Chị Lý Mạn, 40 tuổi, làm nhân sự cấp trung tại một công ty công nghệ ở Quảng Châu. Dịp sinh nhật năm nay, chị muốn tự thưởng cho mình điều gì đó thật ý nghĩa và giá trị. Sau nhiều năm tích lũy, chị quyết định “mạnh tay” đầu tư gần 115.000 nhân dân tệ (~400 triệu đồng) để mua một bộ trang sức vàng 24K gồm: dây chuyền, vòng tay, nhẫn và bông tai, tất cả đều được thiết kế riêng và khắc tên chị.
Đúng ngày vía Thần Tài, chị ghé vào một cửa hàng vàng lớn nằm trên đường Hoa Nam – chi nhánh thuộc hệ thống thương hiệu trang sức nổi tiếng khắp Trung Quốc. Tại đây, chị được giới thiệu một chương trình khuyến mãi đặc biệt áp dụng riêng trong ngày: “Giảm thêm 10% cho khách mua trọn bộ trang sức.”
Bộ trang sức chị chọn có tổng trọng lượng khoảng 120g vàng, và được niêm yết với giá sau giảm chỉ 115.000 NDT (~400 triệu đồng) – một mức giá khiến chị cực kỳ bất ngờ vì rẻ hơn dự tính ban đầu hơn 100 triệu đồng.
Ảnh minh họa
Sau khi xác nhận kỹ lưỡng thông tin từ nhân viên bán hàng, chị Lý thanh toán đủ tiền, lấy hoá đơn và được hẹn quay lại lấy hàng sau vài tiếng – do cửa hàng cần thời gian hoàn thiện khắc tên và đóng gói.
Thế nhưng, khi vừa đi khỏi cửa chưa đầy 20 phút, chị nhận được cuộc gọi từ quản lý cửa hàng: “Xin lỗi chị Lý, phiền chị quay lại tiệm gấp để giải quyết một vấn đề về đơn hàng vừa rồi ạ.”
Quay lại cửa tiệm, chị bàng hoàng khi được thông báo: toàn bộ hệ thống định giá của cửa hàng đã gặp lỗi, và giá bộ trang sức của chị thực chất là 290.000 NDT (~1 tỷ đồng), chứ không phải 115.000 NDT như đã thanh toán.
Quản lý đề nghị chị hủy giao dịch và hoàn lại tiền, đồng thời xin lỗi vì sự cố kỹ thuật. Tuy nhiên, chị Lý kiên quyết phản đối: “Tôi không làm gì sai cả. Tôi mua đúng giá niêm yết, có hóa đơn, có nhân viên xác nhận rõ ràng. Đây là quyền lợi hợp pháp của tôi.”
Hai bên giằng co, cửa hàng thậm chí đề nghị “bồi thường tinh thần” thêm 1.000 NDT (~3,5 triệu đồng) nếu chị chịu hủy đơn. Nhưng chị Lý vẫn giữ vững lập trường.
Tranh chấp
Chỉ 3 ngày sau, chị Lý nhận được lệnh triệu tập từ Tòa án Nhân dân Quận Hải Châu – nơi cửa hàng đăng ký hoạt động. Cửa hàng chính thức kiện chị ra tòa với lý do giao dịch xảy ra do “nhầm lẫn nghiêm trọng trong định giá” và yêu cầu huỷ hợp đồng mua bán.
Tại phiên tòa, đại diện cửa hàng cho biết: Do sự cố kỹ thuật tại hệ thống chi nhánh, giá bộ trang sức bị ghi thấp hơn gấp ba lần so với mức chuẩn toàn hệ thống. Việc chị Lý kịp mua đúng lúc giá sai được hệ thống cập nhật là sự “nhầm lẫn không thể chấp nhận” và không thể xem là giao dịch hợp pháp.
Luật sư của chị Lý thì lập luận rằng: Chị đã hành động hoàn toàn hợp lý và thiện chí, không gian lận, không lợi dụng. Giá niêm yết công khai là cơ sở pháp lý rõ ràng trong luật thương mại. Lỗi thuộc về bên bán, không thể đẩy trách nhiệm sang người mua.
Ảnh minh họa
Sau khi xem xét vụ việc và viện dẫn Điều 147 Bộ luật Dân sự Trung Quốc – quy định rằng giao dịch có thể bị huỷ nếu được thực hiện trong tình trạng “nhầm lẫn nghiêm trọng”, Tòa tuyên: Hủy giao dịch mua bộ trang sức giữa chị Lý và cửa hàng. Tuy nhiên, cửa hàng phải hoàn trả toàn bộ tiền cho chị Lý, đồng thời bồi thường 1.500 NDT (~5,2 triệu đồng) vì làm mất thời gian và gây tổn hại tinh thần. Tòa cũng nhận định: Chị Lý không phải chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào.
Mặc dù thắng kiện, thương hiệu vàng lại nhận về một làn sóng chỉ trích dữ dội từ cộng đồng mạng. Trên mạng xã hội, hàng nghìn người dùng cho rằng việc niêm yết giá sai và quay sang kiện khách là hành vi không có đạo đức kinh doanh.
Một tài khoản bình luận: “Khách hàng không có quyền truy cập hệ thống giá nội bộ. Nếu giá treo là 115.000, người ta mua đúng vậy thì đừng bắt họ gánh hậu quả vì lỗi nội bộ.”
Theo Toutiao