Người Nhật Bản làm "bán sống bán chết", lăn ra đường ngủ mỗi đêm nhưng vì lý do gì mà họ ngày càng trở nên nghèo túng?

Thái Anh, Theo Pháp luật và bạn đọc 02:30 16/10/2020

Thống kê do OECD đưa ra vào tháng 7 vừa qua cho thấy tỷ lệ đói nghèo của Nhật Bản lên đến 15,7%. Con số này giống như nghịch lý so với những sự vất vả mà người dân nơi đây phải bỏ ra để giữ lấy công việc và cống hiến hết mình cho công ty.

Văn hóa làm việc đến chết

Nhật Bản nổi tiếng là một quốc gia có tính kỷ luật cao và tầng lớp lao động chính là minh chứng rõ ràng nhất cho lối sống thừa sự chăm chỉ và đầy rẫy những nguyên tắc của người dân xứ sở Mặt trời mọc. Chính nhờ nguồn nhân lực tâm huyết và nỗ lực phát triển đất nước không ngừng nghỉ của chính phủ đã đưa Nhật Bản trở thành một trong những nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới.

Nhưng sự thành công nào cũng có 2 mặt. Để đánh đổi trở thành cường quốc, người dân Nhật Bản đã phải làm việc không ngừng và chuyện họ làm việc 60 tiếng/tuần đã không còn xa lạ. Năm 2012, nhiếp ảnh gia Allegra Pacheco lần đầu tiên đặt chân đến Nhật Bản và vô cùng ngỡ ngàng khi chứng kiến dân công sở nước này nằm vật vã ngay trên đường phố.

Họ không gặp tai nạn, cũng chẳng phải bị đánh mà chỉ đơn giản là họ đã quá mệt mỏi với công việc mà thôi. Cứ dứt ra khỏi guồng làm việc là chỉ muốn nằm thẫn thờ ngay trên đường chứ chẳng thiết tha làm gì nữa.

Người Nhật Bản làm bán sống bán chết, lăn ra đường ngủ mỗi đêm nhưng vì lý do gì mà họ ngày càng trở nên nghèo túng? - Ảnh 1.
Người Nhật Bản làm bán sống bán chết, lăn ra đường ngủ mỗi đêm nhưng vì lý do gì mà họ ngày càng trở nên nghèo túng? - Ảnh 2.
Người Nhật Bản làm bán sống bán chết, lăn ra đường ngủ mỗi đêm nhưng vì lý do gì mà họ ngày càng trở nên nghèo túng? - Ảnh 3.
Người Nhật Bản làm bán sống bán chết, lăn ra đường ngủ mỗi đêm nhưng vì lý do gì mà họ ngày càng trở nên nghèo túng? - Ảnh 4.

Tình trạng này khá phổ biến đối với tầng lớp lao động Nhật Bản và thậm chí còn có cả thuật ngữ riêng là Karoshi, có nghĩa là "làm việc quá mức trong thời gian dài", với những gì đã và đang xảy ra thì thuật ngữ này nên mang nghĩa "làm việc đến chết" thì đúng hơn.

Theo Tiến sĩ văn hóa Nhật Bản tại ĐH New York (Mỹ), Thomas Looser, thuật ngữ Karoshi được đưa vào từ điển "những từ ngữ kinh khủng nhất thế giới" vào năm 2013. Và kiểu văn hóa làm việc không ngưng nghỉ này bắt đầu từ sau Thế chiến II, khi Nhật Bản quyết định chuyển mình từ quốc gia quân sự sang tập trung cho mục tiêu khôi phục nền kinh tế.

Văn hóa làm thêm giờ của người Nhật không hề có dấu hiệu suy giảm kể cả khi nó không đem lại hiệu quả. Họ dành nhiều thời gian cho công việc đến nỗi kiệt sức vì nó, bị dồn đến đường cùng cũng không thể bỏ việc. Bởi vì theo chuyên gia văn hóa Nhật Bản, ông Haruki Knonno, người mới đi làm cần ít nhất 3 năm làm việc cho một công ty trước khi chuyển sang công ty khác. Thâm niên làm việc dưới 3 năm sẽ không tìm được việc mới.

Chính vì lẽ đó nên dù có chán ghét công việc hiện tại đến đâu thì người Nhật vẫn phải cắn răng chịu đựng, đôi khi làm việc như một cái xác không hồn đúng nghĩa đen, xác thì ở văn phòng nhưng hồn thì có lẽ đang nằm trên giường mơ một giấc mộng đẹp.

Người Nhật Bản làm bán sống bán chết, lăn ra đường ngủ mỗi đêm nhưng vì lý do gì mà họ ngày càng trở nên nghèo túng? - Ảnh 5.

Theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đàn ông Nhật Bản làm việc nhiều nhất thế giới với trung bình 8,9 giờ mỗi ngày, cao nhất trong số 26 quốc gia được khảo sát. Trong khi đó, người lao động ở Mỹ chỉ làm 7,9 giờ và Anh là 7,3 giờ. Làm việc nhiều giờ nhưng năng suất lao động của Nhật Bản lại thấp nhất trong số 7 cường quốc công nghiệp có kỹ nghệ tiên tiến trên thế giới thuộc G7 gồm Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh và Mỹ.

Theo cựu giáo sư tại Đại học Gakushuin Tokyo, Koichiro Imano, Nhật Bản cũng như các quốc gia phát triển khác, rất quan tâm đến vấn đề năng suất lao động nhưng điều này có vẻ như lại không áp dụng với giới công sở. Lãnh đạo trong lĩnh vực văn phòng vẫn luôn quan tâm tới việc nhân viên ngồi ở văn phòng bao lâu thay vì hiệu quả làm việc của họ.

Tất cả những số liệu này cho thấy người Nhật Bản đang làm "bán sống bán chết" nhưng không mang lại hiệu quả cao, chỉ làm tăng thêm sự căng thẳng trong cuộc sống. Và để giải tỏa những nỗi căng thẳng, quên đi muộn phiền này, người Nhật Bản đành phải tìm đến bia rượu.

Sau giờ tan tầm, không khó để bắt gặp giới văn phòng vùi mình trong những quán rượu, họ uống đến say bí tỉ để rồi nằm luôn ra đường ngủ đến sáng sớm, sau đó tỉnh dậy về nhà thay đồ rồi trở lại chỗ làm bắt đầu một cuộc chiến mới.

Vì sao kết cục người Nhật vẫn nghèo?

Satomi Sato là một bà mẹ đơn thân 51 tuổi, gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy đứa con gái tuổi teen với mức lương 17.000 USD (394 triệu đồng)/năm mà cô kiếm được từ 2 công việc.

"Tôi không muốn thừa nhận bản thân nghèo khổ nhưng tôi thật sự đang rất nghèo. Từ nghèo khó vẫn rất xa lạ với người dân ở đất nước chúng tôi" - Sato cho hay.

Người Nhật Bản làm bán sống bán chết, lăn ra đường ngủ mỗi đêm nhưng vì lý do gì mà họ ngày càng trở nên nghèo túng? - Ảnh 6.

Không có tấm bằng tốt nghiệp trung học ở một đất nước chú trọng giáo dục và nơi có 92% dân số tốt nghiệp, Hiro biết rằng hy vọng về một công việc ổn định tại một công ty vô cùng mỏng manh. Thực tế, Hiro vốn đã dự đoán được tương lai này, rằng anh sẽ không trở nên giàu có nhưng không nghĩ cuộc đời mình lại khó khăn đến như vậy.

Hiro tự nhận mình là một người chăm chỉ và tự tin bản thân có thể kiếm được một mức thu nhập ổn định. Sau 4 năm làm việc cho một công ty phụ tùng ô tô, Hiro đã dành 7 năm làm tất cả mọi thứ anh có thể.

Hiro không thể tìm được công việc toàn thời gian, anh chỉ được nhận vào làm việc ở nhà máy, công trường xây dựng và bất kỳ các công ty nào nhận nhân công thời vụ. Ước tính số tiền mà Hiro có thể kiếm được mỗi tháng rơi vào khoảng 1.580 - 1.980 USD (36,6 - 45,8 triệu đồng), đó là trong trường hợp anh có việc để làm.

Sato và Hiro chính là 2 đại diện của rất nhiều người Nhật Bản hiện đang sống dưới mức nghèo.

Thống kê do OECD đưa ra vào tháng 7 vừa qua cho thấy, tỷ lệ đói nghèo của Nhật Bản lên đến 15,7%. Con số này giống như nghịch lý so với những sự vất vả mà người dân nơi đây phải bỏ ra để giữ lấy công việc và cống hiến hết mình cho công ty.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đáng báo động này chính là hệ thống làm việc trọn đời của Nhật Bản, theo chuyên gia kinh tế Shigeto Nagai thuộc Oxford Economics.

