Người mẹ vô tình tiếp tay giao con cho kẻ bắt cóc chỉ vì 1 hành động quen thuộc này

Phương Uyên, Theo Pháp luật và Bạn đọc 13:48 25/02/2022

Chuyên gia cảnh báo những hành động tưởng chừng vô hại của các bậc phụ huynh lại khiến các con trở thành mục tiêu của kẻ xấu.

Hành động tưởng chừng vô hại của người mẹ

Mẹ của Jiajia hay có thói quen khoe con lên mạng xã hội. Từ khi Jiajia còn nhỏ đến lúc em học tiểu học, mỗi khi đạt được điểm số cao, mẹ lại đăng hình ảnh và sổ điểm của em lên mạng. Hay đơn giản vì mẹ muốn ghi lại những khoảnh khắc thường ngày của em nên hình ảnh Jiajia từ lúc nhỏ đến lớn đều “tràn ngập” trên trang cá nhân của mẹ.

Trước đây mọi chuyện vẫn bình thường, nhưng cho đến một hôm đến trường đón Jiajia đi học về như thường lệ, cô choáng váng vì phát hiện Jiajia đã mất tích.

Lúc đó, cô vô cùng hoảng loạn. Cô tìm kiếm Jiajia khắp nơi nhưng hoàn toàn không có tin tức gì. Cô nghĩ hết mọi cách, tìm gặp cô giáo chủ nhiệm để mong có chút manh mối về tung tích của con. Cô giáo cảm thấy rất khó hiểu sau khi biết chuyện, cô kể lại: "Không phải là dì ruột của Jiajia đến đón em ấy sao? Dì ấy không chỉ mang rất nhiều đồ chơi và đồ ăn vặt cho Jiajia, dì còn biết rõ thông tin cha mẹ, họ và tên đầy đủ của Jiajia nữa mà!".

Người mẹ vô tình tiếp tay giao con cho kẻ bắt cóc chỉ vì 1 hành động quen thuộc này - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Sau đó, khi nghe mẹ của Jiajia xác nhận mình không có bất kỳ chị em gái nào, cô giáo lúc này mới cảm thấy lo ngại. Cô thông báo với nhà trường và đề nghị cho xem lại camera, mới phát hiện ra rằng Jiajia đã bị một người phụ nữ lạ dẫn đi.

"Vì có rất nhiều học sinh tan học vào thời điểm đó, cùng với việc người phụ nữ kia không chỉ biết lớp học của Jiajia, mà còn biết cả họ tên Jiajia và thông tin của cha mẹ, do đó chúng tôi cũng không nghi ngờ gì và không hỏi thêm nhiều", cô giáo kể lại.

Mẹ và cô giáo của Jiajia lúc này thực sự hoảng sợ, họ vội vàng báo cảnh sát. Bằng nghiệp vụ, cảnh sát huy động lực lượng, cho trích xuất camera thì phát hiện thấy một người phụ nữ đang dẫn một em bé đi trên đường quốc lộ. Nghi ngờ đây chính là kẻ bắt cóc, cảnh sát lập tức thông báo đến các đơn vị nhanh chóng chặn người phụ nữ này lại.

Người mẹ vô tình tiếp tay giao con cho kẻ bắt cóc chỉ vì 1 hành động quen thuộc này - Ảnh 2.

Trích xuất từ camera, cảnh sát phát hiện nghi phạm đang dắt tay bé gái trên đường quốc lộ (Ảnh: NetEase)

Cuối cùng, cảnh sát cũng giải cứu được Jiajia trước khi bị người phụ nữ đưa lên xe. Khi bị cảnh sát hỏi, bà ta khai báo rằng: "Tôi đã thấy được thông tin đứa bé này trên mạng. Không chỉ vậy, tôi còn biết được tên và số điện thoại của cha mẹ nó, tên thật của đứa bé, lớp nó học, tất cả mọi thông tin đều có. Trẻ con thì dễ lừa, chỉ cần cho chúng bánh kẹo và đồ chơi là xong."

Vô tình để lại nhiều hệ lụy cho con

Mặc dù Jiajia đã được giải cứu thành công khỏi bọn tội phạm buôn bán trẻ em, không gặp nguy hiểm đến tính mạng, nhưng sau vụ việc, vết thương tâm lý luôn ám ảnh em. Trong một thời gian dài, Jiajia mắc chứng tự kỷ và trở nên dễ sợ hãi, kết quả học tập sa sút hẳn. Thấy con gái như vậy, người mẹ chỉ biết chua xót: "Nếu cho tôi cơ hội, tôi sẽ không bao giờ đăng hình con lên mạng nữa!"

Khi mạng xã hội phát triển, người người có xu hướng sống ảo, dẫn đến việc phụ huynh khoe con cũng nhiều hơn. Với tốc độ lan tỏa thông tin nhanh, phạm vi rộng, tương tác với nhiều người, việc này vô tình trở thành "miếng mồi" hấp dẫn cho bọn tội phạm bắt cóc trẻ em.

Người mẹ vô tình tiếp tay giao con cho kẻ bắt cóc chỉ vì 1 hành động quen thuộc này - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia giáo dục, có 3 lý do cha mẹ thường thích khoe con lên mạng xã hội: Thứ nhất, vì cha mẹ muốn ghi lại những khoảnh khắc thường ngày của con.

Thứ hai, vì cha mẹ tự hào về thành tích học tập của con hoặc con có ngoại hình xinh xắn, với mục đích được nghe những lời khen có cánh. Và cuối cùng, là do một số trường hợp đặc biệt như yêu cầu của nhà trường. Một số trường sẽ yêu cầu phụ huynh đăng bài tập về nhà của con em mình lên mạng và chấm điểm dựa theo lượt yêu thích và bình luận.

Có thể thấy, mạng xã hội như "con dao hai lưỡi", là nơi chia sẻ khoảnh khắc nhưng cũng sẽ là "cái bẫy" cho chính bản thân cha mẹ và con trẻ. Trước sự khó lường và những tác động tiêu cực mà mạng xã hội mang lại ngày càng nhiều, cha mẹ không nên chia sẻ thông tin như họ tên, tuổi, trường học của con, hoặc những hình ảnh mang tính "riêng tư", như ảnh trẻ tắm, ảnh trẻ mặc tã lúc nhỏ.

Trước thực trạng bắt cóc trẻ em ngày càng liều lĩnh và tinh vi, các bậc cha mẹ hãy tỉnh táo khi tham gia mạng xã hội. Dù trẻ bao nhiêu tuổi, cha mẹ cũng phải đề phòng. Ngoài việc không chia sẻ thông tin của con quá nhiều, cha mẹ cần chủ động giáo dục cho con cách tự vệ như không nhận đồ, không đi theo người lạ.

Theo NetEase

https://soha.vn/nguoi-me-vo-tinh-tiep-tay-giao-con-cho-ke-bat-coc-chi-vi-1-hanh-dong-quen-thuoc-nay-20220225121351421.htm