Đàn bồ câu ở nhà thờ Đức Bà vốn chẳng xa lạ gì với người Sài Gòn. Hơn chục năm trước khi dịch cúm gia cầm bùng nổ trên toàn quốc, những chú bồ câu bắt đầu tập trung ở khu vực này để sinh sống. Chú Điệp và anh Cường là hai người đầu tiên tự bỏ tiền túi mua thóc cho đàn bồ câu ăn mỗi sáng.
Dần dần đàn bồ câu mỗi ngày một đông hơn. Mấy năm trước chú Điệp qua đời, anh Cường và chị Thanh là những người tiếp tục công việc chăm sóc cho đàn bồ câu. Dạo gần đây người ta bỗng giật mình khi nhìn thấy trong đàn bồ câu thân thuộc xuất hiện những chú chim có bộ lông sặc sỡ như tắc kè hoa. Nhiều người tỏ ra thích thú với ý tưởng mới lạ, nhưng cũng không ít người phản đối việc nhuộm lông cho những chú bồ câu.
Chia sẻ của người chăm sóc và nhuộm màu chim bồ câu - Thực hiện: Quỳnh Trân.
Những chú chim bồ câu rực rỡ màu sắc lạ mắt ở Sài Gòn.
Những chú bồ câu màu xanh ngọc, xanh lá trong đàn bồ câu có màu nguyên thủy.
Có cả một chú chim được sơn màu vàng chóe, lạc loài giữa đàn bồ câu đen trắng...
Chưa bao giờ nghĩ nhuộm lông cho bồ câu là hại chúng
"Việc nhuộm màu cho bồ câu không phải mới đây, hồi trước Tết anh Cường đã nhuộm cho một vài con. Anh Cường nói là có người cho màu nên anh sơn lên bồ câu nhìn cho đẹp mắt, chứ cũng không có ý gì" - chị Thanh chia sẻ.
Chị Thanh là một trong những người trực tiếp chăm sóc cho đàn bồ câu.
Là những người dành rất nhiều tình cảm và thời gian để chăm sóc đàn bồ câu từ những ngày đầu, có lẽ ít nhiều anh chị cũng hiểu phần nào tập tính của loài bồ câu, chúng khá sợ những màu sắc sặc sỡ. Chị Thanh kể: "Loài này sợ màu sắc lạ lắm, mới đầu mình sơn màu, mấy con trong đàn cũng sợ. Giống như đó giờ nó không thấy con nào trong đàn có bộ lông nhiều màu như vậy. Như mình đây mình còn thấy lạ mà. Nhưng chừng 1 ngày là tụi nó quen, tập dần vậy sau này thấy màu sắc lạ bồ câu không còn sợ nữa".
Thời gian đầu đàn bồ câu khá sợ khi thấy những chú chim mang màu sắc lạ xuất hiện trong đàn.
Ban đầu chỉ sơn màu cho vài con cho sinh động, về sau thấy nhiều du khách thích thú nên anh Cường tiếp tục sơn thêm cho vài chục con. "Chuyện nhuộm màu cũng không hề dễ đâu, Mình thân quen với nó nên mới giữ nó lại được, biết cách giữ cho nó nằm im để sơn. Mà màu này là màu thực phẩm, mình chỉ sơn phớt phớt ở bên ngoài lông chớ không đụng đến da thịt nên cũng không độc hại gì với bồ câu" - chị Thanh chia sẻ.
Chị Thanh cho biết màu chỉ được sơn phía ngoài lông không ảnh hưởng gì đến bồ câu. Ngoài ra khi chim bị bệnh hay có dấu hiệu bệnh thì đều được anh chị chữa trị tận tình.
Theo chị Thanh thì màu sắc trên lông sẽ phai dần theo thời gian, và không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của chúng. Nhiều người tỏ ý không đồng tình với công việc này, cho rằng chị Thanh đang lợi dụng đàn bồ câu để kinh doanh thu lợi. Chị cười: "Chị chăm sóc đàn bồ câu này hơn chục năm nay rồi, đâu phải mới hôm qua. Những ngày đầu đem thóc, đậu ra đây cho tụi nó ăn cũng bị nhiều người chửi là rảnh nhà nghèo mà bày trò. Rồi chị cũng nuôi tụi nó đến bây giờ. Sau này khi đàn bồ câu mỗi ngày một đông lên, tới mấy trăm con, lượng thức ăn tăng lên nên chị mới bán thức ăn cho du khách. Mình làm bằng tất cả cái tâm của mình, chỉ mong để lại phúc đức cho con, chứ có vụ lợi gì với mấy con chim".
