Nhà thiết kế nội thất Tôn Nguyên Lương đã dành 8 năm để tìm mua nhà cổ và cải tạo thành không gian sống mơ ước ở thành phố Tô Châu, Trung Quốc. Ngôi nhà được đặt tên là “Dự Viên”, mang ngụ ý là cảnh quan trong phố cổ. "Dự Viên" có tổng diện tích lên đến 450m2, trong đó sân vườn là 100m2, tổng chi phí lên tới 6 triệu NDT (20,9 tỷ đồng).
Anh Tôn đã tìm kiếm hơn 6 năm, đi xem đến 50 - 60 ngôi nhà, cuối cùng mới chọn căn nhà này. Ngôi nhà nằm ở gần Bảo tàng Tô Châu, cách đường chính không xa, đông người qua lại nhưng không gian trong nhà lại giữ được yên tĩnh chủ nhà mong muốn.
"Dự Viên" được được thiết kế rất khéo léo để lấy được ánh sáng tự nhiên. Tiền sảnh ban đầu tách biệt với phần chính của tòa nhà và cửa ra vào nằm phía bắc. Nhưng Tôn Nguyên Lương đã mở cửa về phía nam, làm hành lang nối tiền sảnh và nhà chính để lưu thông gió.
Ngay ở tiền sảnh, nhà thiết kế Tôn làm một cửa sổ để có thể thấy lấp ló khu vườn nhỏ với cây lựu, dương xỉ,... Vào đến nhà chính là đến khu vực đọc sách với quầy bar nhìn được ra rừng trúc bên ngoài. Đi qua khu bếp và phòng ăn là khoảng sân rộng nhất vườn. Anh Tôn còn làm một phòng trà ven hồ, có thể vừa ngồi thưởng trà, ngắm cá, ngắm vườn và cảm nhận âm thanh tự nhiên.
Bên hông phòng trà có một giếng trời để cây gỗ sếu mọc thẳng lên trời. Tạo cảm giác “trong nhà có vườn, trong vườn có nhà, trong nhà có sân, trong sân có cây, từ cây có thể nhìn thấy bầu trời”, theo lời của Tôn Nguyên Lương.
Trên tầng 2, nhà thiết kế này mở các cửa sổ với nhiều hình dáng khác nhau để thông gió cũng như mở ra tầm nhìn thoáng đãng. Về cơ bản, anh không thiết kế “cửa” trong nội thất mà sử dụng kính lớn làm vách ngăn.
Trong “Dự Viên” không có điều hòa nhưng vẫn mát mẻ, có thể duy trì nhiệt độ và độ ẩm không đổi trong suốt cả năm, ở mức 23 độ đến 25 độ, độ ẩm khoảng 50%. Vào mùa hè độ ẩm cao, căn phòng cũng có thể được giữ khô ráo.
Vì không có thiết bị sưởi ấm và làm mát nên mức tiêu thụ điện năng của cả ngôi nhà ít nhất bằng một nửa so với những ngôi nhà thông thường. Tường trong nhà cũng được tạo một lớp cách nhiệt dày 3-5cm, giống như khoác lên mình một bộ quần áo cho cả ngôi nhà, có tác dụng cách nhiệt vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông.
Điều đặc biệt là trong quá trình cải tạo nhà, anh Tôn không hề sử dụng máy móc lớn mà chỉ dùng sức người. Nếu nhân lực không đủ, hàng xóm cũng rất nhiệt tình giúp đỡ gia đình. Ngược lại, gia đình họ Tôn cũng giúp hàng xóm sửa đường ống, để hàng xem mở cửa sổ sang ngắm vườn cây nhà mình,...
Trên thực tế, khu vườn rộng lớn với chi phí đầu tư lớn đã mang lại rất nhiều thay đổi giá trị. Trước đây, khi bạn bè hoặc gia đình Tôn Nguyên Lương tụ tập, họ vẫn thường cầm điện thoại di động lên để lướt mạng xã hội mà không tập trung vào cuộc vui. Nhưng khi ngồi trong vườn, mọi người đều bất giác đặt điện thoại xuống, uống trà bên hồ nước, ngắm cá bơi và những chú chim đậu trên ngọn cây.
Tôn Nguyên Lương từng là một người nghiện công việc và bị rơi vào trạng thái sống quá vội vã nhưng sau khi dành thời gian trong vườn nhiều hơn, cuộc sống của anh chậm lại.
Chuyển vào căn nhà mới này, gia đình anh cũng cùng nhau nấu nướng nhiều hơn thay vì gọi đồ ăn ngoài. Con gái vốn chỉ thích ở trong nhà đọc sách nay đam mê trồng cây, thường chạy ra ngoài sân ngắm những chú cá nhỏ. Khu vườn và căn nhà mới kết nối các thành viên gia đình với nhau và cũng kết nối con người với thiên nhiên, để cuộc sống có thêm niềm vui và trải nghiệm mới mẻ khi sống chậm lại.
(Theo Toutiao)