Stuart Nomimizu sau khi từ Anh chuyển đến Nhật Bản đã tự mình ghi lại một đoạn video về cuộc sống hàng ngày và công việc của người "làm công ăn lương" trong ngành tài chính ở Tokyo.
Tuần làm việc căng thẳng của Nomimizu kéo dài 78 giờ, và anh chỉ có 35 giờ để ngủ từ thứ hai đến thứ bảy (chưa kể 6 giờ làm thêm việc vào chủ nhật mà anh không ghi lại). Sau khi được đăng tải trên Youtube, đoạn video đã gây shock với hơn 1 triệu lượt xem.
Làm việc nhiều như vậy, nhưng liệu năng suất lao động của người Nhật có cao hơn những người bạn ở các nước khác trên thế giới? Trên thực tế, có hẳn những bằng chứng cho rằng việc làm việc trong quá nhiều giờ liên tục không chỉ có hại cho sức khỏe, mà còn gây bất lợi cho nghề nghiệp của bản thân và cho năng suất làm việc của cả công ty.
Nhiều quá cũng không tốt
Nghiên cứu từ một chiến dịch của Mỹ tên là Project: Time Off đã khám phá ra rằng những người làm việc quá giờ thường ít nhận được lương thưởng so với đồng nghiệp của họ trong vòng 3 năm.
Không phải cứ làm việc nhiều là có tiền nhiều đâu!
"Chúng tôi thực sự đã nhận thấy những người dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi – khoảng 11 ngày hoặc hơn – thường nhận được nhiều tiền thưởng hơn những người chỉ nghỉ có 10 ngày hoặc ít hơn." – Katie Denis, trưởng dự án cho biết – "Chúng tôi chẳng tìm thấy mối liên hệ nào giữa làm việc nhiều với tiền nhiều cả, thế thì bạn cứ cố làm việc quá sức để làm gì?"
Một nghiên cứu khác của ĐH Stanford cho biết năng suất làm việc của người lao động giảm mạnh sau khi làm 50 giờ một tuần, và trượt dốc không phanh nếu con số là 56 giờ. Đối với những người làm việc trên 70 giờ một tuần, thực tế họ chẳng sinh ra giá trị gì hơn so với người bình thường cả.
Thậm chí, những nghiên cứu tương tự đã chỉ ra mối liên hệ giữa làm việc quá nhiều với sự suy giảm trí nhớ dài hạn, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng đưa ra quyết định sớm của bản thân.
Làm việc quá sức ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và năng suất làm việc
Nguyên nhân do đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới làm việc quá giờ. Một trong số đó là sự hiểu nhầm trong công việc. Ví dụ như thế này, bạn thấy sếp đi làm rất sớm và về rất trễ, bạn nghĩ rằng bạn cần ở văn phòng trước khi sếp đến và sau khi sếp đi, như vậy mới gọi là tôn trọng.
Nhưng thực tế là, sếp bạn vào sớm là vì ông ấy muốn có một khoảng thời gian riêng tư, và có khi nào ông cảm thấy rất phiền phức vì đã cố đến văn phòng sớm thế mà vẫn gặp bạn?
Một lí do khác mà mọi người không dám nghỉ ngơi, đó là họ sợ người khác đánh giá không tốt về mình. "Và thế là chúng ta tự hủy hoại năng suất làm việc của chính mình bằng cách nói: "Tôi sẽ làm việc cả ngày đấy, ăn trưa thì ăn tại bàn luôn. Để rồi buổi chiều thay vì làm việc, ta chìm ngập trong mớ hỗn độn của internet." – Laura Vanderkam, một chuyên gia quản lí thời gian cho biết.
Làm việc hay ngồi chơi đây?
Hãy làm bớt lại đi
Nhiều tập đoàn lớn ở Nhật Bản đã đi đầu trong việc giải quyết vấn đề này. Toyota hiện nay đang hạn chế số giờ làm việc của nhân viên xuống còn 360 giờ một năm (khoảng 30 giờ một tháng).
Còn hãng Dentsu vừa đưa ra một bản "kế hoạch 8 điểm", bao gồm cả việc khuyến khích nghỉ ngơi và tắt đèn văn phòng vào lúc 22 giờ, nhằm mục đích cải thiện môi trường làm việc. Tất cả là vì đã có nhiều vụ tự tử do áp lực công việc xảy ra trong công ty.
Hạn chế thời gian làm việc của nhân viên là một giải pháp hay
Trong khi đó tại Đức, những công ty lớn như BMW và Volkswagen đã hạn chế gửi email công việc ngoài giờ. Tại Mỹ, những ngân hàng lớn nhất nhì như Credit Suisse và JPMorgan Chase đã đưa ra một số hướng dẫn nhằm khuyến khích khách hàng và đối tác không đến văn phòng vào cuối tuần.
Vanderkam nhấn mạnh rằng, khi bạn vận hành một cái máy mà không bảo trì nó, bạn đang đối mặt với nguy cơ cao là nó sẽ bị hỏng theo thời gian. Thật may là hiện nay nhiều công ty đã nhận ra sự thật này cũng đúng đối với con người!