(Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim)
Xuôi theo dòng chảy của trào lưu chuyển thể truyện ngôn tình Việt Nam, ắt hẳn ít cái tên nào có thể vượt qua được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ở thời điểm hiện tại, ông đã có tận 3 tác phẩm được mang lên màn ảnh rộng và tất cả trong số đó đều ghi nhận những phản hồi tích cực. Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình được cầm trịch bởi đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh - người đã ghi dấu ấn trước đó với Thưa Mẹ Con Đi và Bằng Chứng Vô Hình. Trở lại với dự án lần này, anh khiến người xem choáng ngợp khi mang đến những thước phim đậm chất duy mỹ, cùng một câu chuyện đầy hoài niệm, nhưng cũng trào dâng biết bao khắc khoải, hoài niệm.
Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình khắc họa câu chuyện tình yêu - tình bạn trong sáng và cũng vô cùng đẹp đẽ giữa Miền (Ngọc Xuân thủ vai), Vinh (Avin Lu thủ vai) và Phúc (Đỗ Nhật Hoàng thủ vai). Cả ba cùng học dưới một mái trường, cùng trải qua những ngày tháng thanh xuân tươi đẹp. Nếu sự rung động của Phúc dành cho Miền chỉ dần xuất hiện khi cậu bước vào ngưỡng tuổi 18 thì tình cảm Vinh dành cho mối tình đầu lại day dứt, khắc khoải, đi hoài theo năm tháng từ khi Vinh chỉ là một cậu bé đến lúc trưởng thành. Đáng tiếc, với một thiếu nữ mới lớn, Miền lại bị thu hút bởi ngoại hình vạm vỡ, cùng tính cách bộc trực, "chịu chơi" của Phúc hơn là chấp nhận tình cảm của một người con trai nhút nhát, hiền lành.
Lúc Miền sa ngã vào vòng tay Phúc cũng là lúc bi kịch cuộc đời Miền cứ thế tiếp nối. Khi Phúc vội vàng bỏ đi trong đêm mưa bão, Miền chơi vơi lạc lõng với tình yêu đầu khờ dại, cô nén đau thương sinh con và chấp nhận không lấy chồng. Vào những năm tháng bất hạnh nhất, Miền chỉ có Vinh bên cạnh để bầu bạn, Vinh yêu thương bé Su như con ruột và thậm chí còn ngỏ lời cầu hôn, dùng tình yêu day dứt suốt bao năm để nguyện che chở cho Miền. Nhưng khi Miền và Vinh đang tận hưởng những ngày tháng bình yên, Phúc lại quay về và muốn "giành" lại những thứ thuộc về mình.
Bối cảnh nên thơ, cảnh nóng nghệ thuật
Quyết định chuyển thể một tiểu thuyết ăn khách của văn học Việt Nam được xem là nước đi đúng đắn của Trịnh Đình Lê Minh khi anh hoàn toàn có thể yên tâm và "bung" hết những thế mạnh về cách làm phim của mình. Bộ phim chiêu đãi người xem những thước phim nên thơ, đẹp mắt về đất trời, ruộng lúa, thiên nhiên hùng vĩ, đẹp đến nao lòng của mảnh đất Phú Yên. Bối cảnh những năm thập niên 1990, 2000 được tái hiện tương đối chỉn chu tràn ngập cảm giác hoài niệm.
Cái hay của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đấy là đem những hiện tượng của thiên nhiên lồng ghép vào trong nội tâm, cảm xúc của từng nhân vật. Khi cả ba cùng nhau trải qua những ngày tháng vui vẻ, bình yên, bầu trời ngập tràn ánh nắng, ấm áp và dễ chịu nhưng một cơn bão ập đến, cảnh vật xung quanh xác xơ tiêu điều, Miền - Phúc lần đầu lỡ dại và xa nhau, báo hiệu một tương lai sóng gió sắp ập đến. Sau này, khi cả khi Vinh biết sự thật về bé Su, đó cũng là một đêm mưa nặng hạt, cùng với việc nhân vật này vụn vỡ, đau đớn tột cùng.
Trong phim có tới 2 cảnh nóng được dán nhãn 16+ do Ngọc Xuân thể hiện lần lượt với Đỗ Nhật Hoàng và Avin Lu. Đúng với phát ngôn trước đó, đạo diễn Trịnh Định Lê Minh đã không dùng cảnh nóng này để câu khách mà muốn thông qua nó giúp khán giả có cái nhìn sâu sắc hơn vào nội tâm và cảm nhận được tình cảm của từng nhân vật dành cho người mình yêu. Nam đạo diễn đã thành công khi tạo nên những thước phim duy mỹ và tràn ngập cảm xúc.
Cảnh nóng đầu tiên giữa Phúc và Miền diễn ra trong một đêm mưa bão nên có phần nóng vội và vồ vập, tựa như tâm trạng của cả hai cũng đang cuộn trào những đợt sóng dữ. Vì cả hai đều biết chỉ sau đêm nay, một tương lai u tối có thể chờ họ phía trước. Những nụ hôn, cái ôm nồng nàn tình cảm nhưng cũng đầy tuyệt vọng. Ánh mắt Ngọc Xuân biểu đạt trọn vẹn cảm xúc của người con gái bối rối, sợ hãi nhưng vẫn nguyện trao đi lần đầu tiên. Giọt nước mắt của nữ diễn viên rơi đúng lúc tạo nên sức nặng đáng kể cho phân cảnh tưởng chừng nhuốm màu nhục dục lại chất chứa biết bao xúc cảm bi thương của tâm hồn.
Nếu ví tình yêu của Phúc vội vã, nóng bỏng như ngọn lửa thiêu đốt những ngày hè thì tình yêu của Vinh lại nhẹ nhàng, êm ả như dòng nước thu từng bước lân la, len lỏi vào trong từng ngóc ngách trong tâm hồn và gây thương nhớ. Vinh trầm ổn, hiền lành, nhút nhát nên mới bỏ lỡ cô gái mình yêu, nhưng ở giây phút Vinh tự nhận mình là Phúc với ông giáo Dưỡng - điều này đã trở thành dự báo rằng Vinh đã can đảm bước ra vùng an toàn để tìm lấy hạnh phúc đang hiện hữu trước mắt.
Vinh ngỏ lời cầu hôn và tình nguyện dùng tình yêu để che chở cho hai mẹ con Miền suốt quãng đời còn lại. Đêm động phòng, Vinh vẫn là chàng trai dịu dàng, trái tim chất chứa muôn vàn tình cảm nhưng vẫn sợ làm tổn thương mối tình đầu mà chỉ dám dùng mũi mình chạm nhẹ vào mũi người thương, trán kề trán, biểu đạt một tình yêu tha thiết nhưng cũng đầy ôn nhu, nâng niu và trân trọng.
Vinh không dám bước quá giới hạn, nhưng Miền đã chủ động trong cảnh quay này, nhiều người nói Miền bạo dạn, nhưng cách đặt để tâm lý này lại đúng với một cô gái biết rõ tình cách của người chồng hiện tại sẽ luôn đợi chờ mình thay vì ích kỉ nghĩ cho bản thân. Hơn thế nữa, sự chủ động của Miền như một quyết định mạnh mẽ rằng cô chấp nhận bỏ lại quá khứ đau thương phía sau với Phúc và sẵn sàng hướng đến tương lai tốt đẹp bên cạnh Vinh.
Diễn xuất tròn trịa
Ở khâu casting diễn viên, đoàn phim gây bất ngờ cho người xem khi tìm được những diễn viên nhí có nét tương đồng với Avin Lu, Ngọc Xuân và Đỗ Nhật Hoàng giúp khán giả không bị "lạc nhịp" khi chuyển tiếp mạch phim. Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình sở hữu dàn diễn viên chất lượng từ chính đến phụ, mỗi cá nhân hoàn thành đều hoàn thành tốt vai trò được giao trong tác phẩm.
Nếu nói hơi đáng tiếc, có chăng là tạo hình của Đỗ Nhật Hoàng lúc thời cấp 3 lại có vẻ "dừ" hơn so với các bạn đồng trang lứa, nhưng đến lúc trưởng thành, anh lại thành công toát nên chất trai bụi bặm, phong trần. Về phía Ngọc Xuân, dù lần đầu chạm ngõ điện ảnh, nhưng nữ diễn viên đã cuốn hút người xem bởi nhan sắc trong trẻo, thuần khiết đúng chuẩn mối tình đầu. Tương tự với Đỗ Nhật Hoàng, gương mặt non nớt của Ngọc Xuân lại "chệch nhịp" khi hóa thân vào vai một người mẹ có con trai và một người phụ nữ từng chịu nhiều đau thương, mất mát.
So với hai bạn diễn, Avin Lu lại là người duy nhất hợp vai ở cả hai phiên bản tuổi 18 và lúc trưởng thành. Nam diễn viên cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong diễn xuất khi hóa thân vào Vinh - một chàng trai nhút nhát nhưng trái tim lại ngập tràn ấm áp và luôn sẵn sàng hy sinh vì cô gái mình yêu. So với tác phẩm từng gây tranh cãi trước đó, lần này Avin Lu đã thực sự tìm thấy vai diễn "đo ni đóng giày" cho mình. Thậm chí, nam diễn viên 9x còn được ví như là nhân vật "xé truyện" bước ra.
Dài dòng và thiếu đột phá
Việc giữ đến 90% nội dung tác phẩm gốc giúp dự án này được lòng fan nguyên tác nhưng nó cũng khiến Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình bản điện ảnh an toàn và thiếu tính đi đột phá. Đơn cử như trường hợp của Victor Vũ, nam đạo diễn mạo hiểm thay đổi cái kết và thêm nhân vật Hồng khiến truyền thông lẫn khán giả có thêm "content" để bàn tán, mổ xẻ, từ đó giúp Mắt Biếc viral khắp mọi mặt trận. Trong khi đó, Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình hầu như chẳng có yếu tố bất ngờ nào đáng kể để làm dậy sóng truyền thông. Việc thay đổi của bộ phim hướng đến việc làm "dày" nội dung, tô đậm cho từng số phận của từng nhân vật nhiều hơn.
Nhạc phim Phan Mạnh Quỳnh vốn là thương hiệu và thậm chí là thế mạnh trong các dự án chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhưng lại chỉ vang lên ở cuối phim khi tác phẩm đã hạ màn khiến nhiều người không khỏi hụt hẫng. Trong khi đó, nhưng OST khác của bộ phim lại chưa đủ "mạnh" để tạo cao trào về mặt cảm xúc.
Nửa đoạn đầu của Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình bị sa đà vào lối kể chuyện lan man, dài dòng khi cố gắng "nhồi nhét" những chi tiết về thời thơ ấu của ba nhân vật chính. Ở nửa sau, dù bộ phim đã bước vào giai đoạn kịch tính và cần đẩy mạnh tiết tấu thì đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh vẫn trung thành với lối kể chuyện chậm rãi, nhẹ nhàng khiến tác phẩm phần nào mất đi sức hút.
Bên cạnh đó, một chi tiết quan trọng ở cuối phim khiến dự án này mất "chất" điện ảnh đấy là việc để nhân vật độc thoại nội tâm quá nhiều, thay vì chú trọng kỹ thuật "show, don't tell" - để nhân vật tự lột tả cảm xúc thay vì kể lể. Đây được xem là một trong những hạt "sạn" đáng tiếc của việc đoàn làm phim muốn giữ những dòng thoại trong truyện mà cố tình bỏ qua một thủ pháp cơ bản của điện ảnh.
Chấm điểm: 3.5/5
Nhìn chung, dù vẫn còn một vài hạt "sạn" liên quan đến cách dựng phim cũng như đặc thù trong phong cách kể chuyện của từng đạo diễn, nhưng Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình vẫn là một tác phẩm đáng để công chúng bỏ tiền ra và thưởng thức vì sự chỉn chu, tỉ mỉ và tử tế của đoàn làm phim. Không cần kể một nội dung đao to búa lớn, dự án chinh phục người xem bởi những thước phim đậm chất trữ tình, bối cảnh dung dị và một cốt truyện nhẹ nhàng nhưng cũng rất đỗi nhân văn.