“Trong một lần thực tập khám lâm sàng mắt cho trẻ em lúc còn học ở Malaysia, đoàn đội mình gặp một ca rất khó, đó là một em bé tự kỷ.
Em rất sợ người lạ, không ai trong đội có thể tiếp cận được để nói chuyện và thăm khám. Khi đó, mình cứ ngồi nhìn em mãi và tự hỏi, nếu không khám thì không thể phát hiện em bé có vấn đề gì về mắt cần hỗ trợ không? Để ý một lúc, mình thấy rằng em thu mình vào góc và rất tập trung để vẽ. Mình nảy ra một cách tiếp cận là sẽ vẽ cùng em. Sau khi thu hút được sự chú ý, mình vẽ lại các ký tự trên bảng thị lực. Em bé làm theo và đo được thị lực mắt bằng cách này.
Khoảnh khắc đó mình nhận ra: Hóa ra làm nghề sẽ thú vị đến vậy! Không nhất thiết phải theo một khuôn khổ nào, cái mình cần là sự linh hoạt và yêu nghề”.
Đó là những chia sẻ của Nguyễn Huyền Trang (SN 1992, Hà Nội, chuyên gia ngành Khúc xạ nhãn khoa). Thời điểm khó khăn của 8 năm trước đã đưa Huyền Trang bước vào được thế giới của em bé tự kỷ, khởi đầu hoài bão “đưa khám khúc xạ mắt cho trẻ em dưới 5 tuổi trở thành một thói quen của người Việt Nam”. Khó - nhưng không phải không làm được!
Nguyễn Huyền Trang (SN 1992, Hà Nội, chuyên gia ngành Khúc xạ nhãn khoa).
Và ở hiện tại, chặng đường vẫn tiếp tục. Dù chưa đạt được 100% hoài bão lớn lao đã đặt ra, nhưng những thành tựu được công nhận đã khiến Huyền Trang được tiếp thêm nhiều động lực.
- Tốt nghiệp Á khoa đầu ra Đại học SEGi Malaysia chuyên ngành khúc xạ nhãn khoa năm 23 tuổi.
- Đang là giảng viên Đại học Y Hà Nội từ năm 24 tuổi.
- Hiện tại kết hợp làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ - đầu tiên và trẻ nhất - chương trình Tiến sĩ ngành Khúc xạ nhãn khoa cho trẻ em ở Anh Quốc.
- Founder và CEO của 2 local brand: Trung tâm Mắt Trẻ em đầu tiên tại Việt Nam và thương hiệu kính mắt thời trang tự thiết kế và sản xuất.
- Cùng những dự án cộng đồng về mắt cho trẻ em được thực hiện thành công.
Và bí quyết để Huyền Trang từng bước đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp của mình, đó chính là “Live life to the fullest” (sống hết mình) và một gia đình nhỏ luôn yêu thương, đồng hành, cổ vũ cô trong suốt chặng đường.
Huyền Trang lớn lên trong đình có truyền thống theo ngành Y, tuy vậy khởi đầu của Trang lại là một cô sinh viên theo học Kinh tế tại Ấn Độ.
Gia đình luôn mong muốn con gái có thể theo ngành Y để giúp đỡ được cho cộng đồng. Vì thế, tình cờ trong một lần các Tổ chức phi Chính phủ tìm kiếm ứng cử viên sang Malaysia học tiên phong về khúc xạ nhãn khoa, họ hàng đã gửi thông tin này cho Trang và khuyên cô nên tham dự.
“Dù sắp tốt nghiệp bên Ấn Độ, nhưng vì thấy bố quá hy vọng mình có thể trở thành người tiên phong trong lĩnh vực này nên đã quay trở về Việt Nam thi thử. Mình đỗ học bổng toàn phần Đại học SEGi Malaysia”, Huyền Trang kể.
Chuyến bay từ Ấn Độ về Việt Nam để thi học bổng sang Malaysia đã khiến cuộc đời Huyền Trang rẽ sang một hướng hoàn toàn khác.
