Người bán vé số, bán hàng rong, xe ôm không có hộ khẩu trên địa bàn thì làm gì để được nhận hỗ trợ?

Luật sư Phạm Thanh Hữu, Theo Tổ Quốc 22:34 26/04/2020
Chia sẻ

Đây là vấn đề mà người bán vé số, bán hàng rong, xe ôm nói riêng, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm quan tâm. Chia sẻ của Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn Luật sư TP.HCM về điều kiện, thủ tục sẽ giúp người dân nắm rõ nhằm đảm bảo quyền lợi của mình.

Người lao động không giao kết hợp đồng lao động thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe đáp ứng các điều kiện sau:

1. Mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo trong thời gian từ ngày 01/4/2020 đến ngày 30/6/2020.

Hiện nay, mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg như sau:

- Khu vực nông thôn: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

- Khu vực thành thị: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Người bán vé số, bán hàng rong, xe ôm không có hộ khẩu trên địa bàn thì làm gì để được nhận hỗ trợ? - Ảnh 1.

2. Cư trú hợp pháp tại địa phương (Trường hợp người lao động có nơi thường trú và tạm trú không trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg và ngược lại).

Căn cứ vào khoản 4 Mục II Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, các đối tượng nêu trên được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Đồng thời, theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế, UBND cấp tỉnh quyết định các đối tượng được hỗ trợ khác ngoài các đối tượng nêu ở trên từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Nguồn kinh phí hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động được bảo đảm từ các nguồn tài chính hợp pháp của các công ty xổ số kiến thiết và được hạch toán vào chi phí theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Hồ sơ và trình tự thủ tục như sau:

- Hồ sơ đề nghị theo Phục lục kèm theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, gửi UBND cấp xã sau ngày 15 hằng tháng.

- Trong 5 ngày làm việc, UBND cấp xã tổ chức rà soát và lập danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ với sự tham gia giám sát của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và công khai với cộng đồng dân cư; niêm yết công khai danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ trong hai ngày làm việc; tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện gửi UBND cấp huyện.

- Trong hai ngày làm việc, UBND cấp huyện thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ trong 3 ngày làm việc. Trường hợp không phê duyệt, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Người bán vé số, bán hàng rong, xe ôm không có hộ khẩu trên địa bàn thì làm gì để được nhận hỗ trợ? - Ảnh 2.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày