Các nhà khoa học vẫn tập trung vào việc nghiên cứu biến thể Delta, biến thể lây lan nhanh chóng hiện đang chiếm vị trí áp đảo, đồng thời theo dõi các biến thể khác để xem liệu một ngày nào đó chúng có thay thế vị trí của Delta hay không.
Delta vẫn là biến thể đáng lo ngại nhất
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ vẫn là biến thể đáng lo ngại nhất. Nó tấn công vào những người chưa được tiêm vaccine ở nhiều quốc gia và cho thấy khả năng lây nhiễm cao hơn so với những chủng virus trước đó ở cả những người đã tiêm vaccine.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định Delta là biến thể gây lo ngại, tức là biến thể này đã tăng khả năng lây nhiễm, gây nên nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn hoặc giảm tác dụng của vaccine cũng như các phương pháp điều trị.
Theo Shane Crotty, nhà virus học tại Viện nghiên cứu Miễn dịch La Jolla ở San Diego, "quyền năng" của biến thể Delta chính là khả năng lây nhiễm. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện ra rằng, những người nhiễm biến thể Delta có thể mang tải lượng virus ở mũi nhiều gấp 1.260 lần so với chủng virus ban đầu. Một số nghiên cứu của Mỹ cũng cho thấy "tải lượng virus" ở những người đã tiêm vaccine nhiễm biến thể Delta tương đương với những người chưa tiêm vaccine mặc dù vấn đề này vẫn cần nghiên cứu thêm.
Trong khi chủng virus ban đầu phải mất tới 7 ngày để gây ra các triệu chứng thì biến thể Delta gây ra các triệu chứng nhanh hơn 2 - 3 lần, khiến cho hệ miễn dịch có ít thời gian hơn để phản ứng và phòng vệ. Biến thể Delta dường như cũng đột biến nhanh hơn khi thế giới ghi nhận thêm nhiều trường hợp nhiễm biến thể "Delta Plus" - một dòng phụ của biến thể này chứa thêm đột biến có thể thoát khỏi sự bảo vệ của hệ miễn dịch.
Ấn Độ xác định Delta Plus là biến thể đáng lo ngại hồi tháng 6 nhưng Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) và WHO vẫn chưa có động thái tương tự. Theo Outbreak.info, trong một nguồn dữ liệu Covid-19 công khai, biến thể Delta Plus được phát hiện ở ít nhất 32 quốc gia. Các chuyên gia cho biết hiện chưa rõ liệu biến thể này có dễ lây nhiễm hơn hay không.
Lambda - Biến thể đang suy yếu dần?
Biến thể Lambda đã thu hút sự chú ý của công chúng như một mối đe dọa mới tiềm ẩn. Tuy nhiên, biến thể lần đầu được phát hiện ở Peru vào tháng 12 năm ngoái này có lẽ đang suy yếu dần, một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhận định với Reuters.
WHO xác định Lambda là biến thể cần quan tâm, tức là nó chứa một số đột biến nghi ngờ có thể thay đổi khả năng lây nhiễm hoặc gây nên nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn, song vẫn đang trong quá trình theo dõi. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, biến thể Lambda chứa một số đột biến có thể chống lại các kháng thể do vaccine tạo ra.
Tiến sĩ Eric Topol, giáo sư về y học phân tử và là giám đốc Viện Nghiên cứu Scripps Research Translational Institute ở La Jolla, California cho biết, theo GISAID, tỷ lệ các ca nhiễm biến thể Lambda đang giảm dần, một dấu hiệu cho thấy biến thể này đang suy yếu.
Trong một cuộc trao đổi gần đây với CDC, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết, biến thể Lambda dường như không tăng khả năng lây nhiễm và vaccine vẫn có hiệu quả trong việc đối phó với nó, William Schaffner, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt cho hay.
B.1.621 - biến thể cần theo dõi
Biến thể B.1.621 đã xuất hiện lần đầu tiên ở Colombia hồi tháng 1, và gây nên một đợt bùng phát dịch bệnh lớn.
Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu đã đưa B.1.621 vào danh sách biến thể cần quan tâm, trong khi Cơ quan Y tế Công cộng Anh cũng gọi nó là một biến thể cần theo dõi. Biến thể B.1.621 chứa một số đột biến như E484K, N501Y và D614G, có liên quan đến việc tăng khả năng lây nhiễm và giảm sự bảo vệ của hệ miễn dịch. Cho tới nay, Anh ghi nhận 37 ca nhiễm biến thể này trong khi một số bệnh nhân ở Florida Mỹ cũng được xác nhận đã nhiễm biến thể B.1.621.
Nguy cơ ra đời biến thể mới nguy hiểm hơn
Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế hàng đầu Nhà Trắng gần đây cảnh báo, Mỹ có thể gặp rắc rối, trừ khi có nhiều người đi tiêm vaccine hơn bởi một số lượng lớn những người chưa tiêm vaccine đang khiến virus có nhiều cơ hội hơn để lây lan và đột biến thành những biến thể mới.
Những người ủng hộ các nước giàu tăng cường phân phối vaccine cho thế giới cũng có cùng quan điểm khi cho rằng điều tương tự sẽ xảy ra khi các biến thể lây lan không kiểm soát trong dân số ở các nước nghèo, nơi mà rất ít người được chủng ngừa.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng hiện nay là các loại vaccine hiện tại ngăn chặn được các ca bệnh nặng nhưng lại không ngăn chặn được sự lây nhiễm, Gregory Poland, nhà khoa học về vaccine tại Bệnh viện Mayo nhận định. Điều này xảy ra là bởi virus vẫn có thể nhân lên ở mũi, do đó, thậm chí những người đã tiêm vaccine vẫn có thể lây lan dịch bệnh qua các giọt bắn nhỏ trong không khí.
Để đánh bại virus SARS-CoV-2, chuyên gia này cho rằng cần có một thế hệ vaccine mới có thể ngăn chặn cả sự lây nhiễm. Hiện nay thế giới vẫn dễ tổn thương trước sự xuất hiện của các biến thể mới, chuyên gia Poland và các nhà khoa học khác đánh giá.