Hơn 40 năm qua, bức tranh vẽ Bác Hồ và em bé vẫn lặng lẽ "nằm" trên nóc Nhà thông tin thành phố, số 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Người đời từng ví von, con đường đẹp nhất Thủ đô có bức tranh đẹp nhất về Bác Hồ. Mỗi ngày, hàng vạn người rảo bước qua ngã tư quen thuộc, nơi mà hình ảnh Bác Hồ tươi cười, hiền hậu ôm em bé, đã đi vào đời sống người dân như lẽ sống vốn có, bình dị và dịu êm.
Nguyễn Du đã từng nói: "Nghìn năm sau đời có thể quên tên, nhưng đừng để quên thơ". Không phải ai cũng biết tác giả của bức tranh nổi tiếng này là ai? Chúng ta có thể không biết Nguyễn Du, nhưng Kiều thì ai cũng biết. Đời người nghệ sĩ, bởi thế trải qua bao nhiêu năm không quan trọng, quan trọng là có một tác phẩm để đời.
Vào những dịp trọng đại của đất nước, người hoạ sĩ Trần Từ Thành (SN 1944) vẫn lặng lẽ đứng giữa ngã tư Bờ Hồ. Ông nép mình ngắm nhìn mọi người chụp ảnh bên dưới bức tranh của mình. Đó là những ký ức không thể nào quên, vào những năm đất nước thống nhất, bức tranh cổ động "Bác Hồ và em bé" được ra đời trong niềm háo hức và rộn ràng tột độ. Tổ quốc nối liền một dải, như cánh chim bồ câu tung bay giữa nền trời có Bác và thế hệ măng non tương lai.
Bức tranh "Bác Hồ và em bé" giữa ngã tư hồ Hoàn Kiếm.
Năm 16 tuổi, họa sĩ Trần Từ Thành bắt đầu bước ra từ mảnh đất đói nghèo nhất của Hà Tĩnh, vượt quãng đường gần 300km lên Hà Nội với trên vai 2 yến cà pháo. Đổi cà lấy tiền ở trọ tại Bến xe Kim Liên (nay là Khách sạn Kim Liên), chàng trai trẻ ấp ủ giấc mơ thi vào trường Mỹ thuật Đông Dương, nay là ĐH Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội. Thời điểm đó, 2.000 thí sinh đăng ký dự thi, nhưng trường chỉ lấy đúng 46 người.
Đề thi có 2 phần: "Anh/chị hãy thiết kế một nhãn diêm nhân kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của Việt Nam/ Hãy vẽ một bức tượng Hy Lạp đầu Tây". Đề thi khó, khái niệm "thiết kế" quá xa vời với lứa học sinh. Trần Từ Thành chưa bao giờ được chiêm ngưỡng một bức tượng Hy Lạp, chứ chưa nói đến "Tây", để có thể mường tượng về một bức vẽ cụ thể trong đầu.
Cậu không có bút màu như bạn bè Hà Nội. Có người mách cậu đi ra phía cổng trường, có một rặng tre, cậu hãy cắt một khúc tre non làm bút chì màu.
Kì thi trải qua 3 ngày liên tiếp. Bước ra khỏi phòng, cậu chưa chắc mình đậu hay không. Cả sân trường rộng như thế, mình cậu lọt thỏm và bơ vơ. Trần Từ Thành đại diện cho thế hệ trẻ nông thôn khát khao khai phá cuộc đời mình, nhưng rồi lại dẫn đến đường cùng, mơ hồ và lạc lõng.
Sau đó 3 tuần, một người anh gọi điện về Hà Tĩnh, báo rằng đã có danh sách trúng tuyển. Cái tên Trần Từ Thành là một trong số 64 thí sinh xuất sắc nhất. Cả nhà nghe thế mừng quá, vội bán lạc, bán lúa mua cho Thành bộ đồ mới. Và như thế, cậu lại một mình lên đường ra Hà Nội, chính thức là sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương.
Vẫn là căn nhà trọ cũ kĩ dọc bến xe Kim Liên, cậu ngủ chung với bạn học. Tháng đầu tiên nhận học bổng 16.000 đồng, cậu bớt chút, rồi mua một chiếc màn.
