Với mục tiêu phấn đấu và phát triển bản thân, cải thiện cuộc sống hay có thăng tiến trong sự nghiệp, nhiều người hễ năm mới đến là đề ra kế hoạch, mục tiêu vô cùng bài bản. Thế nhưng cuối năm nhìn lại, có khi chỉ hoàn thành được 50% bảng kế hoạch hoặc thậm chí chẳng biết bản kế hoạch đó trùng với việc bản thân đã làm trong một năm qua ở chỗ nào.
Năm 2022 nếu đi qua với nhiều tiếc nuối vì vẫn chưa hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch, thì cũng hãy duy trì việc lập kế hoạch cho năm mới. Lần này, để mọi thứ không bị "mông lung" hay kém tính khả thi so với thực tế, tham khảo những lời khuyên từ các Shark sau đây.
"Nên có hai hoặc ba phương án thay thế, nếu plan A không được thì phải có plan B, nhưng không bao giờ được thay đổi mục tiêu".
Mục tiêu trong một năm cũng là thứ mà người trẻ cần phải xác định rõ ngay từ đầu. Một mục tiêu tốt là mục tiêu biết mình cụ thể cần phải làm gì trong năm mới, đặt mục tiêu trước, rồi sau đó vẽ ra những đường hướng để hình thành mục tiêu đó tốt nhất. Đừng nên suy nghĩ sợ sệt quá nhiều khi đặt mục tiêu vì Shark Hưng có lời khuyên rằng: "Đừng quan tâm đến nguồn lực khi mà chúng ta đặt mục tiêu". Chắc chắn sẽ có cách giúp ta đạt được nếu đã xác định chính xác điều mình muốn.
Song song, đừng nên chỉ có một kế hoạch để đi đến mục tiêu trước mắt. Nếu đó thực sự là điều bạn mong muốn hoàn thành, hãy lập 2, 3 kế hoạch, nỗ lực tìm mọi cách, nếu phương án này không khả thi hãy cố gắng đề ra phương án khác, bằng mọi giá phải đấu tranh cho đích đến của mình. Nếu chỉ có duy nhất một đường hướng để thực hiện mục tiêu đề ra, bạn sẽ dễ bỏ cuộc nếu gặp trở ngại gì đó trong năm.
Ví dụ như mục tiêu năm mới của bạn là sẽ kiếm được khoảng tiền bao nhiêu đó để lo lắng cho gia đình hoặc sắm sửa thứ gì đó có giá trị. Nhưng vì những biến động về tài chính bất ngờ ập đến khiến bạn nhụt chí và từ bỏ. Lúc này, bạn có thể đổi sang cách kiếm tiền khác, công việc khác, tuy nhiên không được thay đổi mục tiêu, giảm số tiền đặt ra ban đầu thấp lại. Có giữ nguyên mục tiêu, bạn mới có đủ quyết tâm, vững vàng trong những bước kế tiếp để quyết tâm đi đến bước cuối cùng.
"Nếu mình hiểu rõ khía cạnh nào đang cần cải thiện, mình nên tập trung vào nó. Dần qua thời gian mình sẽ đạt được cuộc sống cân bằng".
Một cuộc sống cân bằng về tài chính sự nghiệp, sức khỏe, tình cảm là điều mơ ước của nhiều người trẻ. Cuối mỗi một năm, bạn nên ngồi lại xem lại năm qua mình còn thiếu sót điều gì và nên cải thiện gì trong năm mới. Bạn phải vạch rõ những khía cạnh đó theo thứ tự quan trọng nhất để biết rằng mình nên tập trung cải thiện cụ thể phần nào. Nếu sức khỏe trong năm qua của bạn có dấu hiệu suy giảm, vào năm mới bạn nên tăng cường tập thể dục, ăn uống lành mạnh để cải thiện sức khỏe. Còn những vấn đề khác như tài chính hoặc tình cảm không quan trọng bằng, bạn có thể để phần trăm tập trung ít hơn.
Một kế hoạch tốt không phải là kế hoạch ôm đồm quá nhiều việc muốn đạt được trong năm mới. Đây sẽ là một kế hoạch hiểu rõ những cấp độ quan trọng và biết cách dành thời gian cho điều gì nhiều nhất và ít nhất. Qua một năm, bạn sẽ biết được mình cải thiện được điều gì, phát triển chỗ nào. Cách làm này không những giúp bạn lập kế hoạch cho năm mới mà còn là kế hoạch cho cả cuộc đời vì bạn song song thực hiện và theo dõi, đánh giá chứ không làm một cách bản năng, không chủ đích.
"Kế hoạch phải linh hoạt, không phải cứ bó cứng và đi theo kế hoạch đấy. Chúng ta phải theo các biến số và điều chỉnh cho phù hợp".
Khi một kế hoạch dài hạn được đặt ra, không tránh khỏi việc gặp những tác động bên ngoài và làm chệch hướng ban đầu. Đây là khó khăn đồng thời cũng là thử thách để bạn rèn luyện cho những sóng gió có thể ập đến trong tương lai. Vì vậy, đừng cố chấp theo mãu một kế hoạch ban đầu mà phải nhạy bén để linh động thay đổi.
Khi lập kế hoạch đầu năm mới, bạn phải dự đoán trước một số trường hợp không như mong muốn, có giải pháp dự trù cho nó, và chuẩn bị tinh thần để nếu có phát sinh sẽ nhạy bén thay đổi, ứng phó. Lời khuyên của Shark nói rằng chúng ta hãy chú trọng vào mục tiêu hơn là cách làm, không cần giữ nguyên "công thức" thì mới có thể tìm được đáp án. Chúng ta phải đánh giá, thức thời theo từng thời điểm, sự kiện, sự cố diễn ra trong quá trình để điều chỉnh theo nó.