Người dân Sài Gòn từ lâu nay đã rất thích thú với việc chơi cùng đàn bồ câu ở Nhà thờ.
Nên cân nhắc về việc nhuộm màu cho bồ câu
Theo khảo sát một số du khách tại khu vực nhà thờ Đức Bà thì đa số mọi người, đặc biệt là trẻ em khá thích thú với những chú chim nhiều màu sắc. Chị Thu chia sẻ: "Dạo gần đây hai con của tôi được nghỉ hè nên tôi thường dẫn các bé ra đây để vui chơi. Đàn chim ở đây rất thú vị, hai con của tôi rất thích những chú bồ câu màu sắc vì trông chúng khá đẹp mắt".
Trẻ em khá thích những chú chim màu sắc.
Tuy nhiên không ít người phản đối với việc nhuộm màu cho bồ câu. Bà Phi Oanh (80 tuổi, cán bộ hưu trí) chia sẻ: "Với bản thân tôi thì tôi không ủng hộ việc sơn phết màu lên lông của bồ câu. Thứ nhất là việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của bồ câu, sơn dù gì cũng là hoá chất mà chim thì thường có thói quen rỉa lông, như vậy chúng sẽ vô tình nuốt phải những hoá chất dính trên lông".
Bà Phi Oanh không ủng hộ việc nhuộm màu cho chim bồ câu.
"Thứ hai là về tính thẩm mỹ, màu sắc nguyên thuỷ của bồ câu vốn đã đẹp rồi, việc chúng ta tự ý tô vẽ lên bộ lông của chúng là không tôn trọng chúng. Ngay cả việc chúng ta muốn nhuộm tóc cho một ai đó, cũng phải hỏi ý kiến của họ, chứ không phải muốn nhuộm là nhuộm. Đồng thời màu sắc loè loẹt này cũng không phù hợp với loài bồ câu. Nhìn chúng tôi thật sự rất thương và mong muốn những người chăm sóc có thể trả lại màu lông cũ cho đàn bồ câu" - bà Phi Oanh tâm sự.
Nhắc đến câu chuyện nhuộm lông cho bồ câu, chị Thanh (người chăm sóc cho đàn bồ câu) cho biết chị từng xem trên mạng và biết rằng ở nước ngoài đã từng làm công việc này. Cụ thể là vào năm 2014, tại sự kiện triển lãm Kiến trúc Quốc tế lần thứ 13 tổ chức tại Venice, Italia hai nghệ sĩ Julian Charriere và Julius von Bismarck đã đưa ra ý tưởng nhuộm màu cho bồ câu.
Theo đó họ dùng phẩm màu thực phẩm phun đều lên người những chú bồ câu. Màu nhuộm sẽ dần dần biến mất sau khoảng 6 tuần. Charriere chia sẻ: "Chim bồ câu là một phần trong cảnh quan của thành phố, nhưng chúng tôi thấy chúng chỉ là một bầy đàn không nổi bật trong khi mỗi con lại có đặc điểm riêng. Nếu thể hiện được điều đó bằng các màu sắc khác nhau, chim bồ câu sẽ trở nên gần gũi hơn với mọi người".
Tuy nhiên, việc làm này của nghệ sĩ đã vấp phải sự phản đối của các nhà bảo tồn, họ cho rằng những con chim bồ câu bình thường sẽ không kết đôi với những con có màu quá sặc sỡ, đồng thời vì tập tính sống theo đàn những chú chim mang màu sắc lạ sẽ bị cô lập.
Tạm kết, dù biết rằng việc nhuộm lông cho bồ câu của anh Cường và chị Thanh hoàn toàn không có ác ý gây hại đến sức khoẻ của đàn bồ câu hoặc xuất phát từ mục đích vụ lợi, kinh doanh. Tuy nhiên với những tác hại có thể dễ dàng nhìn thấy được thiết nghĩ anh chị và những người trực tiếp chăm sóc đàn chim nên cân nhắc về việc nhuộm lông cho bồ câu trong thời gian tới.
Bởi cái gì thuộc về tự nhiên thì vẫn đẹp nhất.
Còn quan điểm của bạn như thế nào về việc nhuộm màu cho chim bồ câu?