Cô bạn thân của tôi tên là An Nhiên, cô ấy có công việc ổn định, cuộc sống hạnh phúc, được chồng cưng chiều. Năm nay, con trai của cô ấy vào tiểu học, đó là một ngôi trường điểm của thành phố.
Dạo gần đây, con trai bé bỏng khiến cô ấy buồn phiền nhiều đến nỗi nuốt cơm không trôi. So với những đứa trẻ khác, con trai cô đến độ tuổi phản kháng sớm hơn dự đoán. Nó không có hứng thú với chuyện học, và có tư tưởng chống đối những lời dạy bảo của cha mẹ. An Nhiên cố gắng "gồng mình" trước thái độ ương bướng của con để có thể nâng cao thành tích học tập cho con.
Mỗi tối, An Nhiên đều sát sao việc học của con. Các ngày trong tuần, cô ấy đều đặn đưa con đến lớp học thêm và xuống bếp nấu những món ngon bổ dưỡng cho con bồi bổ trí não.
2 tháng gần đây, An Nhiên và con trai luôn cãi nhau chí chóe liên quan đến việc làm bài tập. Cậu bé không bỏ sót buổi học thêm nào, nhưng cứ đến lớp là lăn ra ngủ. Bởi thế, thành tích cậu cũng không khởi sắc thêm tí nào.
An Nhiên nhiều lần thuyết phục con trai chuyên tâm vào việc học, nhưng con chỉ đồng ý qua loa, rồi mọi chuyện đâu lại vào đấy. Theo thời gian, cậu bé trở nên nóng nảy với mẹ. Một hôm, cậu bé thẳng thừng bảo: "Con chưa bao giờ thấy mẹ chuyên tâm học hành, mẹ dựa vào lý do gì bắt con phải học?".
"Con chưa bao giờ thấy mẹ chuyên tâm học hành, mẹ dựa vào lý do gì bắt con phải học?".
An Nhiên nghẹn họng nhìn con, bởi cô ấy không biết đáp trả con thế nào. Thế là, cô ấy ấm ức gọi điện cho tôi: "Mọi điều tớ làm đều muốn tốt cho con, tại sao con luôn oán trách tớ?".
Tôi nói với cô ấy: "Cậu muốn con trở thành người thế nào, trước tiên cậu phải trở thành người như thế. Nếu cậu muốn thấy con chăm chỉ học thì cậu phải mở sách ra đọc".
An Nhiên khổ sở cho biết: "Nhiều năm qua tớ không đọc sách, tất cả sách trong nhà đều phủ bụi dày đặc. Tớ cũng chẳng có tâm tư đọc sách, mỗi ngày đều đi làm, về nhà là nấu ăn, dọn đẹp, thời gian đâu mà đọc sách?".
"Nếu cậu không có thời gian đọc sách, cậu có thể nghe sách nói. Bắt đầu từ bây giờ, mỗi ngày 15 phút", tôi gợi ý.
An Nhiên do dự một lát rồi đồng ý nghe theo lời gợi ý của tôi. Thế là vì con, cô ấy bắt đầu hành trình nghe sách nói.
Không làm thì thôi, đã làm sẽ trở thành một thói quen.
Mỗi ngày, An Nhiên dành ra 15 phút nghe sách nói. Thông thường là khi cô ấy đang làm việc nhà, hoặc trên đường đến công ty và sau khi tan sở. Không biết từ lúc nào, An Nhiên trở nên mê mẩn khi nghe sách nói. Mỗi tối, cô ấy sẽ nằm trên giường lắng nghe sách nói trước khi chìm vào giấc ngủ.
Trước đây, ngay cả 1 quyển sách cô ấy cũng không có thời gian đọc. Hiện tại, cô ấy đã nghe sách nói hơn 60 quyển, thành tích thật ấn tượng.
Khi tôi gặp lại An Nhiên, gương mặt của cô ấy không còn phảng phất vẻ sầu lo. Hiện tại, cô ấy vô cùng phấn chấn, khí chất cũng khác trước rất nhiều.
Trước đây, cô ấy luôn vì những chuyện nhỏ nhặt mà cau mày nhăn trán. Nhưng bây giờ, cô ấy đang đắm mình trong thế giới sách. Trải nghiệm từ việc nghe sách nói mang lại khiến cô ấy thu nạp thêm kiến thức và vô cùng vui vẻ. Trước đây, cô ấy thường cãi nhau chí chóe với con. Hiện tại, quá trình nghe sách nói giúp cô ấy biết cách trò chuyện và kết nối với con sao cho có hiệu quả. Cô ấy không còn là người mẹ cay nghiệt trong lời nói, con trai cũng không còn muốn chống đối mẹ.
Điều quan trọng là, cô ấy chia sẻ niềm vui nghe sách nói với chồng. Mỗi ngày sau khi tan sở hoặc vào cuối tuần. Cả hai vợ chồng không còn chơi game hay xem những bộ phim nhàm chán, họ sẽ cũng nhau nhấm nháp ngụm trà, nằm trên ghế sofa và lắng nghe sách nói.
Giống như "mưa dầm thấm đất", khi thấy bố mẹ dành thời gian nghe sách nói, con trai của cô ấy cũng trở nên nghiêm túc trong việc học. Cậu bé trở nên chuyên tâm làm bài tập, mệt mỏi chán chê sẽ mở sách ra xem. Bởi bố mẹ đang thu nạp kiến thức từ sách, đương nhiên cậu bé cũng không muốn bản thân trở nên lạc loài trong chính gia đình.
Một hôm, An Nhiên đến trường tiểu học đón con. Giáo viên chủ nhiệm vui mừng khen thằng bé có tiến bộ, không còn ngủ gật trong lớp và trở nên nhiệt tình với chuyện học. Thời điểm đó, An Nhiên biết rằng cô đã làm điều đúng đắn vì con. Cô đang tác động sâu vào nhận thức của con bằng cách lấy chính mình ra làm tấm gương cho con noi theo.
Cha mẹ cần nhớ, cách giúp con rút ngắn khoảng cách với những đứa trẻ khác không phải là trí tuệ vượt trội, bối cảnh giàu có, mà chính là quan niệm, cách sống, cách tư duy, cách đối nhân xử thế với mọi người.
Thiên tài không phải từ trên trời rơi xuống, mà phải trải qua một quá trình đào tạo, trưởng thành. Muốn con trẻ trở nên tài giỏi thì phải bắt nguồn từ chính sự thay đổi của cha mẹ.
Theo Sohu