Họa sĩ Trần Từ Thành - cha đẻ của bức tranh "Bác Hồ và em bé".
Những tác phẩm khác của họa sĩ Trần Từ Thành.
Học xong ĐH, Trần Từ Thành về quê công tác. Đó là ngày 5/8/1963 - khi mà quả bom đầu tiên rơi xuống Vịnh Bắc Bộ. Anh họa sĩ đi vẽ những bức tranh cổ động, như Dọc đường Trường Sơn, Mười cô gái ngã 3 Đồng Lộc, Đèo Ngang,...
6 năm sau - năm 1969, Trần Từ Thành tiếp tục ra Hà Nội học ĐH Mỹ thuật Công Nghiệp, chuyên ngành Đồ họa và được giữ lại trường cho tới ngày hôm nay. Trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, gia đình chịu nhiều mất mát, bố mẹ và anh chị em đều mất do bom Mỹ, nhiều người thân hy sinh ở chiến trường hay tại chính quê hương trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 30/4/1975, nghe tin giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, muôn dân đều phấn khởi, chỉ muốn treo cờ lên và xuống đường diễu hành ngay tắp lự. Là một nghệ sĩ, hoạ sĩ Trần Từ Thành nghĩ rằng bản thân nên có một tác phẩm nào đó kỷ niệm ngày trọng đại này. Có thể là một bức tranh về thống nhất Tổ quốc. Lập tức, trong đầu ông loé lên ý tưởng: Hồ Chí Minh - người là biểu tượng của Việt Nam.
Nếu vẽ về Hồ Chí Minh, trước giờ hàng trăm hoạ sĩ đã từng chắp bút. Nếu vẽ về chiến tranh, bức tranh chỉ mang tính nhất thời. Hoà bình - độc lập - tự do mới là mãi mãi, không thể không có trong trí nhớ của mỗi người.
Một bức tranh có thể được vẽ trong vòng một ngày, nhưng ý tưởng hun đúc từ hàng chục năm. Thời gian cho một bức tranh không thể định lượng được. Giữa lúc bí bách về đề tài, người nghệ sĩ vô tình được lắng nghe bài thơ "Ta đi tới" của nhà thơ Tố Hữu, từ tiếng đài phát thanh của nhà hàng xóm.
"Lòng ta chung cụ Hồ
Lòng ta chung Thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam".
Độc lập là mong muốn của chủ tịch Hồ Chí Minh. Thống nhất là mong muốn của 90 triệu người dân Việt Nam. Hoà bình và hạnh phúc, là điều toàn nhân loại đều khao khát. 5 ý tưởng hội tụ trong một bức tranh của Trần Từ Thành: Bác Hồ - Em bé - Cánh chim bồ câu - Thủ đô Hà Nội - Cành ô liu, bằng chất liệu bột màu trên giấy báo bình thường.
Chim bồ câu sải cánh kết thành bản đồ Việt Nam, trong con mắt nhỏ bé kia là thủ đô Hà Nội 5 cánh sao vàng. Ở giữa là Bác Hồ và em bé (được lấy nguyên mẫu từ hình ảnh em bé Việt Bắc tại trại nhi đồng năm 1950). Cành ô liu xa xa mang hương sắc của hoà bình. Từng đường nét đơn sơ, mộc mạc và thanh thoát, 3 màu đỏ - xanh - đen cô đọng trong toàn bộ khung hình. Bức tranh được đặt tên "1976" - nhân cuộc Tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội chung được tổ chức trong cả nước. Sau đổi thành: "Độc lập thống nhất - Hòa bình hạnh phúc", người đời vẫn thường hay gọi "Bác Hồ và em bé".
Hình ảnh em bé trong bức tranh cổ động của họa sĩ Thành được lấy hình mẫu từ em bé Việt Bắc năm 1950.
Cơ đồ những kỷ niệm của người họa sĩ già với bức tranh xuất sắc nhất cuộc đời ông.
