Nghiên cứu cấy nội tạng từ lợn cho người ngày càng thành công, nhưng tại sao có người lại kịch liệt phản đối nó?

Billy Cipher, Theo Trí Thức Trẻ 08:10 05/06/2020
Chia sẻ

Do nguồn cung khan hiếm và tỉ lệ tạng tương thích thấp, chuyện bệnh nhân qua đời khi đang chờ được cấy ghép là điều không hề hiếm.

Trước tình trạng thiếu hụt tạng ghép, giới khoa học đã nghiên cứu và đưa ra nhiều phương pháp mới đầy triển vọng. Trong số đó, cấy ghép dị chủng, hay cấy ghép nội tạng động vật (xenotransplantation) được cho là một trong những hướng đi tiềm năng nhất.

Nghiên cứu cấy nội tạng từ lợn cho người ngày càng thành công, nhưng tại sao có người lại kịch liệt phản đối nó? - Ảnh 1.

Lợn và người - tưởng khác mà giống nhau đến bất ngờ

Nhận thấy nhiều điểm tương đồng trong giải phẫu và sinh lí giữa cơ thể người với lợn, lại thừa kế nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc và biến đổi gen, y học hiện nay sở hữu đầy đủ các công cụ cần thiết để phát triển phương pháp này.

Bạn hãy tưởng tượng tạng nuôi cấy giống như trồng một cái cây vậy. Để có cái cây, ta cần 2 thứ: hạt giống và một môi trường để hạt cây phát triển. Kế hoạch là chúng ta sẽ tìm và kiến tạo 2 yếu tố này cho "cây", tức nội tạng cần dùng để cấy ghép.

Nghiên cứu cấy nội tạng từ lợn cho người ngày càng thành công, nhưng tại sao có người lại kịch liệt phản đối nó? - Ảnh 2.

"Hạt" ở đây là một phôi thai heo được biến đổi gen, sao cho phôi đó không phát triển nội tạng cần nuôi cấy, một quả thận chẳng hạn. Nếu bạn cho phôi này lớn thành con và chào đời, đó sẽ là một con lợn không có thận.

Dĩ nhiên không có thận thì chẳng loài động vật nào sống được cả. Vậy nên trong quá trình tạo phôi, ta cấy tế bào gốc của người cần tạng vào đó.

Tế bào gốc là những tế bào toàn năng, chúng có thể "biến" thành bất cứ loại tế bào nào. Chúng có tác dụng "điền vào chỗ trống", tức là phát triển thành quả thận mang gen người, thay vì quả thận mang gen lợn bình thường. Giờ ta sẽ đợi con lợn lớn lên, đến khi quả thận này tới kì "thu hoạch" thì mổ nó và cấy sang cho người.

Nghiên cứu cấy nội tạng từ lợn cho người ngày càng thành công, nhưng tại sao có người lại kịch liệt phản đối nó? - Ảnh 3.

Cơ thể lợn chính là môi trường hoàn hảo cho tạng lớn lên và kĩ thuật nuôi cấy phôi cho phép ta tạo ra bao nhiêu "hạt giống" tùy thích.

Khỏi phải nói, phương pháp này có quá nhiều ưu điểm. Nếu nó được phát triển thành công, trong tương lai con cháu chúng ta sẽ không phải phụ thuộc vào nguồn tạng duy nhất là hiến tặng nữa. Nguồn này không đều đặn và mỗi ca tìm được tạng phù hợp đều là một kì tích. Khả năng tạng bị đào thải sau cấy ghép hoàn toàn có thể xảy ra và nhiều vấn nạn xã hội xung quanh việc bán tạng, thậm chí là "cướp" tạng cũng làm người ta phải đau đầu.

Những chuyện đó sẽ chẳng còn nếu khoa học có thể biến trại lợn trở thành nơi cung cấp số lượng nội tạng lớn, đa dạng theo nhu cầu với độ tương thích cực cao (do sử dụng tế bào gốc của chính bệnh nhân).

Sự phản đối kỳ lạ

Trường hợp lý tưởng, mỗi người đều có thể sở hữu một con lợn tương ứng "nuôi" sẵn vài loại tạng làm nguồn chờ đảm bảo. Không phải quá hoàn hảo hay sao?

Tuy nhiên, lý tưởng ấy có nguy cơ bị vùi dập. Dù cấy tạng dị chủng là cứu cánh tuyệt vời cho tình trạng thiếu hụt hiện nay – nhưng đó là trên phương diện kĩ thuật. Nó vấp phải sự phản đối chính là vì lí do đạo đức.

Đầu tiên, các thí nghiệm thành công từ đầu đến cuối quy trình – từ tạo phôi đến nuôi cấy tạng mang "gen ngoại" khỏe mạnh - đều chỉ dám sử dụng tế bào gốc của lợn. Các phôi "lai người, lai lợn" đều đã bị bỏ ở tuần thứ 4 vì các tế bào gốc được nhận thấy là còn phát triển thành nhiều loại tạng khác rải rác khắp cơ thể bào thai, chứ không chỉ mỗi cơ quan dự định nuôi cấy ban đầu. Như vậy, nếu cứ tiếp tục thí nghiệm, chúng ta phải làm gì với số tạng thừa nảy sinh "ngoài kế hoạch" cho nhân văn, không chỉ cho con người, mà cho cả môi trường?

Nghiên cứu cấy nội tạng từ lợn cho người ngày càng thành công, nhưng tại sao có người lại kịch liệt phản đối nó? - Ảnh 4.

Tiếp đến, bài toán thứ hai được đặt ra là: gần như mọi cơ quan đều có thể được tạo ra nhờ sử dụng tế bào gốc. Vậy thì giả sử trong một cá thể lợn người ta nuôi nhiều hoặc tất cả các loại tạng người, với gen người trong đó: từ tim, gan, phổi, tủy sống… đến não cùng lúc thì sao? Sinh vật này có còn là lợn không, hay là người trong hình dạng của một chú heo? Những cá thể đó sẽ có quyền lợi gì không, và sẽ sinh sống ra sao? Nếu giới hạn số tạng nuôi cấy trên cá thể, thì phải có những biện pháp quản lí và kiểm tra nào cho hiệu quả?

Thế giới vẫn còn đang tranh cãi, cả hai bên đều đưa ra được những lập luận riêng cho mình. Vậy còn bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề này? Đồng ý hay không đồng ý?

Nguồn: Minute Earth, Research Gate
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày