽ bên những đường kim mũi chỉ

Quý Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 15:47 18/02/2018

Bên khung cửa nhỏ trong ngõ Thanh Miến yên tĩnh, người phụ nữ lớn tuổi đang tỉ mẩn đưa mắt theo từng đường kim mũi chỉ. Có lẽ ở cái đất Hà Thành này, còn mỗi bà Hồng vẫn miệt mài vá những chiếc áo rách, vá luôn cả những kỷ niệm mà người đời trân quý và khát khao giữ lại.

Người phụ nữ khâu vá kỷ niệm cuối cùng ở Hà Nội đón Tết lặng lẽ bên những đường kim mũi chỉ - Ảnh 1.

Tại căn nhà 2B trong con ngõ nhỏ Thanh Miến (quận Ba Đình, Hà Nội) có cái biển quảng cáo nhỏ: "Hồng - nghề gia truyền". Đó là bà Nguyễn Thị Hồng, năm nay đã 66 tuổi nhưng có lẽ chưa ngày nào bà rời cái bậu cửa quen thuộc đã gắn bó hàng năm trời kia. Bà Hồng ngồi đó, đợi lượt khách này rồi lượt khách khác. Họ cứ tới mang theo những món đồ bị rách, còn nhiệm vụ của bà là khâu vá lại những "khoảng trống" đó.

Người phụ nữ khâu vá kỷ niệm cuối cùng ở Hà Nội đón Tết lặng lẽ bên những đường kim mũi chỉ - Ảnh 2.

Ở cái thời buổi nam thanh nữ tú quần áo sang trọng, hàng hiệu ngập tràn, chẳng ai nghĩ cái cửa hiệu khâu vá bé xí 16 m2 của bà Hồng lại tấp nập đến thế. Năm hết Tết đến, nhà bà Hồng vẫn chất đầy nào quần, nào áo mà khách mang đến gửi. 30 tháng Chạp, bà vẫn an nhiên ngồi bên bàn khâu, căn nhà cũng không cần dọn dẹp gì nhiều, còn đào với quất thì chẳng cần thiết lắm. Bởi theo bà Hồng, cái nhà thì bé mà chơi hoa được dăm ba ngày rồi vứt đi thì phí. Thành thử, Tết với đôi vợ chồng già cứ càng đơn giản lại càng hay!

Người phụ nữ khâu vá kỷ niệm cuối cùng ở Hà Nội đón Tết lặng lẽ bên những đường kim mũi chỉ - Ảnh 3.

Bà Hồng là con gái Hà Nội gốc. Mà đã có trong mình chút gốc gác của con người Tràng An xưa thì từ nhỏ đã được dạy dỗ "bài bản", thạo may vá, thêu thùa là lẽ đương nhiên. Về nhà chồng được mẹ chồng là cụ bà Tạ Huê Diệp truyền lại nghề, bà Hồng cầm kim từ lúc đó tới bây giờ cũng đã được 40 năm rồi.

Người phụ nữ khâu vá kỷ niệm cuối cùng ở Hà Nội đón Tết lặng lẽ bên những đường kim mũi chỉ - Ảnh 4.

Tuổi cũng đã cao, mắt kém không còn tinh anh như trước nữa nhưng đôi tay của bà Hồng vẫn thoăn thoắt, nhanh nhẹn đi theo từng mũi chỉ. Cả đời người ngày ngày cặm cụi với cây kim, sợi chỉ, nhiều ngón tay đã chai sạn in hằn vệt khâu vá. Nhưng suy cho cùng, bà Hồng vẫn nặng lòng với cái nghề muôn năm cũ này lắm.

Người phụ nữ khâu vá kỷ niệm cuối cùng ở Hà Nội đón Tết lặng lẽ bên những đường kim mũi chỉ - Ảnh 5.

Bà Hồng kể, đồ làm nghề này không quá cầu kỳ. Chỉ một hộp kim đủ kích cỡ, chỉ và kim đan len là đủ để mở một cửa hiệu hay một gánh hàng rong bé xinh. Điều cốt yếu mà cũng là quan trọng nhất, chính là đôi bàn tay và đôi mắt của người khâu vá để khi đưa chỉ phải thật đều mới không lộ rõ lúc nhìn ngoài sáng. Như một phép màu, tấm áo mới sửa lại trông như "mới", như chẳng hề có một sự hỏng hóc nào trước đó.

Người phụ nữ khâu vá kỷ niệm cuối cùng ở Hà Nội đón Tết lặng lẽ bên những đường kim mũi chỉ - Ảnh 6.

Chiếc ghế cũ sờn bà Hồng ngồi dán chằng chịt đơn sửa đồ của khách hàng. Đến cái cách ghi chép lên đó thôi cũng đủ thấy niềm hoài niệm xưa cũ. Cứ đơn nào xong, bà lại ghi chữ "rồi" màu đỏ để biết rằng, một món đồ đã được trả về với chủ của nó.

Người phụ nữ khâu vá kỷ niệm cuối cùng ở Hà Nội đón Tết lặng lẽ bên những đường kim mũi chỉ - Ảnh 7.

Ngày Tết, bà Hồng vẫn nhận khách như ngày thường. Trung bình 1-2 ngày bà có thể sửa xong quần áo và gửi trả cho "chủ nhân" của nó. Công việc này không chỉ để kiếm tiền mà còn đem lại niềm vui cho bà Hồng khi khách hàng mang tới một món quà, kỷ vật không nỡ rời xa nhờ bà sửa lại dù có thể dễ dàng mua được. Bởi thế, nhiều người gọi bà là "người khâu vá kỷ niệm".

Người phụ nữ khâu vá kỷ niệm cuối cùng ở Hà Nội đón Tết lặng lẽ bên những đường kim mũi chỉ - Ảnh 8.

Vẫn là ngày 30 Tết, vẫn bà Hồng ngồi khâu khâu vá vá bên cô em gái nhà chồng - bà Thu (60 tuổi). Mọi thứ như lắng đọng của một chiều cuối năm, hai người phụ nữ đưa tay thoăn thoắt kịp trả hàng cho khách đón Tết. Dù đôi khi tiền vá có khi còn cao hơn cả tiền mua quần áo mới, nhưng lạ thay nhiều người vẫn thích xài hàng sửa lại hơn, chắc là bởi giá trị và kỷ niệm mà họ trân quý và khát khao giữ lại.

Người phụ nữ khâu vá kỷ niệm cuối cùng ở Hà Nội đón Tết lặng lẽ bên những đường kim mũi chỉ - Ảnh 9.

Mùng 1 Tết, bà Hồng ở nhà làm cơm cúng, chiều lại về nhà ngoại thắp hương tổ tiên. Sang tới mùng 2, mùng 3 bà chỉ ở nhà nghỉ ngơi. Trước đây những buổi sáng đầu năm, 2 vợ chồng còn cùng nhau đi bát phố đón xuân nhưng nay sức khỏe yếu rồi, bà thích mọi thứ cứ đơn giản như thường ngày thôi.

Người phụ nữ khâu vá kỷ niệm cuối cùng ở Hà Nội đón Tết lặng lẽ bên những đường kim mũi chỉ - Ảnh 10.

"Ngày nào cũng cặm cụi mà làm không hết việc, chỉ cần một ngày không cầm đến cây kim, sợi chỉ là tôi đã thấy nhớ. Mình chuyên tâm với nghề thì nghề không phụ mình", bà Hồng tâm sự.

Người phụ nữ khâu vá kỷ niệm cuối cùng ở Hà Nội đón Tết lặng lẽ bên những đường kim mũi chỉ - Ảnh 11.

Giữa phố phường đông đúc, hối hả, người phụ nữ Hà Thành ấy đã dành cả đời cho những đường kim mũi chỉ, như muốn lưu giữ nét văn hóa Hà Nội xưa.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày