"Công bằng đi các bạn, chúng tớ cũng đã cố lắm rồi"
Mấy ngày nay, dân mạng liên tục truyền tay nhau bức thư với tựa đề "Công bằng đi các bạn, chúng tớ cũng đã cố lắm rồi" giải thích nguyên nhân vì sao máy bay ở Việt Nam thường xuyên bị delay. Bức thư có nhiều lời lẽ khá xúc động lại "chạm" đúng vấn đề được nhiều người quan tâm nên càng lan truyền mạnh mẽ.
Dưới góc nhìn của người trong cuộc, trực tiếp lái máy bay trên bầu trời, chàng cơ trưởng 9X nổi tiếng cộng đồng mạng Nguyễn Quang Đạt (SN 1991, làm việc tại hãng hàng không Jestart Pacific) đã đưa ra những phân tích đầy thuyết phục.
Bức "tâm thư gây sốt" được Quang Đạt chia sẻ trên trang cá nhân.
Theo Quang Đạt, trong số rất nhiều nguyên nhân, có thể kể ra 4 lý do chính khiến máy bay thường xuyên bị delay và đó hầu hết đều là lý do khách quan, vốn dĩ không thể tránh khỏi.
Đầu tiên là đường bay thay đổi. "Thay vì đơn giản có thể bay qua Tây Nguyên, thẳng qua hồ Trị An, Đồng Nai rồi thẳng về Tân Sơn Nhất như khoảng 6,7 năm trước, máy bay của mình phải bay ra thẳng Phan Thiết, về Long Thành, rồi vòng lên hồ Trị An, sau đó tiếp tục lượn xuống Vũng Tàu Hồ Tràm rồi sau đó mới quay về Biên Hòa để tiếp cận… Thời gian bay tăng so với kế hoạch cũng tới 20-25 phút", Quang Đạt viết trên trang cá nhân.
Thứ hai là hạ tầng cơ sở của nước ta còn nhiều yếu kém. "Mình bay tới rất nhiều các sân bay lớn của châu Á như Hong Kong, Bangkok, Singapore… thực sự là căng thẳng và bức bách nhất, chính là bay đến Sài Gòn", Quang Đạt chia sẻ. Không ít lần vào tới gần TP rồi nhưng Đạt lại nhận được thông báo máy bay của mình có thứ tự hạ cánh số 25, như vậy, chuyến bay tiếp tục phải delay thêm ít nhất 30 phút.
Đáp được xuống rồi, đôi khi chờ đường lăn, chờ bãi đậu để được vào cũng nhiều khi mất 10-15 phút. Vậy là chỉ vì lý do "nhạt nhẽo" mang tên "đường đông", máy bay đã có thể trễ tới 30-45 phút. Một ngày, 1 chiếc máy bay phục vụ khoảng 6-8 chuyến, chỉ cần một nửa trong đó bị "tắc đường" là những chuyến cuối ngày có thể trễ tới 2 tiếng.
Hình ảnh đường bay khá vòng vèo do Quang Đạt chia sẻ.
Lý do thứ 3 để tối ưu hóa máy bay, đảm bảo cung cấp vé giá rẻ, các hãng hàng không đều không thể tăng thêm chuyến bay. Bởi "với giá như bây giờ đã là một sự gồng mình của các bộ phận để máy bay có thể quay đầu bay tiếp trong vòng 30-35 phút". Máy bay vừa đáp chuyến, cả phi công lẫn tiếp viên đều phải tất bật lo chuẩn bị cho chuyến kế tiếp, bận đến nỗi "không kịp đi toilet". Nhưng dù là như thế, ngoài kia nhu cầu của khách hàng vẫn còn quá lớn so với sự đáp ứng của họ.
Lý do thứ 4 là yếu tố kĩ thuật. Đôi khi chỉ vì những lối rất nhỏ như hỏng một cái đèn, một vết cắt nhỏ trên lốp mà máy bay buộc lòng sẽ không được phép bay nữa. "Đã có lần vì một lỗi mà tới biết 99,999% là sẽ an toàn và chỉ còn 0,001% rủi ro mà tớ quyết định quay đầu lại về sân bay vừa khởi hành để kiểm tra kỹ thuật... Nhưng mà thôi, vấn đề kỹ thuật không phải là chuyện để đùa", Quang Đạt viết.
Không mong tất cả khách hàng đều hiểu và thông cảm
Sau khi chia sẻ, bức tâm thư của cơ trưởng Quang Đạt nhận được 10.000 lượt thích và gần 2.000 chia sẻ. Tuy nhiên, bên cạnh thái độ cảm thông, hoàn toàn đồng tình thì nhiều người cũng cho rằng, quan điểm của Đạt chưa thực sự thuyết phục và phần nhiều là đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan. Họ cho rằng nếu cứ mãi viện dẫn lý do cơ sở hạ tầng yếu kém và chuyện đảm bảo giá vé rẻ để giải thích cho việc trễ chuyến, mong đợi sự cảm thông từ khách hàng, hy vọng họ có thể bình thường hóa chuyện này thì biết đến bao giờ, chất lượng dịch vụ hàng không mới tăng lên?
Nguyễn Quang Đạt - cơ trưởng của hãng hàng không Jetstar.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, phi công Quang Đạt chia sẻ: "Những ngày qua mình nhận được rất nhiều phản hồi của mọi người, có người ủng hộ, có người không đồng tình và mình đều lắng nghe. Mình không buồn bã hay bực tức vì nhưng ý kiến trái chiều, đơn giản là khi viết tâm thư này, Đạt không hy vọng tất cả khách hàng đều sẽ hiểu và cảm thông".
Quang Đạt chia sẻ, khi bỏ tiền ra mua dịch vụ, khách hàng đều mong đợi chất lượng phục vụ tốt nhất. Tuy nhiên, rõ ràng ngành hàng không có nhiều yếu tố đặc thù, cộng thêm việc vấp phải không ít trở ngại khách quan do cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập. Vì vậy, Quang Đạt luôn hy vọng khách hàng có thể bình tâm hơn mỗi lần máy bay trễ giờ và có thái độ chia sẻ nhiều hơn thay vì chỉ luôn than trách, phàn nàn.
Quang Đạt hy vọng khách hàng có thể thông cảm hơn vì sự thật là phi hành đoàn đã và đang cố gắng hết sức có thể.
Theo chàng cơ trưởng trẻ này, có rất nhiều lý do khiến máy bay trễ giờ nhưng hầu hết đó đều là lý do khách quan chứ không phải lỗi do phi hành đoàn. Giống như Quang Đạt, tự cậu luôn cảm thấy mình đã và đang cố gắng hết mình để làm tròn trách nhiệm một cơ trưởng. "Và mình nghĩ bất cứ ai, dù đang làm gì thì chỉ cần chúng ta thực sự yêu, hết lòng với công việc mình đang làm sẽ đều tìm thấy niềm vui, hạnh phúc. Khi Đạt viết những chia sẻ này, không phải Đạt buồn chán hay thất vọng hay kể khổ mà chỉ hy vọng rằng khách hàng sẽ hiểu hơn về nỗi vất vả của phi hành đoàn, khó khăn họ gặp phải và có thể thông cảm được phần nào thôi".
Quang Đạt không mong tất cả các hành khách sẽ cảm thông, chỉ hy vọng họ hiểu hơn phần nào khó khăn của phi hành đoàn.
Đặc biệt, chàng cơ trưởng này hy vọng khách hàng sẽ hiểu hơn nếu chuyến bay phải quay đầu khi vừa cất cánh hoặc chậm chuyến vì lý do rà soát kĩ thuật bởi vì đơn giản, điều đó là vì các hãng luôn lấy yếu tố an toàn đặt lên hàng đầu.
Thay vì cáu bực vì chuyện máy bay chậm trễ, khi đã có cái nhìn cảm thông hơn, khách hàng sẽ hiểu rằng đôi khi, chuyện trễ chuyến là một điều "bất khả kháng" và họ không đáng phải bực dọc vì những điều như thế.
"Các hãng bay đều đặt cao yếu tố an toàn lên hàng đầu nên nếu chuyến bay bị chậm vì yếu tố kĩ thuật, Đạt hy vọng khách hàng sẽ không phiền hà, trách cứ vì điều đó".
"Mình cũng nghĩ khi khách hàng không bực tức thì tự họ cũng sẽ được vui vẻ hơn, bớt đi những căng thẳng không đáng bởi vì nhiều khi chuyện máy bay trễ chuyến xảy ra chỉ vì lý do khách quan, không thể thay đổi được".
Theo Đạt, các hãng hàng không đều hiểu khách hàng mong muốn điều gì và vẫn luôn cố gắng hết sức để đáp ứng tốt những yêu cầu đó. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cao như vậy.
"Ngành hàng không mới phát triển khoảng 10 năm trở lại đây, khá trẻ so với nhiều quốc gia khác và có tốc độ tăng trưởng nóng. Khi các sân bay còn luôn quá tải và áp lực duy trì giá vé rẻ dẫn đến không thể tăng chuyến bay vẫn còn thì thực sự chuyện chậm trễ là khó tránh khỏi. Thực tế, tỉ lệ đúng giờ của các chuyến bay ở Việt Nam đạt 80%, phải nói là rất cao so với thế giới rồi. Tụi mình sẽ cố gắng hết sức và mong mọi người có thể hiểu và thông cảm hơn sau bài viết này", Quang Đạt nói thêm.