Thả cá tiễn ông Công, ông Táo về trời từ lâu đã là tập tục của mỗi gia đình Việt Nam vào 23 Tháng Chạp hàng năm.
Từ xa xưa, người Việt quan niệm rằng Ông Táo quanh năm ở trong bếp nên biết hết tất cả mọi chuyện tốt xấu của mọi người. Vì vậy, để cho vua bếp phù hộ cho gia đình sang năm mới gặp được nhiều điều may mắn, người Việt đã làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng.
Để có thể đưa ông Táo về trời, người Việt sẽ chuẩn bị 3 con cá chép sống (hoặc cá vàng), thả trong chậu nước. Sau khi làm lễ cúng, cá sẽ được mang phóng sinh ở các ao, hồ hoặc sông.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày hôm nay, rất nhiều người dân đã tập trung về các khu vực sông, hồ ở Hà Nội như Hồ Tây, Hồ Gươm, cầu Long Biên…để thả cá, tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Tại khu vực Hồ Tây, nhiều thùng xốp, túi giấy được chuẩn bị sẵn để người dân bỏ túi nilon sau khi thả cá.
Sau khi thả cá xong, người dân sẽ tập kết những chiếc túi nilon này lại điểm đã được bố trí từ trước.
Vài năm trở lại đây, người dân đã có ý thức hơn trong việc thả cá, hiện tượng thả cả túi nilon xuống sông, hồ đã giảm hẳn.
Một số người dân thay vì dùng túi nilon, đã sử dụng những hộp nhựa, chậu thủy tinh để đựng cá, nhằm hạn chế túi nilon thải ra môi trường.
Nhân dịp này, nhiều em nhỏ đã được người lớn cho đi thả cá. Nhiều em còn rất nhỏ, nhưng đều tỏ ra vô cùng hào hứng trước hoạt động này.
Anh Toàn (An Dương, Tây Hồ) cùng con gái có mặt từ rất sớm ở khu vực Hồ Tây để thả cá. “Mình năm nào cũng đưa con theo ra đây thả cá. Bên cạnh việc thả cá để mong gia đình được phù hộ sang năm mới gặp nhiều may mắn, mình muốn cháu được tiếp xúc và hiểu thêm về phong tục tập quán của người Việt Nam mỗi dịp Tết”, anh Toàn chia sẻ.
Nhiều người dân sau khi thả cá, dùng tay đẩy nhẹ để cá bơi ra xa, tránh bị mắc cạn.
Tuy nhiên, nhiều người dân không cẩn thận, dẫn đến cá chưa kịp đưa ông Công ông Táo về trời thì đã “bơi ngửa” ngay sau khi được thả xuống hồ.