Mới đây, trên mạng xã hội đã xôn xao chia sẻ lại đoạn clip người mẹ hoảng hốt khi thấy con trai sốt cao, co giật vì mắc cúm A khiến nhiều người chú ý. Được biết, sự việc xảy ra và được camera an ninh ghi lại vào ngày 23/1 vừa qua.
Người mẹ đã chia sẻ lên mạng xã hội kèm dòng chia sẻ, "Cúm A không đáng sợ khi ai chưa bị. Sốt co giật khổ thân con trai. Lần đầu tiên chứng kiến con bị co giật mà bản thân cuống chân tay run không biết làm gì nữa. Xem lại mà vẫn thấy sợ".
Theo dõi hình ảnh trong đoạn clip cho thấy, khi hai mẹ con đang nằm ngoài ghế sofa thì bé trai bất ngờ sốt cao kèm theo triệu chứng co giật. Thấy tình hình của con trai, người mẹ vội vàng lớn tiếng gọi nhưng do sốt cao nên cậu bé vẫn mê man.
Ngay sau đó, người mẹ vội bế con dậy, vội vàng chạy ra ngoài cửa lớn tiếng nhờ mọi người giúp đỡ.
Chia sẻ thêm dưới phần bình luận, chị D. cho biết do lần đầu con bị sốt rồi co giật nên chị rất bối rối, chưa có kinh nghiệm xử lý tình hình. May mắn cậu bé sau đó đã hạ sốt và không gây nguy hiểm về sức khỏe.
Đoạn clip trên sau khi được chia sẻ đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và khiến nhiều người xôn xao. Từ đây, nhiều phụ huynh cho rằng các bậc làm cha mẹ cũng nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để xử lý tình huống khi con ốm sốt hay gặp vấn đề về sức khỏe đặc biệt là khi dịch cúm đang diễn biến phức tạp trong những ngày đầu năm mới.
Đối phó bệnh cúm như thế nào?
Các chuyên gia cho biết, cúm mùa là bệnh rất thường gặp, dễ lây từ người sang người, bắt đầu từ các triệu chứng thông thường như sốt, ớn lạnh, đau họng, chảy nước mũi, nhức mỏi cơ.
Bệnh có nguy cơ gây biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp… đặc biệt ở người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch.
Nếu sốt cao liên tục, ho nhiều, khó thở là những triệu chứng báo động, cần nhập viện ngay. Khi điều trị trễ, bệnh nhân sẽ diễn tiến suy hô hấp, ngưng thở, biến chứng tổn thương các cơ quan khác và nguy hiểm tính mạng.
Chia sẻ thêm trên báo Dân Trí, Bác sĩ Võ Xuân Huy khuyến cáo, người dân không nên quá lo lắng về biến chứng xấu khi tiêm ngừa, vì tỷ lệ biến chứng rất thấp. Thứ hai, bệnh nhân sẽ được bác sĩ sàng lọc, tầm soát kỹ lưỡng trước tiêm. Thứ ba, việc tiêm ngừa có lợi ích phòng bệnh rất lớn so với hậu quả xảy ra nếu không tiêm.
Ngoài cúm, bác sĩ Huy cũng khuyến cáo người dân nên chích thêm vaccine ngừa phế cầu, sẽ giúp hạn chế biến chứng bất lợi liên quan đến phổi.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vaccine cúm có nhiều loại, tùy theo từng loại vaccine mà có thể chỉ định tiêm cho người từ 6 tháng tuổi trở lên hoặc chỉ dùng cho người lớn.
"Vaccine cúm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm nguy cơ diễn biến nặng khi mắc cúm, do vậy tất cả những đối tượng trong chỉ định đều có thể hưởng lợi nhờ chủng ngừa vaccine cúm.
Tuy nhiên những người lớn tuổi, người có các bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, hô hấp, béo phì, người suy giảm miễn dịch hoặc ghép tạng, trẻ nhỏ... là đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng cao hơn khi không may mắc cúm, nên họ sẽ là nhóm nên ưu tiên thực hiện chủng ngừa hơn", bác sĩ Cấp thông tin.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
+ Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng;Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi);
+ Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng;
+ Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết;
+ Tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh;
+ Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Cục Y tế dự phòng lưu ý: Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.