Chi tiêu hàng tháng của nhiều người trẻ đang bị ảnh hưởng khi nền kinh tế khó khăn, bão sa thải và giá cả leo thang vì lạm phát. Trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán biến động mạnh, gửi tiết kiệm kém hấp dẫn thì họ đã chọn đặt tài chính cá nhân vào mua vàng.
Thuý Quỳnh (SN 1997) là một giáo viên và đang sinh sống tại Hà Nội. Từ năm 2017, cô đã duy trì thói quen mua vàng hàng tháng, bởi khi đó cô có khoản tiền nhàn rỗi mà không cần dùng đến. Thêm nữa, cô tình cờ biết được vào thời chiến tranh, tức giai đoạn nền kinh tế bất ổn, mọi người thường mua vàng để chống mất giá. Cũng vì thế, Thuý Quỳnh mua vàng như một cách để làm bản thân "yên tâm" hơn về mặt tài chính.
Hàng tháng, Thuý Quỳnh dành 50% thu nhập để gửi tiết kiệm vào ngân hàng và đầu tư. So sánh với các khoản đầu tư khác, cô cho rằng vàng chỉ đơn thuần là hình thức giữ tiền, chứ không phải cách hiệu quả để "tiền sinh ra tiền".
Cô cho hay: "Mình chia quỹ tiết kiệm thành 3 phần. Một là gửi ngân hàng, theo gói tích góp hàng tháng. Hai là mua cổ phiếu rồi kệ nó, không mua hàng tăng nhanh giảm nhanh, vì mình không có chuyên môn và kiến thức. Ba là vàng, nhưng vàng mình chỉ mua bằng khoảng 15% số tiền tích luỹ. Tư duy của mình là không nhanh nhạy với đầu tư nên chậm mà chắc".
Một trường hợp khác, Thúy Ngân (sinh năm 1993, TP Hồ Chí Minh) đã bắt đầu mua vàng từ năm 2018. Cô cho rằng dù thị trường biến động ra sao, chẳng hạn giá bất động sản hay cổ phiếu giảm thì vàng vẫn thường giữ được giá trị khá tốt và luôn tăng theo thời gian.
Từ năm 2018-2020, cô mua khoảng 2 cây vàng. Tuy nhiên, những năm sau đó, thu nhập cao hơn, số lượng vàng Thúy Ngân mua cũng nhiều hơn. Từ năm 2021 đến năm 2023, cô lần lượt mua 5 cây, 10 cây và 5 cây vàng.
Được biết, vào tháng 11/2023, cô đã bán toàn bộ vàng bao gồm 22 cây 4 chỉ với giá 59,9 triệu/ cây. So với thời điểm giá vàng đạt đỉnh gần thời điểm này dao động khoảng 63-64 triệu/cây, mức giá Thúy Ngân bán vẫn khá tốt. Cô lãi khoảng gần 50% so với giá mua trung bình trong vòng hơn 5 năm.
Thuý Ngân chia sẻ: "Mình luôn theo dõi hàng ngày để mua được giá tốt nhất. Bên cạnh đó, mình thường mua vàng nhẫn. Đối với mình vàng nhẫn được sờ rõ và biết chắc được vàng thật hay vàng giả. Thông thường mình sẽ dành thời gian tích lũy một khoản tiền và mua theo cây. Còn mua chỉ vàng sẽ trong những dịp đặc biệt chẳng hạn như ngày Thần tài".
Thuý Ngân nói thêm, có thời điểm vừa bán vàng thì giá kim loại quý này tăng cao nhưng cô không thấy tiếc. Bởi vì mục đích bán vàng vừa để chốt lời, vừa đầu tư sang lĩnh vực bất động sản nhà đất. Chẳng hạn, trong đợt bán vàng vào tháng 11 năm ngoái, đó, Thuý Ngân nhận thấy giá bất động sản đang xuống và cho rằng đây là lĩnh vực khá tốt để đầu tư sinh lời trong tương lai, do đó cô chọn bán số lượng lớn vàng tích luỹ trong nhà để có tiền đầu tư nhà đất.
Đối với Thúy Ngân, vàng không còn là công cụ để đầu tư tích lũy trong hiện tại. Tuy nhiên, nếu biết nắm bắt thời điểm, vàng vẫn có thể phù hợp với nhu cầu của một số người. Bằng chứng là số lãi cô nhận được từ vàng cao hơn khá nhiều so với gửi tiết kiệm ngân hàng.
Còn về phía M.H (SN 1999, Hà Nội) bắt đầu mua vàng từ năm 2021, sau lời khuyên nên đầu tư vào tài sản này từ bố. Vốn là "dân" kinh tế, nên M.H hiểu về dài hạn giá vàng luôn tăng. Cô nàng mua vàng với quan điểm để tích trữ lâu dài và đầu tư an toàn chứ không bán lướt sóng. M.H mua vàng khi có tiền nhàn rỗi và mỗi lần mua 1 lượng vàng SJC.
"Với mình tỷ suất sinh lời của vàng so với chứng khoán và bất động sản thì không bằng nhưng có tính ổn định. Mình mua vàng để đầu tư dài hạn và chống tiền mất giá. Vàng là tài sản phòng thủ mà", M.H chia sẻ.
Đồng quan điểm với M.H, Thuý Quỳnh cho hay:"Khi nào có tiền nhàn rỗi và lâu lâu không dùng đến thì mình sẽ mua vàng, bao giờ rất cần tiền thì mình mới bán. Mình sẽ không mua vàng khi giá vàng đang lên liên tục, càng nhiều người bàn về vàng thì mình càng không mua.
Khi mua vàng, mình thường mua vàng nhẫn ở Bảo Tín Minh Châu, có mua thêm một ít vàng miếng của SJC. Mình chọn mua vàng có thương hiệu vì sẽ uy tín hơn, đảm bảo về tuổi vàng".
Một điều đặc biệt là khi mua vàng, Thuý Quỳnh ít khi để ý đến khoản lời lãi từ chúng. Cô mua vàng để giữ tiền không mất giá và hạn chế việc tiêu xài tiền không cần thiết.