Nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Harvard Châu Thanh Vũ: Đi thực tập, đừng làm kẻ mất kiên nhẫn, kén việc, hay phàn nàn!

Châu Thanh Vũ - Design: Tom, Theo Trí Thức Trẻ 07:02 27/07/2017
Chia sẻ

Sinh viên nào cũng phải trải qua ít nhất một kì thực tập trước khi chính thức bước ra trường đời. Tuy nhiên, không phải trải nghiệm thực tập của ai cũng giống nhau.

Châu Thanh Vũ - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Harvard, người từng thực tập ở Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan, Tổ chức nông lương Thế giới (FAO) - đã có những chia sẻ hết sức chi tiết về những kinh nghiệm của Vũ trong suốt quá trình thực tập của mình.

-------

Đối với một số ít, thực tập là cơ hội để được trải nghiệm làm việc ở một công ty thuộc ngành mình yêu thích. Tuy nhiên, nếu hỏi nhiều bạn khác, họ sẽ mô tả kì thực tập là "3 tháng bưng cà phê".

Đối với những trường hợp "bưng cà phê", các bạn hoàn toàn có thể đổ lỗi cho công ty. Nếu họ thực sự quan tâm giao công việc ý nghĩa cho mình thì mình đã học được nhiều thứ rồi!

Tuy nhiên, công bằng mà nói, không công ty nào có nghĩa vụ giúp bạn cả. Và, nếu mang tư tưởng như trên, thì bạn sẽ chỉ tiếp tục "bưng cà phê" trong các công việc tiếp theo mà thôi.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Harvard Châu Thanh Vũ: Đi thực tập, đừng làm kẻ mất kiên nhẫn, kén việc, hay phàn nàn! - Ảnh 1.

Công việc không tự xuất hiện, mà phải xin!

Lần đầu tiên mình đi thực tập là vào mùa hè năm nhất ĐH, tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan.

Lúc bấy giờ, với tinh thần cầu tiến và vốn kiến thức học được ở ĐH Princeton, mình đã tưởng tượng trong đầu rằng mình sẽ là một thành viên đóng góp tích cực của nhóm nghiên cứu tại đấy. Nhưng khi bắt đầu thực tập, mình sớm nhận ra họ không cần mình như mình nghĩ.

Mình sớm nhận ra rằng nhóm của mình tại Viện đã hoạt động hiệu quả ngay khi không có thực tập sinh – vì đó là công việc của họ. Rồi với núi công việc và deadlines mà họ phải đối mặt, việc chăm lo cho một đứa thực tập sinh lại thành một gánh nặng khác. Trong 2 tuần đầu tiên, dù không bị bắt "bưng cà phê", nhưng mình thực sự cảm thấy bị lạc lõng.

Từ kinh nghiệm mùa thực tập đầu tiên, mình đi thực tập năm thứ 2 với bài học kinh nghiệm "vắng mợ thì chợ vẫn đông", và lần này mình quyết định làm khác đi.

Năm thứ 2, mình thực tập tại Khoa thống kê của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) tại thủ đô Rome (Ý). Một lần nữa, khi mình vừa vào, người phụ trách trực tiếp đã giao cho 3 tuần để "làm quen với những công việc của nhóm" – trong khi kì thực tập chỉ kéo dài tổng cộng 8 tuần.

Quyết tâm để không bị tái diễn tình trạng năm trước, mình tập trung nghiên cứu cật lực những vấn đề được giao trong 2 ngày và quay trở lại gặp sếp. Dường như ngạc nhiên vì hầu hết thực tập sinh trước đã dành đúng 3 tuần để làm quen, lần này sếp dành hẳn nửa tiếng để bàn bạc cụ thể hơn về kĩ năng của mình, và giao cho một công việc mới mà team đang thiếu.

Rồi từ từ, bằng cách luôn hoàn thành trách nhiệm sớm hơn thời hạn và nhận được sự tin tưởng, mình dần có được chỗ đứng trong team. Đến giữa kì thực tập, mình không còn đơn thuần nhận nhiệm vụ nữa, mà được tham gia thảo luận và đề xuất project nghiên cứu mới. Lúc nhận được email của sếp yêu cầu cả nhóm hỗ trợ dữ liệu để mình thực hiện đề tài do mình đề ra, mình mới cảm thấy được mình đang thực tập một cách đúng đắn.

Bắt đầu sớm và chọn nơi thực tập hợp lý

Thời điểm nào bắt đầu thực tập mới là vừa? Ở Việt Nam, mình để ý thấy các bạn chỉ thực tập khi sắp ra trường. Ở Mỹ, sinh viên thường bắt đầu thực tập từ rất sớm, đôi khi bắt đầu từ năm nhất. Và không phải bắt đầu những thứ to tác. Mình và bạn bè, dù là sinh viên ĐH top ở Mỹ, bắt đầu từ những công ty nhỏ, lẻ, và đôi khi không được trả tiền.

Nhưng phải nhờ thế, mà resume mới dày lên từ từ, để đến năm cuối, các sinh viên mới thực tập và được mời vào làm ở những công ty lớn, có tiếng hơn. Ngoài ra, thực tập từ sớm còn giúp họ rút ra được những kinh nghiệm làm việc cần thiết, để đến lần thực tập cuối cùng thì không còn những bỡ ngỡ ban đầu nữa.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Harvard Châu Thanh Vũ: Đi thực tập, đừng làm kẻ mất kiên nhẫn, kén việc, hay phàn nàn! - Ảnh 2.

Nói ngắn gọn nhất: ai cũng phải trải qua bưng cà phê và làm việc nhỏ trước khi được làm việc lớn. Câu hỏi ở đây là, bạn muốn bưng cà phê và làm việc vặt khi mới là sinh viên năm nhất, hay đang là sinh viên năm cuối đi tìm việc?

Ngoài ra, việc chọn nơi thực tập hợp lý là rất cần thiết. Ngoài kênh nhà trường và internet, hỏi han các anh chị năm trên cũng là cách tốt để tìm nơi thực tập. Là những người đi trước, họ có thể nói cho bạn nơi nào có môi trường làm việc tốt hơn, chăm lo đến thực tập sinh hơn.

Tất nhiên, làm việc ở đâu đi chăng nữa thì 90% sự chủ động cũng thuộc về bạn. Tuy nhiên, để không phải "đổ lỗi hoàn cảnh", thì tốt nhất vẫn là tìm hiểu ngay từ đầu nơi làm việc phù hợp nhất cho mình.

Cuối cùng là thái độ: đừng là đứa mất kiên nhẫn, kén việc, và hay phàn nàn!

Mình phải nhấn mạnh rằng có mối quan hệ tốt với sếp phụ trách và cả team là cực kỳ cần thiết cho một mùa thực tập thành công. Sau khả năng làm việc và tính chủ động ra, thái độ của bạn sẽ quyết định việc sếp có giao việc cho bạn không.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Harvard Châu Thanh Vũ: Đi thực tập, đừng làm kẻ mất kiên nhẫn, kén việc, hay phàn nàn! - Ảnh 3.

Nếu bị xử ép giao công việc mất thời gian, thay vì nhăn nhó và tỏ thái độ, hãy nhớ rằng trước tiên, "một điều nhịn là chín điều lành". Đối với nhiều công ty, thực tập sinh trước hơn hết chỉ là một vị khách. Do đó, khi vị khách này không muốn làm các việc được giao thì sẽ ngay lập tức bị gán cho nhãn hiệu "kén việc". Và sự nổi giận của bạn sẽ không giúp được gì: không giữ được mối quan hệ tốt với sếp sẽ chỉ đảm bảo rằng thời gian thực tập còn lại của bạn sẽ là địa ngục mà thôi.

Theo kinh nghiệm bản thân, cách tốt nhất để thoát ra khỏi tình huống này là hoàn thành thật nhanh các việc nhỏ, vặt kia, rồi phải thuyết phục sếp rằng giá trị của bạn cho công ty còn hơn thế. Đây không phải là điều dễ, nhưng hoàn thành công việc được giao và giữ cảm giác dễ chịu cho sếp là bước cần thiết đầu tiên.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Harvard Châu Thanh Vũ: Đi thực tập, đừng làm kẻ mất kiên nhẫn, kén việc, hay phàn nàn! - Ảnh 4.

Trong mọi trường hợp, phải tự lực cánh sinh!

Khi đi thực tập, trải nghiệm của bạn sẽ phải phụ thuộc vào rất nhiều tác động từ bên ngoài: từ công ty, đến sếp, đến đồng nghiệp, bản chất công việc… Nhưng sau tất cả, có được một kì thực tập ý nghĩa hay không nằm trong tầm kiểm soát của bạn.

Bưng cà phê hay không là do các bạn. Có học hỏi được kinh nghiệm hay không là do các bạn. Đừng "há miệng chờ sung", mà phải luôn chủ động. Trong hầu hết mọi trường hợp, đừng hão huyền rằng công ty hiểu rõ và sẽ giao công việc ý nghĩa, quan trọng cho mình.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Harvard Châu Thanh Vũ: Đi thực tập, đừng làm kẻ mất kiên nhẫn, kén việc, hay phàn nàn! - Ảnh 5.

Hãy nhớ rằng công việc chỉ được giao khi bạn được tín nhiệm, và lòng tin thì phải được xây dựng chứ không tự động có.

Chúc các bạn may mắn!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày