Công viên Yoyogi tại Tokyo, Nhật Bản những ngày đầu tháng tư như khoác lên mình đầy sức sống: Từng nhóm nam thanh nữ tú ngồi dưới gốc cây anh đào, xung quanh là những chai rượu sake và shochu, thức ăn được bày biện cẩn thận và những trò chơi tập thể. Họ chụp những bức ảnh hoa anh đào thật đẹp rồi truyền tay nhau xem.
Những bữa tiệc hanami (thưởng hoa) như vậy đã có truyền thống từ hàng thế kỷ qua, như một biểu tượng của vẻ đẹp quốc gia và sức sống tuổi trẻ. Nhưng người ta tự hỏi, trong số hàng nghìn người trẻ ấy, có bao nhiêu cặp đôi đang hẹn hò? Có bao nhiêu người muốn thử sức với tình yêu và chạm tới tình dục?
“Nhật Bản không tình dục” đã trở thành một cụm từ được nhắc tới nhiều trong truyền thông và trên mạng xã hội. Theo ước tính, có khoảng ¼ người Nhật Bản cả nam cả nữ tuổi từ 18-39 không có kinh nghiệm quan hệ tình dục. Tờ Guardian còn gọi Nhật Bản là một “vùng đất của những trinh nữ” - dù họ cũng muốn nói tới cả nam giới Nhật Bản. Tuy vấn đề này không mới mẻ với những hiện tượng như giảm tỷ lệ sinh mới giảm xuống mức báo động và vấn đề già hóa dân số, người ta vẫn trăn trở về “nghịch lý Nhật Bản”: Nền văn hóa xứ sở mặt trời mọc luôn tôn vinh tình dục và tràn đầy những sản phẩm khiêu dâm, từ những bức tranh khắc gỗ có từ thế kỷ 17 cho tới thể loại hoạt hình hentai hiện tại, nhưng câu chuyện tình dục của người trẻ lại “đi xuống” khiến nhiều người quan ngại.
Tại Nhật Bản, có rất nhiều tên gọi cho những nam giới (và cả nữ giới) không hứng thú với hoạt động tình dục, thậm chí là hẹn hò yêu đương. Họ được gọi là soshoku danshi (những kẻ ăn cỏ) hay hikikomori - những người sống đóng khép với xã hội, thường chỉ ở trong phòng suốt nhiều năm. Họ được khắc họa như những kẻ cô độc, sinh ra và lớn lên trong những gia đình với bố mẹ trưởng thành từ thời kỳ hậu chiến Nhật Bản, nhiều áp lực và gánh nặng từ xã hội. Nhiều người coi thế hệ người trẻ không tình dục như một nỗi thất vọng của Nhật Bản; Trung Quốc đang đi lên, Mỹ đang chuyển mình, còn lại Nhật Bản bị bỏ phía sau.
Theo nghiên cứu mới nhất của đại học Tokyo về cuộc khủng hoảng tình dục của giới trẻ đất nước này, đại đa số những người đàn ông không hứng thú với chuyện chăn gối thường không có việc làm. Đa phần thất nghiệp, một số có các công việc làm thêm lẻ tẻ và sống ở những thành phố nhỏ hay các vùng nông thôn. Một điều đáng chú ý trong khảo sát này là nhiều người trẻ Nhật Bản trong độ tuổi 30 đã từng có quan hệ tình dục nhưng cuối cùng cũng từ bỏ và giờ không còn hứng thú gì với việc tìm kiếm một người bạn đời. Theo tiến sĩ Peter Ueda, điều này có liên quan tới vấn đề văn hóa tại đất nước Nhật Bản. Trong những năm 1980, việc làm mai mối trở nên phổ biến và người trẻ gặp áp lực phải kết hôn. Bước sang thế kỷ 21, hiện đại hóa, tây hóa và sự sụp đổ của “bong bóng” kinh tế Nhật Bản đã khiến các cuộc hẹn hò sắp đặt trở nên thừa thãi.
“Xã hội Nhật Bản không còn quan tâm lắm đến việc bạn có kết hôn hay không nữa. Người trẻ phải tự có trách nhiệm quan tâm tới các câu chuyện hẹn hò, kết hôn của mình”, ông Ueda chia sẻ.
Cũng theo báo cáo của các chuyên gia y tế công từ trường đại học Tokyo, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 18-39 chưa quan hệ tình dục đã tăng từ 21,7% vào năm 1992 lên tới 24.6% vào năm 2015. Con số này cao ở nam giới, đạt 25.8% vào năm 2015, tăng từ 20% vào năm 1992.
Theo Roland Kelts, một người Mỹ gốc Nhật đã sống tại Nhật Bản nhiều năm, ông cho rằng việc phụ nữ Nhật Bản ngày càng độc lập hơn trong xã hội và tự chủ về kinh tế, cùng với việc nam giới Nhật Bản ngày càng đắm chìm trong thế giới ảo đã khiến khoảng cách giữa nam giới và phụ nữ ngày càng xa nhau hơn. “Tôi không thích những người phụ nữ thật, họ quá kén chọn và lắm điều. Tôi thích một người bạn gái ảo hơn”.
Những người bạn gái ảo đã trở thành một trào lưu tại Nhật Bản; người ta coi đó như một sự “tiến hóa” trong văn hóa otaku khi trước đây, các otaku thường chỉ đắm chìm trong thế giới truyện tranh và hoạt hình. Nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ, họ đã hiện thực hóa được ước mơ về các cô bạn gái 3D của mình. Vậy còn điều gì khó giải quyết? Nhu cầu tình dục thực tế? Đúng là những cô bạn gái công nghệ không thể cho họ cảm giác hữu hình nhưng với sự phát triển của công nghệ, mọi yếu tố liên quan tới cảm giác đều có thể giải quyết với các thiết bị tác động trực tiếp tới thần kinh mà không cần một cô bạn gái thật.
Trong những năm gần đây, các phong trào #Metoo hay đòi bình quyền đã thể hiện được phần nào tiếng nói của phụ nữ. Họ độc lập, tự chủ, không lệ thuộc vào đàn ông và với nhiều người, hôn nhân như một cách để trói mình lại. Chính vì vậy, việc tìm kiếm bạn trai hay kết hôn không còn là điều quan trọng khi nhiều phụ nữ đặt sự nghiệp lên trên hết.
Một điều thú vị với “nghịch lý Nhật Bản” rằng mặc dù chủ đề tình dục xuất hiện trong các sản phẩm công nghiệp khiêu dâm rất nhiều, đây vẫn là chủ đề cấm kỵ trong các cuộc nói chuyện của người Nhật Bản. Theo giáo sư Kukhee Choo từ đại học Sophia, Tokyo, sinh viên của ông thường không dùng những từ ngữ như “dương vật” hay “âm đạo”. Nếu một người phụ nữ nói về việc đó, họ xem cô ta như một người phụ nữ đồi trụy. Nam giới cũng không mấy khi nhắc tới các câu chuyện như vậy công khai.
Tuy nhiên, nhiều người không coi đó là một “nghịch lý” mà như một vòng luẩn quẩn với xã hội Nhật Bản. Khi nam giới thất nghiệp ngày càng nhiều, việc tìm được một người bạn gái phù hợp sẽ ngày càng khó khăn dẫn đến việc khép mình lại. Nền công nghiệp phim khiêu dâm phát triển chỉ như “đổ thêm dầu vào lửa” khi họ có thể tìm đến những thú vui khác - phim khiêu dâm, bạn gái ảo, tình dục trực tuyến, công nghệ VR - mà không cần có bạn gái hay kết hôn. Càng tìm đến những sản phẩm công nghệ như vậy, họ càng rời xa vấn đề chăn gối thực tế.
Việc thờ ơ với vấn đề tình dục không chỉ diễn ra với các cặp đôi trẻ. Theo một nghiên cứu bởi tổ chức kế hoạch hóa gia đình Nhật Bản được tiến hành năm ngoái, 44,6% các cặp đôi đã kết hôn nói rằng cuộc hôn nhân của họ cũng gần như không có tình dục với nguyên nhân chính do áp lực công việc cũng như không muốn có con.
Câu chuyện về một thế hệ trẻ không hào hứng với chuyện tình dục đã không còn gói gọn trong lãnh thổ Nhật Bản mà lan ra toàn thế giới. Tờ Time mới đây đã đăng tải câu chuyện “Tại sao chúng ta lại không quan hệ tình dục nhiều?” khái quát về vấn đề ngại quan hệ chăn gối tại nước Mỹ. Theo General Social Survey, tỷ lệ người Mỹ quan hệ tình dục ít nhất một tuần một lần đã giảm từ 45% vào năm 2000 đến 36% năm 2016. Thế hệ millennials trong độ tuổi 20 ngại quan hệ tình dục hơn rất nhiều so với thế hệ X đi trước.
Cũng như các sản phẩm phim khiêu dâm, sự xuất hiện của các ứng dụng hẹn hò về một phần làm tăng cơ hội hẹn hò của mọi người nhưng một phần khác, làm giảm nhu cầu tình dục của nhiều người trẻ. Chúng ta luôn đắn đo khi chọn một người để yêu hay quan hệ khi có quá nhiều lựa chọn để cuối cùng không tìm ra một ai phù hợp. Một vòng luẩn quẩn lại diễn ra: Chúng ta không biết chọn ai khi có quá nhiều lựa chọn, và không biết chọn ai khiến chúng ta lại muốn tìm đến nhiều lựa chọn hơn. Tinder phổ biến trên toàn thế giới, không chỉ ở Mỹ hay Nhật mà nó đã trở thành vấn đề của toàn cầu.
Người ta có 1001 lý do cho thế hệ không tình dục: hậu quả của văn hóa hẹn hò, nền kinh tế suy thoái, tỷ lệ lo âu gia tăng, của các vấn đề tâm lý, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm ngày càng nhiều, truyền hình trực tuyến, ô nhiễm môi trường, giảm nồng độ testosterone, phim khiêu dâm trực tuyến, ứng dụng hẹn hò, điện thoại, bùng nổ thông tin, béo phì và cả các hội chứng mất ngủ. Tất cả đã tạo nên một bức tranh về một thế hệ không tình dục đang ngày càng phổ biến.
Ở Việt Nam, tuy không có những con số chính xác về vấn đề trên của người trẻ nhưng có lẽ, chúng ta cũng thấy đâu đó sự xuất hiện của tất cả các lý do đề cập bên trên. Văn hóa Nhật Bản hay phương Tây phát triển ở Việt Nam rất nhanh với nhiều điểm tương đồng: Phụ nữ có cơ hội và tiếng nói hơn, sự phát triển của các sản phẩm trực tuyến, cuộc sống cũng đầy áp lực và căng thẳng cũng như “chiếc bẫy” ứng dụng hẹn hò.
Sẽ tới lúc, câu chuyện về thế hệ lười chăn gối sẽ không còn là chuyện riêng của Nhật Bản hay Mỹ. Chúng ta sẽ nhắc tới nó thực sự như một vấn nạn toàn cầu.