Không phải cầu thủ nào cũng được Sir Alex nhận xét là "dị thường, kỳ lạ" như Ronaldo. Tất nhiên, phải gắn bó rất lâu trong một tập thể, với sự quan tâm như một người cha, giữa nhà cầm quân người Scotland và CR7 mới tồn tại mối quan hệ sâu đậm cho đến tận bây giờ.
Việc Ferguson hết lời ca ngợi Ronaldo không có gì ngạc nhiên vì chẳng ai hiểu ngôi sao này hơn ông. Chính Sir Alex đã đưa Ronaldo từ Sporting Lisbon tới Old Trafford năm mới 18 tuổi vào 2003 và nhào nặn anh trở thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.
Thế nhưng, để được cả thế giới ngưỡng mộ như hiện nay, Ronaldo đã không tránh khỏi "đòn roi" của ông thầy khó tính. Có một câu chuyện được kể lại rằng, trong mùa giải đầu tiên tại Man Utd, Ronaldo thường bỏ quên trách nhiệm của mình trên sân.
Điều này dẫn đến trận thua Benfica trên sân nhà tại Champions League mà cầu thủ trẻ này trải qua màn trình diễn tồi tệ. Kết quả là trong phòng thay đồ, Ferguson nổi trận lôi đình khi không thể kìm nổi mình: "Cậu nghĩ cậu là ai? Cậu đang cố gắng để chơi một mình? Cậu sẽ không bao giờ là một cầu thủ nếu làm điều này!".
Ronaldo bắt đầu khóc. Các cầu thủ khác đến an ủi và khuyên nhủ. "Cậu cần phải học hỏi", Ferdinand nói. "Đó là một thông điệp từ mọi đội bóng, không chỉ từ Ferguson, rằng tất cả mọi người cần phải học hỏi".
Nhưng sau những giọt nước mắt đó, phản ứng của ngôi sao người Bồ Đào Nha cũng giống như mọi khi: tiếp tục bước vào các buổi đào tạo một cách chăm chỉ và hăng say nhất. Thói quen này đã được duy trì cho đến ngày hôm nay, vốn được coi như thứ bảo bối giúp anh duy trì thành công trong chừng ấy thời gian.
Cho đến khi kết thúc sự nghiệp huấn luyện vào năm 2013, Ferguson đã không bao giờ đối xử với bất kỳ cầu thủ khác cùng một sự tôn trọng và tình cảm như ông đã làm với Ronaldo. "Thương cho roi cho vọt", Sir Alex không nuông chiều mà chính đằng sau sự nghiêm khắc ấy là niềm tin được đặt vào một cầu thủ có những tố chất phi thường.
Ở Old Trafford khi ấy, các cầu thủ vẫn lưu truyền câu nói nửa đùa, nửa ghen tị với Ronaldo lặp đi lặp lai: "Ông ấy là cha của cậu, ông ấy là cha của cậu!". Đối với Sir Alex, Ronaldo là một cầu thủ dị thường, một trường hợp kỳ lạ của bóng đá.
"Cậu ấy luôn muốn hôm nay phải tốt hơn hôm qua và ngày mai phải tốt hơn hôm nay. Bất kể thi đấu trong màu áo CLB hay ĐTQG, cứ ra sân là Ronaldo muốn ghi bàn và giành chiến thắng". Nhận xét một cách đầy ngưỡng mộ như vậy về cậu học trò, chẳng thế mà huyền thoại trên băng ghế huấn luyện của "Quỷ đỏ" tin rằng, Ronaldo có sự khác biệt lớn với Messi, bởi đơn giản tiền đạo này có thể chơi và ghi bàn cho bất cứ đội bóng nào.
Nếu tình cảm của Ferguson dành cho Ronaldo là chưa đủ thì chính ông cũng được cậu học trò cưng đáp lại bằng cách đối xử của một người con đối với một người cha. Đến bây giờ câu chuyện xúc động về cái chết của người cha ruột bị bệnh gan vẫn còn được Ronaldo nhắc lại và có liên quan đến Sir Alex.
"Khi cha tôi bị ốm ở London và được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê, tôi đã nói chuyện với Ferguson: ‘Sếp, tôi cảm thấy không tốt’. Ông ấy đáp: ‘Chúng ta đang ở trong một thời điểm quan trọng tại Premier League và Champions League’, nhưng tôi nói: ‘Tôi muốn nhìn thấy cha tôi’. Ông ấy bảo: ‘Cristiano, cậu muốn đi một ngày, hai ngày, một tuần, cậu có thể đi. Tôi sẽ nhớ cậu ở đây vì tất cả đều biết cậu là người quan trọng. Nhưng cha của cậu mới là người cần đến đầu tiên".
Khi Ronaldo đã coi Sir Alex là một người cha bóng đá của mình, sẽ chẳng có gì tuyệt vời hơn để anh báo đáp ông thầy của mình bằng chiếc Cúp lớn nhất cuộc đời (Euro 2016) và cái ôm nồng ấm trên khán đài sân Stade de France. Từ giọt nước mắt trong những ngày đầu tiên đến Man United cho đến nụ cười trên đất Pháp của Ronaldo, tất cả đều có hình bóng của người thầy đáng kính Sir Alex Ferguson.