Chuyến bay từ Ấn Độ về Việt Nam để thi học bổng sang Malaysia đã khiến cuộc đời Huyền Trang rẽ sang một hướng hoàn toàn khác. Trong quá trình chuyển ngành, Trang có nhiều kỉ niệm đáng nhớ để thêm động lực trở thành chuyên gia trong ngành khúc xạ nhãn khoa.
Ngoài ca của em bé tự kỷ, Huyền Trang nhớ mãi câu chuyện của một em bé vùng cao, 8 tuổi nhưng không được đi học vì mắt kém. “Nó khiến mình ý thức được còn rất nhiều người cần sự giúp đỡ ngoài kia”, Huyền Trang xúc động nhớ lại.
Bạn trẻ vùng cao được Huyền Trang hỗ trợ điều trị mắt.
Cô kể tiếp: “Lần đầu tiên, cậu đưa em đến khám đã phát hiện mắt cận 8 độ, loạn thị 3 độ, được chẩn đoán thêm nhược thị, gần như không còn hi vọng nhiều. Nghe được câu chuyện về gia đình em, mình sốt sắng gọi điện và trao đổi cùng phụ huynh: Cứ cho em bé đi học, còn phần điều trị mắt mình sẽ lo. Thời gian điều trị tính bằng năm, cuối cùng trộm vía em cũng lên được thị lực 8/10, sau đó là 10/10. Hiện tại em bé ấy đã trở thành một chàng trai 16 tuổi, bảnh bao và chăm chỉ.
Những tình huống đã qua, những con người đã gặp khiến mình nhận ra bản thân sẽ giúp được cộng đồng nếu như tiếp tục theo đuổi hành trình này".
Khi chưa có con đường hay công thức thành công nào dành cho khúc xạ nhãn khoa tại Việt Nam, rất khó để Trang và team của mình bắt đầu đưa khúc xạ nhãn khoa lan rộng hơn đến mọi người. Nhưng may mắn cô luôn có những người đồng nghiệp đồng hành, cùng với đó là sự hỗ trợ từ các Tổ chức phi Chính phủ và các trường Đại học Y. Đến hiện tại, vài năm liên tiếp ngành khúc xạ nhãn khoa đã có điểm đầu vào cao thứ 3 sau đa khoa và răng - hàm - mặt.
Trải qua chặng đường 8 năm, Trang và team của mình đã có những thành tựu được công nhận, chính cô cũng cảm thấy thầm biết ơn vì bản thân đã cố gắng.
Trải qua chặng đường 8 năm, Trang và team của mình đã có những thành tựu được công nhận, chính cô cũng cảm thấy thầm biết ơn vì bản thân đã cố gắng. Nhưng trong quá trình đó, Trang cũng có những khoảng lặng.
“Khoảng lặng thì ai cũng có. Với mình đó là sự cô đơn, khó chia sẻ được nỗi lo, trăn trở và hoài bão của chính mình cùng những đồng nghiệp luôn sát cánh. Mình làm việc với đa số là những người trẻ, và mình yêu việc đó. Nhưng cũng rất khó cho các bạn để hiểu hết được 100% hoài bão của mình, vì ai cũng còn cả tá công việc cần xử lý mỗi ngày.
Bạn bè cũng đi du học và định cư nước ngoài. Thời điểm đi du học và tập trung vào sự nghiệp cũng chẳng có mấy ai đồng hành. Mình ít bạn thật…! Nên những gì mình đang theo đuổi chẳng thể chia sẻ được với ai, rất áp lực và căng thẳng. Có đôi khi phải ngắt kết nối với thế giới để tĩnh tâm và lấy lại năng lượng”, Huyền Trang nói.
Dù vậy, Huyền Trang cho biết điều may mắn nhất có lẽ là được sống với đam mê của mình. Bên cạnh đó là một gia đình lớn ủng hộ ước mơ của cô, và một gia đình nhỏ, một người chồng nỗ lực vun vén. Huyền Trang cũng bật mí, rằng tổ ấm là nơi khiến cô cười một cách thực sự và thoải mái nhất.
