Theo đó, người mẫu Ngọc Trinh đã đăng tải khoảnh khắc ghi lại cảnh gặp tai nạn khi vừa tạo dáng vừa lái mô tô ở khu đô thị Thủ Thiêm. Trong đoạn clip đăng tải, người mẫu này chạy xe mô tô phân phối lớn lưu thông trên đường với nhiều pha biểu diễn bằng cách nằm lái xe mô tô, hay thậm chí đứng trên xe và dang hai tay trong lúc chạy xe,... Hành động điều khiển xe mô tô phân khối lớn đi trên đường như vậy là vô cùng nguy hiểm.
Ngọc Trinh đăng khoảnh khắc vừa tạo dáng vừa lái mô tô (Ảnh: cắt từ clip)
Ngọc Trinh đăng tải những hình ảnh về tai nạn sau khi điều khiển xe mô tô nguy hiểm (Ảnh: cắt từ clip)
Luật sư Trần Hoàng Vũ (Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hiện nay, khi lướt qua các trang mạng xã hội không khó có thể tìm thấy cái tên Ngọc Trinh với hàng loạt những hình ảnh, clip đăng tải khoảnh khắc người mẫu này vừa lái xe mô tô vừa biểu diễn nằm lái xe, thả 2 tay lái xe… Đây có thể nói là những video mang nội dung không lành mạnh gây ảnh hưởng xấu tới người xem, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.
Theo vị Luật sư, hậu quả của các video có nội dung không lành mạnh này gây ra là vô cùng lớn. Những video có nội dung phản cảm có thể tác động xấu đến ý thức người xem, từ đó hình thành tư tưởng muốn học và làm theo để có video giống người mẫu. Nếu giới trẻ bắt chước làm theo, với tuổi trẻ còn thiếu kinh nghiệm điều khiển xe mô tô, không trang bị đầy đủ đồ bảo hộ khi điều khiển xe phân phối lớn rất có thể sẽ ngã xe, gây tai nạn ảnh hưởng tới tính mạng và nhiều người khác.
Luật sư Trần Hoàng Vũ (Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)
"Đối với việc người mẫu Ngọc Trinh đăng những video như vậy, có thể người mẫu này nghĩ đơn giản vì video thể hiện được phong cách, cá tính của bản thân chứ không nghĩ rằng sẽ gây ảnh hưởng xấu tới ai. Chính vì vậy mà đã vô tình đẩy bản thân vào vòng pháp luật", Luật sư Vũ cho hay.
Cũng theo vị Luật sư, những hành vi đăng clip tạo dáng nguy hiểm khi lái xe không phù hợp với thuần phong, mỹ tục dân tộc gây ảnh hưởng xấu có thể bị xử phạt hành chính.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…
Theo quy định trên, hành vi đăng tải video nội dung xấu, độc hại lên mạng xã hội có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người thực hiện vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin.
Luật sư Vũ thông tin thêm, ngoài các video do người mẫu này đăng tải có nội dung gây ảnh hưởng xấu cùng cần phải làm rõ thêm việc khi lái xe mô tô phân khối lớn người mẫu này có giấy phép lái xe theo quy định pháp luật chưa.
Theo quy định tại Điều 50 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:
1. Căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe cơ giới, giấy phép lái xe được phân thành giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn.
2. Giấy phép lái xe không thời hạn bao gồm các hạng sau đây:
a) Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3;
b) Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;
Như vậy, tuỳ theo khối lượng dung tích của xe mô tô người mẫu này phải có giấy phép lái xe hạng nào để có thể điều khiển phương tiện.
Trong trường hợp, người mẫu này chưa có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử phạt lỗi điều khiển xe mô tô phân khối lớn khi không có giấy phép lái xe. Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 7 điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới:
"Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;"
Như vậy, theo quy định này thì trường hợp điều khiển xe mô tô hai bánh có khối lượng dung tích lớn nhưng không có Giấy phép lái xe thì sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Căn cứ theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 82. Tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm
"1. Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các điều, khoản, điểm sau đây của Nghị định này:
i) Khoản 1; điểm a khoản 4; khoản 5; khoản 6; khoản 7; khoản 8; khoản 9 Điều 21;"
Như vậy, theo quy định này trường hợp điều khiển xe mô tô hai bánh có khối lượng dung tích nhưng không có Giấy phép lái xe quy định tại Khoản 7 Điều 21 thì sẽ bị tạm giữ phương tiện 07 ngày.