Bức tranh hài hòa 5 yếu tố, vô tình tạo nên một bức kiệt tác hợp với lòng dân cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai sau này.
Năm 1976, Bộ Mỹ thuật tổ chức buổi triển lãm lần đầu tiên trên toàn quốc tại Vân Hồ, Hà Nội. Khoảng 4.000 bức tranh được gửi về, trong đó có "Độc lập thống nhất - Hòa bình hạnh phúc". Giáo sư Trần Văn Cẩn trực tiếp chấm từng bài thi. Hoạ sĩ Trần Từ Thành được xướng lên ở hạng nhì, và xưởng tranh cổ động trung ương đã cho in hàng vạn bản bức vẽ của ông, phát hành trên cả nước.
"Một hành trình dài, trải nghiệm trong chiến tranh, trong đau khổ và cả trong mất mát, thì con người mới mong muốn có được hoà bình, độc lập, tự do. Từng ấy suy nghĩ đủ để lấp đầy bức tranh này, đi vào nhân dân, giản dị nhưng độc đáo, mang ý nghĩa độc lập thống nhất Tổ quốc".
5 năm sau, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội phóng to bức tranh lên kích cỡ 4m2, treo lên nóc Nhà thông tin thành phố. Người dân cả nước đều biết đến tác phẩm này, như một dấu tích lịch sử giữa lòng bờ hồ Hoàn Kiếm. Nhưng bao năm qua, họ đều không biết tác giả là ai. Thậm chí, nhiều người còn hài hước cho đó là của ông Bùi Xuân Phái, ông Trần Văn Lắm, hay ông Tô Ngọc Vân.
Nói đến đoạn, hoạ sĩ Trần Từ Thành không lấy làm chạnh lòng. Ngược lại, ông tự hào vì bản thân đã có một tác phẩm để đời cho nhân dân. Đời người nghệ sĩ chỉ cần có vậy.
"Đây là bức tranh cổ động thành công nhất trong cuộc đời tôi. Không có niềm vui nào có thể sánh được với cảm xúc khi tác phẩm của mình trở thành hình ảnh quen thuộc nơi góc phố lớn tại Hà Nội. Họ không cần biết tên tôi, chỉ cần biết bức tranh nằm tại 93 Đinh Tiên Hoàng.
Dẫu rằng, cả tập thơ chỉ cần một câu thơ hay...".
Mỗi năm, vào những dịp trọng đại của đất nước, ông đều ghé thăm bờ hồ Hoàn Kiếm, lặng lẽ chụp một tấm hình với bức tranh.
Giữa căn nhà nhỏ, những bức vẽ được đóng khung treo một cách trang trọng.
Đã từng có rất nhiều nhà sưu tầm đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản,... ngỏ ý mua lại bản gốc của bức tranh, nhưng hoạ sĩ Trần Từ Thành đều từ chối. Cách đây 4 tháng, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tìm đến gặp ông.
"Nếu bảo tàng Hồ Chí Minh cần, tôi sẽ gửi tặng chứ không bán. Tiền thì bao nhiêu cũng hết, nhưng để lại tác phẩm muôn đời cho nhân dân mới là quý giá".
Từ giờ cho đến mai sau, bản gốc của bức tranh "Bác Hồ và em bé" sẽ được lưu giữ mãi mãi tại bảo tàng Hồ Chí Minh. Tác phẩm còn được treo ở Bảo tàng Lenin ở Matxcơva (Nga), La Habana (Cuba)… bằng phiên bản các chất liệu, kích cỡ khác nhau.
Những nếp nhăn xô vào nhau trên gương mặt người hoạ sĩ già, ông vốn là một người nhà quê, rời triền đê, con sông Ngàn Sâu ra Hà Nội sinh sống cách đây hàng chục năm trời. Mỗi lần đi qua con đường Đinh Tiên Hoàng, ông lại thầm thì: "Không có bất cứ điều gì có thể thay thế Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Người họa sĩ già thở phào nhẹ nhõm: Từ giờ, bản gốc của bức tranh sẽ được lưu giữ mãi mãi tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, để bất cứ ai cũng đều có thể chiêm ngưỡng.