“Mình kết hôn vào năm 27 tuổi, cũng chạy “deadline” như bao người. Cũng khá bất ngờ khi mình và chồng quen nhau 1 năm rồi quyết định cưới luôn. Tuy vậy, đây là quyết định từ phía mình khi thực sự hiểu rằng mình đang dấn thân cho điều gì, sẵn sàng cả về sự nghiệp, tài chính lẫn niềm tin. Mình cũng đã có 1 bé. Ngoài những dấu mốc về công việc, thì kết hôn và sinh con cũng khiến cuộc đời mình bước sang một trang mới.
Ngoài những dấu mốc về công việc, thì kết hôn và sinh con cũng khiến cuộc đời Huyền Trang bước sang một trang mới.
Mình 26 tuổi, gặp chồng mình là học viên trong một khóa đào tạo sau đại học ở trường Đại học Y Hà Nội. Khi đó mình là giảng viên đứng lớp. Trong quá trình đó, cả hai phát hiện trước đây từng học chung một trường cấp 3. Sau này có duyên gặp lại, tụi mình nói chuyện và trao đổi nhiều hơn về cuộc sống, công việc cũng như lý tưởng của ngành.
Anh là một người rất vui vẻ và có nhiều năng lượng tích cực dù là một bác sĩ mắt truyền thống. Không bao giờ đem việc về nhà, sau giờ làm đều dành hết thời gian cho vợ con. Sự hài hước của anh rất thú vị, và mình nghĩ rằng đây đúng là năng lượng mà mình tìm kiếm trong cuộc sống áp lực này.
Chồng mình hiểu rõ về lộ trình sự nghiệp, cũng như luôn ủng hộ vợ. Gia đình chồng cũng vô cùng tuyệt vời khi luôn hỗ trợ và giúp đỡ con cái. Vậy nên gần như việc lấy chồng không khiến mình phải đánh đổi điều gì.
Nhưng có một điều thay đổi trật tự cuộc sống - đó là có con. Khoảng thời gian gần 2 năm khi sinh em bé là lúc mình gần như phải dừng toàn bộ công việc vì không có thời gian. Mình không nghĩ là có con lại “bận” như vậy, không chỉ cho con ăn và ngủ, mà còn ti tỉ thứ không tên quấn quanh. Vì bé nhà mình rất khó nuôi, luôn phải bế khi ngủ và khó ăn. Đó thực sự là một thử thách với gia đình mình. Tuy vậy, đó lại là điều vô cùng hạnh phúc”.
Luôn yêu thương bản thân và không ngại trải nghiệm những cơ hội mới.
Cho đến hiện tại, Huyền Trang cho biết bản thân luôn cảm thấy trọn vẹn dù là công việc hay gia đình. Để đạt được điều đó, có 2 điều mà Trang luôn lấy làm mục tiêu sống, và luôn truyền đạt cho mỗi lứa sinh viên cô giảng dạy:
Thứ nhất, là hãy yêu lấy bản thân mình. Sống cho mình, quyết cho mình. Điều này có nghĩa là hãy làm những điều mình thích trong giới hạn cho phép, đúng đắn và tích cực. Theo đuổi ước mơ và hoài bão đến cùng, đừng vì ai mà thay đổi hay dừng lại.
Thứ hai, là đừng ngại trải nghiệm. Có một câu nói Trang luôn yêu thích: "Nếu ai đó đưa đến cho bạn một cơ hội tuyệt vời nhưng bạn không chắc mình có thể làm được hay không, hãy nói đồng ý - sau đó học cách làm sau!".
Cuộc sống sẽ có rất nhiều cơ hội đến bất chợt để bạn bứt phá khỏi vòng an toàn. Thay vì chuẩn bị một kế hoạch kỹ lưỡng và chi tiết, hãy mang một tâm thế sẵn sàng thử và trải nghiệm.
Cảm ơn Huyền Trang vì những chia sẻ!