Các công ty ở xứ sở Mặt trời mọc đều cố gắng đảm bảo chế độ chăm sóc nhân viên cho đến lúc nghỉ hưu, chế độ lương thưởng được quy định bởi thâm niên và hệ thống công đoàn cơ sở đảm bảo lợi ích cho người lao động tốt.

Trong hệ thống làm việc tương đối ổn định nhưng cứng nhắc này, tiền lương chỉ tăng dần. Ông Nagai tin rằng các công ty cũng chú trọng nhiều đến vấn đề đảm bảo việc làm cho người lao động hơn, chấp nhận hy sinh năng suất cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Về phía người lao động, họ cũng không dám đổi việc bởi vì tinh thần trung thành, muốn cống hiến trọn đời cho công ty, thậm chí có thể đến chết.

Các doanh nghiệp thì đối mặt với sự cạnh tranh khắc nghiệt trong nền kinh tế và gánh nặng nhân viên không có năng suất làm việc hiệu quả nên cũng hạn chế việc tăng lương, khiến cho thu nhập của người lao động gần như "giậm chân tại chỗ" dù chấp nhận làm việc đến chết.

Hệ thống việc làm suốt đời ở Nhật Bản cũng vô tình gây ra tình trạng thiếu việc làm. Nhiều người trẻ phải chấp nhận sống với mức lương tương đối thấp, mặc dù có nhiều đóng góp và năng suất làm việc cao hơn người có nhiều thâm niên.

Ngoài ra, sự bất bình đẳng giới ở Nhật Bản cũng khiến cho phụ nữ có nguy cơ rơi vào đói nghèo cao hơn hẳn đàn ông. Theo OECD, phụ nữ nước này chỉ kiếm được 73% thu nhập so với đàn ông.

Theo báo cáo của chính phủ, cuộc khủng hoảng nhân khẩu học Nhật Bản càng làm cho vấn đề thêm tồi tệ, rằng các cặp vợ chồng đã nghỉ hưu cần thêm 185.000 USD (4,2 tỷ đồng) để sống do sự thiếu hụt về lương hưu. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng phụ nữ Nhật Bản sẽ rơi vào tình trạng túng thiếu, không còn một xu dính túi trước khi họ qua đời khoảng 20 năm.

Người Nhật Bản làm bán sống bán chết, lăn ra đường ngủ mỗi đêm nhưng vì lý do gì mà họ ngày càng trở nên nghèo túng? - Ảnh 7.

Một trong những mục tiêu của cựu Thủ tướng Shinzo Abe từng cổ vũ phụ nữ tiếp tục trở lại làm việc sau khi sinh con. Nhưng theo nghiên cứu của chính phủ gần đây, gần 40% phụ nữ phải chuyển sang làm việc bán thời gian hoặc thậm chí là nghỉ việc sau kì nghỉ thai sản.

Từ đầu những năm 2000, các công ty Nhật Bản cố gắng sống sót trong cuộc cạnh tranh với các nền kinh tế mới nổi lên như Trung Quốc nên đã chuyển hướng sang tuyển nhân lực bán thời gian, không nhận bất cứ khoản trợ cấp hay chính sách hỗ trợ nào từ công ty.

Theo dữ liệu từ cơ quan thống kê Nhật Bản, tỷ lệ lao động làm việc bán thời gian tăng 2,1% trong năm 2019 trong khi tỷ lệ lao động toàn thời gian chỉ tăng 0,5%.

Công việc bán thời gian được xem là giải pháp dành cho các lao động nữ, khi họ muốn đi làm đồng thời cũng phải dành thời gian để chăm sóc gia đình và chồng con. Chính vì lý do đó nên tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản không rơi vào mức báo động nhưng hầu hết đều là các hợp đồng lao động ngắn hạn hoặc không được tăng lương.

Tại một đất nước có mức sống cao như Nhật Bản, người dân luôn phải làm việc bất chấp tính mạng nhưng những gì họ thu lại được chẳng đáng là bao, kết quả là người dân Nhật Bản đang ngày càng trở nên nghèo khó hơn.

Nguồn: CNBC, NY Times