Nghệ sĩ piano quốc tế Nguyễn Đức Anh về nước, cùng Thanh Bùi xây dựng cộng đồng nghệ thuật tại SMPAA

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 17:30 15/10/2020
Chia sẻ

Là nghệ sĩ piano Việt Nam đại diện cho thương hiệu đàn huyền thoại Blüthner (Đức), đạt nhiều giải thưởng piano trong nước và quốc tế, pianist Nguyễn Đức Anh thành danh khá sớm ở độ tuổi 29.

Sau 10 năm học tập và làm việc tại Đức, Nguyễn Đức Anh có một quyết định táo bạo: trở về Việt Nam trong vai trò mới - Trưởng khoa Piano của Học viện Âm nhạc và Trình diễn nghệ thuật Soul (SMPAA) do nghệ sĩ, nhà giáo dục, doanh nhân Thanh Bùi sáng lập.

Là đại diện cho thế hệ nghệ sĩ trẻ tài năng, quyết định của Đức Anh khi đồng hành cùng SMPAA khơi nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ tương lai, giới thiệu giá trị Việt ra toàn thế giới - đã tạo một tiếng vang và sự bất ngờ trong giới nghệ sĩ cũng như cộng đồng các học viện giáo dục âm nhạc và nghệ thuật.

Nghệ sĩ piano quốc tế Nguyễn Đức Anh về nước, cùng Thanh Bùi xây dựng cộng đồng nghệ thuật tại SMPAA - Ảnh 1.

Pianist Nguyễn Đức Anh

Điều gì đã mang Đức Anh đến với âm nhạc?

Thú thật thì Đức Anh không có đam mê ngay từ đầu mà "bị"… gia đình định hướng. May mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, cả ông và cha của mình đều là những nhạc sĩ giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Mình còn nhớ niềm vui ngày còn nhỏ, khi lần đầu chạm vào những phím đen, phím trắng trên cây keyboard bố mẹ tặng.

Nhưng từ sau đó nhạc cụ đối với mình là một loại áp lực nặng nề. Bố mình rất nghiêm khắc, ông tu nghiệp tại Nga nên có phương pháp giáo dục tương đối khắt khe. Năm 7 tuổi, mình vào Học viện Âm nhạc Quốc gia, theo học chương trình Sơ trung chuyên nghiệp kéo dài 11 năm.

Mặc dù học piano từ nhỏ nhưng thực tế mãi đến năm 15 tuổi mình mới thực sự chủ động định hướng bản thân theo con đường piano chuyên nghiệp, nhờ vào một câu nói của giáo viên đã đụng chạm đến lòng tự ái của mình.

Nếu như trước năm 15 tuổi mình chơi nhạc vì gia đình mình, vì cha mẹ mình mà chưa phải vì mình thì sau đó, nhờ vào sự "phục thù" tập trung vào nghe nhạc, luyện tập một cách chủ động, mình đã có cảm giác thuộc về nhạc cổ điển và tự lựa chọn con đường của bản thân.

Như vậy có phải chăng bố mẹ, gia đình anh đã định hướng nghề nghiệp đúng đắn và phù hợp với anh ngay từ đầu, nhưng khi ấy anh còn quá nhỏ để tin tưởng vào khả năng của mình?

Nếu thời gian quay trở về lần nữa, mình vẫn chọn hoài nghi, trải nghiệm, thử thách, nỗ lực, khám phá bản thân và tự lựa chọn con đường đi của mình.

Khoảng thời gian sống và làm việc tại Đức đã khiến mình có cách nhìn rất khác về môi trường học tập tuổi ấu thơ. Tại đây, mình nhìn thấy mọi trẻ em từ 5-6 tuổi được "chơi" với âm nhạc. Tinh thần của trường học là sự nuôi dưỡng về tâm hồn và niềm vui, sự say mê với âm nhạc trước khi các bạn đi sâu vào chuyên ngành.

Nghệ sĩ piano quốc tế Nguyễn Đức Anh về nước, cùng Thanh Bùi xây dựng cộng đồng nghệ thuật tại SMPAA - Ảnh 2.

Pianist Nguyễn Đức Anh tại chương trình SMPAA Piano Welcome Recital công bố tân Trưởng khoa Piano tại SMPAA

Như anh Thanh Bùi từng chia sẻ với mình, đại ý rằng một trong những điều khó nhất của một người thầy là mình phải cân bằng giữa việc thúc đẩy học sinh (vì mình nhìn ra được tiềm năng của các bạn) và việc giữ được sự ngây thơ, không quá tạo áp lực cho học trò. Trước tiên học trò phải cảm nhận (feel) âm nhạc, dần dần sẽ có niềm tin (believe), rồi từ đó được truyền cảm hứng (inspire) để chủ động trong việc khám phá âm nhạc.

Đó cũng là lý do Đức Anh chọn Học viện Âm nhạc và Trình diễn nghệ thuật Soul vì sự tương đồng giữa tôn chỉ, mục đích, sứ mệnh của trường và môi trường Đức Anh làm việc tại Đức?

Có thể nói như vậy. Đức Anh có một khát khao và một sự tin tưởng đặc biệt với thế hệ trẻ Việt Nam. Mình tự nhủ những giá trị Việt Nam đã bồi tụ sẽ giúp mình không biến thành một "ông Tây". Mình có độ cởi mở nhất định nhưng cũng tích lũy, bung mình ra để thu nhận những trải nghiệm.

Mình chọn trở về Việt Nam để trở thành người truyền bá tư tưởng, đưa tri thức của mình đến bất kỳ đối tượng nào và tối ưu hóa nó.

Nghệ sĩ piano quốc tế Nguyễn Đức Anh về nước, cùng Thanh Bùi xây dựng cộng đồng nghệ thuật tại SMPAA - Ảnh 3.

Chương trình học Piano MasterClass trực tuyến cùng các nghệ sĩ biểu diễn piano quốc tế

Vì thế, mình ấp ủ rất nhiều dự án tại SMPAA. Một trong số đó là góp phần xây dựng và phát triển chương trình học Piano MasterClass trực tuyến dành cho các bạn trẻ ở trình độ Trung cấp và Cao cấp (Intermediate và Advance), kết nối những nghệ sĩ biểu diễn piano quốc tế hàng đầu thế giới đến cây đàn của học trò. SMPAA sẽ tạo ra những hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp nhất, đưa âm nhạc Việt Nam tiếp cận nhiều dân tộc, đất nước, cho thế giới thấy những điều họ chưa thấy.

Pianist Nguyễn Đức Anh

- Nghệ sĩ Việt Nam đại diện cho thương hiệu đàn huyền thoại Blüthner (Đức)

- Cử nhân và Thạc sĩ Piano chuyên ngành Biểu diễn tại Nhạc viện Freiburg CHLB Đức; "Chứng chỉ sư phạm và phương pháp dạy đàn Piano"

- Giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi Piano quốc tế Alkan-Zimmerman tại Athens năm 2014

- Nghệ sĩ khách mời trong Lễ kỉ niệm 40 năm Quan hệ Ngoại giao Việt Nam - CHLB Đức tại Berlin năm 2015

- Học bổng của Chính phủ Đức cho sinh viên xuất sắc trên toàn quốc năm 2015

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam

- Một trong 10 đại biểu danh dự người Việt Nam tại Đức có thành tích vượt trội, cống hiến cho nghệ thuật do Đại sứ quán Việt Nam tại Đức trao tặng

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày