Nghề Geisha tại Nhật Bản chật vật đối mặt với đại dịch Covid-19

Hồ Điệp, Theo VOV 20:30 11/02/2021
Chia sẻ

Nói đến văn hóa truyền thống Nhật Bản không thể không nhắc tới Geisha, loại hình văn hóa độc đáo mang tính biểu tượng của xứ sở hoa anh đào. Tuy nhiên, trước tác động của dịch Covid-19, những nghệ sĩ Geisha đang phải vật lộn với những khó khăn chưa từng có, thậm chí đối diện nguy cơ buộc phải bỏ nghề.

Kowiko là một nghệ sĩ Geisha trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, cho đến mùa xuân năm 2020, khi Nhật Bản và cả thế giới rơi vào khủng hoảng về mọi mặt do tác động của đại dịch Covid-19. Kowiko chia sẻ, trong suốt năm vừa qua, cô hầu như không có việc làm, thu nhập chưa bằng một phần nhỏ so với trước khi dịch bệnh diễn ra.

“Nỗi lo sợ vẫn còn đó. Đến nay, chúng tôi cũng không biết đại dịch đến bao giờ mới kết thúc. Và tôi cũng không biết mình sẽ sống sót được đến khi nào”, Kowwiko chia sẻ.

Geisha được coi là biểu tượng văn hóa của phụ nữ Nhật Bản. Họ là những nghệ sĩ giải trí cao cấp được mời đến các bữa tiệc, sự kiện lớn, mang đến niềm vui cho công chúng bằng các tiết mục biểu diễn nghệ thuật. Khoảng từ năm 15 tuổi, các Geisha truyền thống đã được đào tạo bài bản và nghiêm khắc từ nghi thức pha trà, mời trà đến múa, hát, chơi các nhạc cụ truyền thống như đàn shamisen, đàn koto và sáo. Sau 5 năm học tập, họ mới được chính thức trở thành một Geisha thực thụ. Mỗi Geisha lại là một nghệ nhân khi có thể tự trang điểm những khuôn mặt trắng sứ, các nét vẽ độc đáo; kết hợp với những bộ kimono truyền thống đặc sắc.

Đặc biệt, mỗi Geisha để có thể trình diễn cần tự trang bị đủ các trang phục, đồ trang điểm..., với chi phí lên tới khoảng 10.000 USD. Tất nhiên, mỗi sự kiện, bữa tiệc có sự tham gia của các Geisha, khách hàng cũng phải chi tới vài nghìn USD. Thế nhưng, các nguồn thu nhập hầu như không còn trong thời gian đại dịch. Cuộc sống khó khăn hiện nay càng khiến cho số lượng Geisha giảm sút mạnh. Bà Ikuko - một nghệ nhân Geisha đã 80 tuổi, Chủ tịch Hiệp hội Geisha Akasaka kể lại, bà đã làm Geisha từ khi có khoảng 400 nghệ nhân vào 50 năm trước; nhưng đến nay chỉ còn đúng 21 người theo nghề này.

“Chúng tôi đang cố gắng để tồn tại và duy trì cuộc sống mỗi ngày. Chúng tôi cũng nỗ lực để đào tạo các lứa Geisha trẻ để có thể trình diễn bất cứ lúc nào, khi cuộc sống trở lại bình thường”.

Để góp phần hỗ trợ cho các Geisha trong giai đoạn khó khăn hiện nay, một nhà hàng truyền thống lâu đời tại quận Fukagawa, thủ đô Tokyo, nơi các Geisha thường biểu diễn đã nghĩ ra một cách làm mới. Các buổi trình diễn Geisha được thiết kế trực tuyến qua ứng dụng Zoom hoặc có quy mô nhỏ hơn; các khách hàng cũng có thể là các sinh viên, nhà nghiên cứu để tìm hiểu về giá trị văn hóa đặc trưng này. Dù không nhiều, nhưng những nỗ lực này cũng đã phần nào hỗ trợ cho các nghệ nhân Geisha có thể tồn tại qua mùa dịch bệnh khó khăn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày