Thả cá tiễn ông Công, ông Táo về trời từ lâu đã là tập tục của mỗi gia đình Việt Nam vào 23 tháng Chạp hàng năm.
Cá chép là phương tiện duy nhất để ông Táo cưỡi về trời. Cá chép đỏ là biểu tượng của sự may mắn, cũng là biểu tượng của sự vượt khó vươn lên, thành công "hóa rồng".
Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày hôm nay, do bầu trời Hà Nội bao phủ trong lớp sương mù dày đặc và bụi mịn nên số lượng người dân tập trung về các khu vực sông, hồ ở Hà Nội như hồ Tây, hồ Gươm, cầu Long Biên… để thả cá, tiễn ông Công, ông Táo về trời có phần hạn chế.
Tại khu vực Hồ Tây, thay vì như mọi năm người dân được tự do thả cá xuống hồ, năm nay cá sẽ được lực lượng chức năng hướng dẫn tập kết cho vào một thùng riêng. Còn túi nilon được tách riêng, bỏ vào túi rác.
Lực lượng chức năng sẽ dùng xe chuyên dụng, vận chuyển các con cá chép này di chuyển quãng đường khoảng 3km để đến địa điểm thả bên bờ sông Hồng.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người dân loay hoay tìm chỗ thả cá chép.
Nhiều bạn trẻ là tình nguyện viên đã đứng dọc 2 bên cầu Long Biên để giúp người dân thả cá chép xuống sông Hồng.
Cá chép sau đó sẽ được bỏ vào xô nhẹ nhàng đưa xuống gần mặt nước và thả.
Vài năm trở lại đây, người dân đã có ý thức hơn trong việc thả cá, hiện tượng thả cả túi nilon xuống sông, hồ đã có xu hướng giảm hẳn.
Chị Lan cùng con gái có có mặt từ sớm ở khu vực cầu Long Biên để thả cá. “Mình năm nào cũng đưa con theo ra đây thả cá. Bên cạnh việc thả cá để mong gia đình được phù hộ sang năm mới gặp nhiều may mắn, mình muốn cháu được tiếp xúc và hiểu thêm về phong tục tập quán của người Việt Nam mỗi dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay thời tiết hơi âm u nên có sự giúp đỡ của đội tình nguyện tôi thấy đây cũng là một trải nghiệm mới mẻ so với hàng năm”, chị Lan chia sẻ.