Người con có bố mắc kẹt trong ổ dịch Covid-19 ở viện dưỡng lão Mỹ: "Ông ấy như một tù nhân, và nỗi cô đơn giết chết người ta chẳng kém gì virus"

Jayden, Theo Báo dân sinh 02:56 18/03/2020

Với những người cao tuổi bị cách ly trong viện dưỡng lão Life Care - ổ dịch lớn nhất nhì nước Mỹ, nỗi cô đơn đang lây lan nhanh chóng, khiến họ đau khổ và tuyệt vọng không kém gì căn bệnh do virus gây ra.

"Ông ấy giống như tù nhân" - khi người già nằm liệt giường trong khu cách ly

Tuyệt vọng vì không thể trò chuyện với bố mình, Scott Sedlacek và em trai Steve đứng bên ngoài cửa sổ viện dưỡng lão rồi gào lên từng đợt. Đến lúc đó thì bố của họ dường như đã nghe thấy, nhưng ông cụ lại phản hồi quá yếu ớt. Cuộc nói chuyện cứ bùng lên rồi lại chìm vào tĩnh lặng. "Bố cảm thấy như là..." - môi ông cụ 86 mấp máy, nhưng anh em nhà Sedlacek không còn nghe được nữa.

Người con có bố mắc kẹt trong ổ dịch Covid-19 ở viện dưỡng lão Mỹ: Ông ấy như một tù nhân, và nỗi cô đơn giết chết người ta chẳng kém gì virus - Ảnh 1.

Nơi họ đang đứng là bên ngoài nhà dưỡng lão Life Care thuộc thành phố Kirkland, hạt King, bang Washington - ổ dịch nghiêm trọng nhất nước Mỹ. Từ ngày 29/1, viện dưỡng lão bị cách ly do có hàng chục cư dân và nhân viên y tế nhiễm Covid-19.

Điều đáng nói là những người "mắc kẹt" bên trong gần như bị cắt đứt liên lạc với phần còn lại của thế giới. Ví dụ như cụ Chuck Sealacek, ông đến viện dưỡng lão cách đây 3 tuần để tập vật lý trị liệu, nhưng rồi dịch bùng phát và lan rộng giữa "nơi nghỉ dưỡng" này.

Cụ Chuck có vẻ hốc hác đi nhiều. Ông phải cách ly sau khi nhiễm virus, tuy nhiên triệu chứng "không đủ nghiêm trọng" để được nhập viện. Gia đình ông vốn tìm kiếm ở Life Care sự chăm sóc chuyên nghiệp để giúp phục hồi vết thương ở mắt cá nhân và đầu gối sau một cú ngã. Vậy mà ông cụ đã không thể ra khỏi giường suốt 2 tuần.

Trước đây, dù tuổi cao sức yếu, ông Chuck vẫn có thể bước đến hội trường để gặp những người bạn già của mình. Còn bây giờ, ông đối mặt với nguy cơ nằm liệt giường do đã không vận động trong thời gian dài.

Ông Chuck có 5 người con nhưng họ rất khó để giao tiếp với bố, do đôi mắt đã mờ nhòe, cộng thêm chứng bệnh về thần kinh khiến ông không thể cầm được điện thoại. Viện dưỡng lão Life Care còn cho biết, các nhân viên đang quá tải nên chỉ có thể tắm cho ông cụ 2 lần trong suốt thời gian dưỡng bệnh.

"Ông ấy vừa là bệnh nhân vừa như là tù nhân. Chúng tôi rất lo sợ điều không may xảy ra. Vì nỗi cô đơn cũng có thể cướp sinh sự sống của rất nhiều người" - Scott nói.

Người con có bố mắc kẹt trong ổ dịch Covid-19 ở viện dưỡng lão Mỹ: Ông ấy như một tù nhân, và nỗi cô đơn giết chết người ta chẳng kém gì virus - Ảnh 2.

Gia đình Sedlacek cố gắng trò chuyện với bố thông qua lớp kính cửa sổ.

Thep AP, virus corona đã tấn công ít nhất 11 nhà dưỡng lão và khu chung cư tập trung đông người già ở phía Tây bang Washington. Trên toàn nước Mỹ, nhiều viện dưỡng lão cũng cảnh báo nguy cơ khó kiểm soát dịch Covid-19. Nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là Life Care. Dù vẫn chưa có thống kê chính xác, AP cho biết khoảng 24 trường hợp tử vong vì nhiễm Covid-19 có liên quan đến ổ dịch này.

Nỗi hoang mang khi không biết chuyện gì đang xảy ra

Với những ông bà cụ mắc bệnh và phải cách ly tại Life Care, cuộc sống của họ đang chìm trong sự cô độc và nhàm chán. Họ bị giới hạn trong 4 bức tường phòng ngủ mà không có vị khách nào đến thăm. Họ bàng hoàng nhận ra bạn cùng phòng và hàng xóm của mình lần lượt bị chuyển đi do bệnh tình trở nặng.

Cùng lúc đó, người thân lại đau khổ khi tiếp nhận các thông tin không nhất quán và đầy đủ. Ví dụ như với anh em nhà Sedlacek, các y tá cho biết đã kiểm tra thân nhiệt cho bố họ cách 4-8 tiếng một lần, tần suất thấp hơn nhiều so với tuyên bố của nhà chức trách.

Tim Killian, người đại diện cho viện dưỡng lão Life Care, cho biết: "Tôi có thể nói là các y tá cũng chia sẻ với nỗi hoang mang của mọi người. Chúng tôi không còn khả năng để chăm sóc cho tất cả các cư dân một cách đúng mực. Chúng tôi cần thêm nhiều sự giúp đỡ".

Khi chính viện dưỡng lão cũng không thể xoa dịu sự lo lắng của gia đình người cao tuổi, vết thương lòng lại càng bị khoét sâu.

Người con có bố mắc kẹt trong ổ dịch Covid-19 ở viện dưỡng lão Mỹ: Ông ấy như một tù nhân, và nỗi cô đơn giết chết người ta chẳng kém gì virus - Ảnh 3.

Những bó hoa tưởng niệm đặt ngoài cổng viện dưỡng lão Life Care.

June Liu, 93 tuổi, đã lưu lại viện dưỡng lão 2 năm nay sau một cơn đột quỵ nhẹ. Vào cuối tuần, bà thường được đón về để ăn món Đài Loan và đi lễ nhà thờ với gia đình. Năm ngoái vào đợt cao điểm dịch cúm, bà June cũng được con gái Su đưa về nhà chăm sóc. Nhưng hiện giờ, bà cụ mắc kẹt ở Life Care sau khi dương tính với virus. Do không biết tiếng Anh, bà June không hiểu nổi vì sao mình không được về nhà, cũng chẳng thấy con cháu nào đến thăm.

"Tôi nghĩ rằng mẹ đang rất, rất thất vọng, không biết chuyện gì đang xảy ra" - cô Su chia sẻ. "Đây là tình cảnh đáng buồn cho chúng tôi và nhiều gia đình khác. Các nhân viên Life Care nói họ đang cố gắng hết sức, nhưng có ai quan tâm đến sức khỏe tinh thần của người cao tuổi hay không? Hay là chỉ hô lên những câu như 'cách ly', 'kiểm tra nhịp tim' và 'tiêm tĩnh mạch' mà thôi?".

Người con có bố mắc kẹt trong ổ dịch Covid-19 ở viện dưỡng lão Mỹ: Ông ấy như một tù nhân, và nỗi cô đơn giết chết người ta chẳng kém gì virus - Ảnh 4.
Người con có bố mắc kẹt trong ổ dịch Covid-19 ở viện dưỡng lão Mỹ: Ông ấy như một tù nhân, và nỗi cô đơn giết chết người ta chẳng kém gì virus - Ảnh 5.

Anh Scott Sedlacek cũng khẳng định: "Bố của chúng tôi đang chịu đựng nỗi cô đơn quá lớn. Điều quan trọng nhất mà chúng tôi muốn nói với ông cụ chính là: "Chúng con yêu bố và muốn nhìn thấy bố khỏe mạnh trở lại. Chỉ là bọn con không thể ở bên cạnh chăm sóc cho bố trong lúc này".

Việc phong tỏa viện dưỡng lão Life Care bắt đầu từ ngày 29/1 và chưa biết bao giờ được dỡ bỏ. Trong khi đó, trên toàn nước Mỹ đã có 3.487 người nhiễm Covid-19 và 68 người tử vong, theo CDC cập nhật đến ngày 16/3. Tâm dịch vẫn nằm ở tiểu bang Washington, nơi đặt viện dưỡng lão Life Care.

(Nguồn, ảnh: AP)

Người con có bố mắc kẹt trong ổ dịch Covid-19 ở viện dưỡng lão Mỹ: Ông ấy như một tù nhân, và nỗi cô đơn giết chết người ta chẳng kém gì virus - Ảnh 8.